Việt Nam cần khuyến khích người cao tuổi tự chủ trong chăm sóc bản thân - Thời sự 11h 6/6/2018

(VOH) - Hiện TPHCM có khoảng 500.000 người cao tuổi, nhưng số được chăm sóc chỉ khoảng 2.000 người, chiếm 4%, còn lại đa số họ ở trong gia đình và tự chăm sóc bản thân.

Hiện nay, ở Nhật Bản họ rất coi trọng việc khuyến khích người lớn tuổi tự chăm sóc bản thân trong cuộc sống hàng ngày, bởi đây là cách để duy trì sức khỏe và khả năng vận động. Về tâm lý, những người già yếu thường có mặc cảm rằng mình đang là gánh nặng khi phải để con cháu chăm sóc nên thường buồn bực, tự ti và thậm chí mất đi động lực vui sống. So với một số địa phương khác thì người cao tuổi ở TPHCM, có một cuộc sống khá đơn điệu và cô đơn. Môi trường giao tiếp công cộng như công viên, vườn dạo, không gian xanh thư giãn quá thiếu, trong khi đó các cơ sở dịch vụ dành cho người già rất ít. Vì vậy mô hình chăm sóc của Nhật Bản cũng là một mô hình hay để chúng ta học hỏi. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên VOH  phỏng vấn Thạc sỹ Lê Văn Thành - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

Người cao tuổi

Ảnh minh họa: hsri

VOH: Ông cho biết về công tác chăm sóc người cao tuổi hiện nay ở TPHCM ra sao? Có những thuận lợi, khó khăn gì?

Thạc sỹ Lê Văn Thành: Người cao tuổi ở Việt Nam theo luật là 60 tuổi trở lên thì gọi là người cao tuổi và TPHCM có gần 500.000 người. Và trong 500.000 đó thì hiện nay các cơ sở chăm sóc người cao tuổi kể cả công lập và ngoài công lập khoảng 2.000 đến 2.500 người thôi. Như vậy, con số được tập trung chăm sóc rất ít chỉ khoảng 0,5% so với tổng số người cao tuổi. Đa số còn lại thì hiện họ đang ở gia đình. Một là họ đang còn sức khỏe để họ tự chăm sóc, hai là họ nhờ con cái trong gia đình để tự chăm sóc. Có thể nói sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam già thường yếu và mắc nhiều bệnh. Vì vậy vấn đề lớn nhất của người cao tuổi hiện nay là vấn đề sức khỏe. Có những người mắc 2, 3 bệnh một lúc chính vì vậy vấn đề chăm sóc người cao tuổi ở các gia đình cũng được đặt ra là cần phải quan tâm để có thể nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi. Hiện nay, nói về những mô hình nào là tốt nhất, thật sự là những ô hình tập trung chỉ là những mô hình mang tính chất tự nguyện, thiện nguyện. Vấn đề chính sách, ví dụ như nhà dưỡng lão Thị Nghè là các đối tượng chính sách hay một số cơ sở tư nhân họ mở ra dành cho những đối tượng già mà bị bệnh nhiều cũng hơi đặc biệt. Cho nên cái mô hình nhà dưỡng lão tương đối hoàn chỉnh thì hiện nay mình chưa có. Và người cao tuổi muốn vào nhà dưỡng lão hiện nay cũng rất là khó vì chưa có mô hình nào hoàn chỉnh và phải ở lại gia đình.

VOH: Như vậy thì đâu là những giải pháp và mô hình chăm sóc người cao tuổi hiện đang được áp dụng? Và những giải pháp và mô hình nào chúng ta đang hướng tới?

Thạc sỹ Lê Văn Thành: Cái mô hình mà chúng ta hướng tới theo tôi phải là cái mô hình mà nó kết hợp giữa chăm sóc tập trung với gia đình. Chúng ta có thể hình dung như khi gia đình đưa con em đến học bán trú ở buổi trưa rồi về. Thì người cao tuổi cũng vậy thì như vậy chúng ta sẽ có mô hình chăm sóc giữa gia đình và chăm sóc tập trung. Như vậy sẽ thỏa mãn được tinh thần, tình cảm và nhu cầu chăm sóc.

VOH: Như ông vừa cho biết thì Nhật Bản là một trong những nước có những mô hình chăm sóc người cao tuổi rất hay. Vậy theo ông Việt Nam học hỏi gì từ Nhật Bản trong việc chăm sóc người cao tuổi?

Thạc sỹ Lê Văn Thành: Nhật Bản thì họ có nhiều kinh nghiệm lắm, trước hết là vấn đề chính sách pháp luật thì họ rất là chi tiết. Họ làm rất lâu và có những cái rất cụ thể thì mình có thể học cái đó được. Cái thứ hai nữa là mô hình chăm sóc mới ví dụ như mô hình bán trú mà tôi đã nói ở trên thì Nhật họ có kinh nghiệm cái đó. Họ gọi là mô hình chăm sóc ban ngày. Đó là những cái mà chúng ta có thể học tập. Ngoài ra, vấn đề định nghĩa của họ về việc chăm sóc cũng rất đặc biệt là họ phân loại ra các nhóm tuổi khác nhau để có chính sách khác nhau. Thứ hai nữa tôi cho là họ hơi khác mình một chút là họ kêu gọi cái tinh thần, thái độ của người cao tuổi chủ động hơn nữa trong vấn đề tự chăm sóc bản thân của mình. Tức là kêu gọi trách nhiệm của người cao tuổi trong vấn đề chăm sóc bản thân của mình.

VOH: Dân số Việt Nam đang nhanh chóng bước vào giai đoạn già hóa, đây có phải là gánh nặng cho công tác chăm sóc người cao tuổi không? Và chúng ta nên chủ động như thế nào trong công tác này?

Thạc sỹ Lê Văn Thành: Cho đến nay cái nhận thức chung về người cao tuổi còn nhẹ nhàng lắm. Chưa thật sự đặt cho đúng tầm quan trọng của nó. Cho nên cũng mong sẽ có những cái nhận thức lại vai trò vị trí người cao tuổi. Và như vậy, nếu nhận thức tốt thì sẽ có những giải pháp phù hợp hơn. Nếu nhận thức không đầy đủ thì sẽ không có quyết tâm về vấn đề người cao tuổi. Ở đây tôi nói thêm là nếu mình giải phóng được cái vấn đề chăm sóc người cao tuổi ở các gia đình thì có một lực lượng lao động rất lớn từ các gia đình có thể tham gia vào thị trường lao động, xã hội. Như vậy thì chúng ta thấy nó có nhiều cái lợi lắm nếu mình giải phóng được sự chăm sóc. Mà xã hội mình giờ cũng nhiều chuyển biến lắm. Từ những gia đình 3, 4 thế hệ: Tam đại, tứ đại đồng đường bây giờ là gia đình hạt nhân. Hai vợ chồng đều đi làm, còn con cái họ đi học cho nên cái trách nhiệm của gia đình hạt nhân rất lớn và bây giờ nếu giải phóng được sự chăm sóc người cao tuổi này thì nó rất tốt cho xã hội.

VOH: Công tác chăm sóc người cao tuổi tại TPHCM có những đặc thù gì so với các địa phương khác?

Thạc sỹ Lê Văn Thành: Tôi cho rằng ở TPHCM mình đang có một cái thuận lợi, thuận lợi vì tiềm lực kinh tế mình lớn cho nên việc huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác nhau cho vấn đề chăm sóc người cao tuổi nó dễ dàng hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn kêu gọi một sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như Hội người cao tuổi Nhật Bản họ lập một tổ chức phi Chính phủ, chủ yếu họ nghiên cứu thôi. Và nếu mình làm kết quả tốt thì họ sẽ về tuyên truyền vận động ở Nhật và mở ra những hướng đầu tư về vấn đề người cao tuổi.

VOH: Xin cám ơn ông!

 

Phương Dung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo