Bài 1: Gian nan thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ đại học - Thời sự 5g30 24/11/2020

(VOH) -  Trong nền kinh tế tri thức, các nhà khoa học đã chỉ ra có bốn trụ cột chính: đó là giáo dục và đào tạo; nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; hạ tầng; thể chế chính sách.

Phát triển kinh tế tri thức cũng được xem như một mục tiêu quan trọng của Thành phố trong giai đoạn mới. Những yêu cầu trên đặt ra trách nhiệm cho các trường đại học trong việc thực hiện các sứ mệnh góp phần thúc đẩy kinh tế tri thức. Đó là sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, TP.HCM đến nay đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu kết nối giữa khu vực trường đại học với doanh nghiệp để giải quyết các bài toán cho doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, mối liên kết giữa ba nhà là nhà trường – nhà nước – nhà doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn chưa thật sự chặt chẽ, chưa có những định hướng lâu dài.

Ảnh minh họa: TTO

Thương mại hóa chính là quá trình biến đổi các tri thức thành các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho thị trường. Nhìn lại trước đây, nhiều trường đại học hầu như chỉ thực hiện hai nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học, chưa thật sự quan tâm đến câu chuyện thương mại hóa và chuyển giao công nghệ ra bên ngoài. Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – nền kinh tế dựa vào tri thức đã thôi thúc các trường nghĩ đến nhiệm vụ thứ ba, đó là thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu phục vụ cộng đồng. Đây là vấn đề cấp thiết ở trường đại học, khi có thể ví von, nghiên cứu khoa học khó một – thương mại hóa được kết quả nghiên cứu ấy lại khó gấp mười, gấp trăm lần.

 Tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm khử khuẩn trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, nhóm nghiên cứu của Khoa Kỹ thuật y sinh, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu sản phẩm chai xịt khử mùi diệt khuẩn Nano Shield ở dạng sản phẩm thử. Sinh viên Dương Nguyễn Nguyệt San, năm cuối Khoa Kỹ thuật y sinh chia sẻ, sản phẩm chai xịt là đề tài nghiên cứu của Khoa có sự tham gia của giảng viên và sinh viên. Đây là sản phẩm có khả năng khử mùi, diệt khuẩn cao cho giày dép, nón bảo hiểm và những vật dụng cá nhân khác. Sản phẩm vẫn còn trong quá trình thử nghiệm, vì vậy nhóm nghiên cứu mong muốn đem sản phẩm thử nghiệm này ra thị trường để học hỏi quá trình một sản phẩm từ phòng Lab ra thị trường và quá trình tiếp cận người tiêu dùng, khảo sát ý kiến người dùng để quay trở lại phòng Lab chỉnh sửa sản phẩm tốt hơn, phù hợp nhu cầu thực tế hơn:“Thật sự đối với ngành học của em, khó khăn nhất của tụi em là tụi em không có kiến thức sâu về marketing hay thương mại. Cho nên, trong quá trình làm ra sản phẩm thì tụi em phải tự học hỏi rất nhiều về các mảng đó. Ngay cả phần thiết kế bao bì thì tụi em cũng phải tự mày mò nghiên cứu, kể cả việc tìm nguồn hàng”

Có thể thấy, từ quá trình nghiên cứu khoa học trong trường đại học, nếu như không được tiếp cận đến nhu cầu của thị trường, các đề tài nghiên cứu của nhà khoa học, của sinh viên chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm. Bởi để thương mại hóa một đề tài đã được nghiệm thu là một chặng đường còn dài ở phía trước. Trăn trở về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thị Quyền, Trưởng Bộ môn Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ - Trường Đại học Văn Lang, bày tỏ: “Chúng tôi mỗi năm tạo ra hàng trăm sản phẩm khác nhau, có thể nói kho đề tài của ngành công nghệ sinh học cực kỳ lớn. Tuy nhiên, ứng dụng ra bên ngoài lại rất ít. Chúng tôi gặp khó khăn vì là dân kỹ thuật, làm nghiên cứu. Chúng tôi cũng có phản ánh với nhà trường để có sự hỗ trợ. Sắp tới, Trường có chủ trương phối hợp giữa các khoa trong trường để phát triển mạnh những sản phẩm sinh học do Khoa sản xuất. Đồng thời, Trường cũng thúc đẩy các khoa mở rộng quan hệ đối tác doanh nghiệp để doanh nghiệp hỗ trợ mình đưa sản phẩm ra thực tiễn cuộc sống”

 

Để các đề tài nghiên cứu của trường không bị lãng phí, nhiều nhà khoa học đã chủ động tìm kiếm những cơ hội để giới thiệu sản phẩm nghiên cứu của mình đến với nhà đầu tư, với doanh nghiệp. Tham gia cuộc chơi, họ - những nhà khoa học, những giảng viên đại học phải mạnh dạn chấp nhận một quy luật thị trường rằng, khách hàng sẽ cân đong đo đếm sản phẩm nghiên cứu của mình, buộc họ phải liên tục điều chỉnh theo định hướng của thị trường. Thạc sĩ Trần Thị Anh Thoa, Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, mới đây, Khoa Công nghệ sinh học đã đem 4 sản phẩm nghiên cứu đến sự kiện Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành công nghệ sinh học, diễn ra tại Sàn Giao dịch Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu mời gọi các đối tác, tìm kiếm khách hàng nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu này: “Mong muốn của Khoa là đưa những quy trình, công nghệ mà Khoa có nhận đề tài, đã làm, đã nghiệm thu và mong muốn nó có thể được sử dụng trong thực tế, có thể sản xuất trên quy mô lớn để ứng dụng. Thay vì mình làm xong đề tài rồi để đó sẽ rất phí. Hy vọng có thể nhận được hợp đồng, sự quan tâm. Đầu tiên mình muốn khảo sát thêm thị trường thật sự có quan tâm đến đề tài của mình thực hiện hay không. Nếu họ quan tâm, mình sẽ xem để có những định hướng tiếp theo”

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa cơ khí chế tạo máy, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, hiện nay các công trình nghiên cứu của giảng viên, sinh viên, nhà khoa học được chuyển giao ra ngoài thị trường ngày càng được tiếp cận gần hơn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta đã gắn kết được một phần dựa trên nền tảng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, của bên ngoài để chuyển tải vào trong các dự án, đề tài nghiên cứu, làm cho các nghiên cứu càng gần gũi hơn với thực tế cuộc sống: “Có một số vấn đề như hiện chúng ta vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa yêu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của các nhà khoa học. Do đó, ở đây chúng ta cần một cơ chế tốt hơn, ví dụ như một sàn giao dịch hay một nơi tập hợp những ý tưởng, làm sao để cho doanh nghiệp biết đến nơi nào có khả năng thực hiện được vấn đề doanh nghiệp cần, hiện nay Việt Nam chưa làm được giống như các nước. Ở các nước phát triển đều có một trung tâm, một nơi để các doanh nghiệp tìm tới, các nhà khoa học cũng có thể tìm tới, và những nhà phát minh, sáng tạo trẻ tìm tới để đưa ý tưởng, các doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận”

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học là hành trình gian nan của chính các giảng viên, sinh viên trường đại học. Nếu không có sự bắt tay, kết nối của doanh nghiệp, các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng khó có thể tiếp cận với thị trường. Thực tế khó khăn này đòi hỏi các trường đại học phải có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp ở mọi khía cạnh, nhất là trong lĩnh vực thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ.

Thùy Linh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo