Nông dân ngoại thành đón Tết - Thời sự 17h 15/2/2018

(VOH) - Tết là khoảng thời gian thiêng liêng, ý nghĩa nhất trong năm. Những ngày này, mọi người mọi nhà dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi, thăm hỏi, tham quan du lịch.

Nhưng với nhiều bà con nông dân ở ngoại thành, những ngày Tết lại gắn với mùa vụ, với việc sản xuất nên vui xuân vẫn không thể rời mắt khỏi ruộng đồng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và mỗi nông dân cũng có cách thức đón Tết của riêng mình. 

Xuân về mang theo nhiều ước vọng, quyết tâm cho một năm mới thuận mùa, cho việc sản xuất được hiệu quả. Chính vì vậy, các vụ mùa đầu năm luôn là những mùa vụ được bà con chăm chút. Đặc biệt với những nông dân ở vùng ngoại thành, nhanh nhạy nắm bắt tình hình cung cầu trên thị trường, tiếp cận nhanh với các dịch vụ thông tin, cái Tết  đơn giản, nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa, vui tươi luôn được bà con nông dân ưu tiên lựa chọn.

Như nhiều nhà vườn trồng lan trong Câu lạc bộ Hoa lan xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, vụ Tết này vườn lan của ông Đinh Đông Nhựt thắng lớn. Chỉ mới đầu tháng Chạp, số lan trong vườn hầu như đã bán hết. Chuẩn bị cho các vụ hoa năm mới, những ngày cuối năm ông đã tiếp tục nhập cây về cắt tỉa, vô chậu, vô phân. Những ngày đầu năm, tranh thủ lúc xong việc nhà ông lại ra vườn để chăm chút các gốc lan của mình. Ông chia sẻ: "Ăn Tết thì có ăn Tết nhưng cây vẫn nhập giống mới về để chuẩn bị cho năm sau. Mấy ngày Tết có khách thì tiếp khách, không có khách thì trồng cây. Nói chung mình đâu có xài hoang phí, mình cứ ăn uống bình thường, thăm bạn bè... Nông dân thì vậy đó. Năm nay, tất cả các hội viên của xã đều thắng lợi. Ai cũng bán được nhiều, thu nhập vô nhiều" .

Ông cũng cho biết, những năm gần đây, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường nội đồng của xã được đầu tư, nâng cấp. Việc vận chuyển, đi lại thuận lợi hơn nên mô hình trồng lan trên địa bàn khá phát triển. Cùng chọn lựa mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, anh Trương Trung Cường, người đi tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh đã có một năm khá thành công với con cá kiểng. Đặc biệt, từ chuyên cung cấp cho các thị trường trong nước, 3 năm nay, anh đã xuất khẩu cá kiểng sang cả thị trường châu Âu và Trung Đông. Những bất lợi khi giá cá kiểng nhiều năm vẫn giữ nguyên trong khi vật tư, thức ăn cứ tăng cao, đã thôi thúc anh nông dân trẻ đã tìm đường xuất khẩu để có thể nâng cao giá trị của giống vật nuôi cho cơ sở của mình. Sau 3 năm kể từ đợt hàng xuất khẩu đâu tiên, đến nay anh Cường trở thành đầu mối bao tiêu sản phẩm cho hàng chục hộ nuôi cá kiểng trong xã cũng như nhiều tỉnh thành lân cận. Đáng mừng là hạch toán cuối năm cho thấy số lượng và giá trị các đơn hàng ngày mỗi năm mỗi tăng lên. Và trong những ngày xuân, đón Tết, gia đình anh cũng trên tinh thần sẵn sàng làm việc: "Vẫn sản xuất thôi nhưng nhân viên thì mình cho nghỉ từ 29 đến mùng 8 thì làm việc. Nhiều khi có những đơn hàng ngay Mùng 1 Tết thì cả nhà không ăn Tết. Bởi vì, nước ngoài họ không ăn Tết mình nên họ cứ đặt hàng và mình cứ làm thôi. Nói chung những ngày đó, đón Tết sơ sài thôi. Sau khi giải quyết những đơn hàng, mình có thời gian, mới đón Tết được".

Không riêng hộ anh Cường, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang những mô hình phù hợp như cá kiểng, trồng rau, nuôi cá thịt những năm qua đã mang về cho người dân xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh những mùa xuân phấn khởi, những cái Tết đầm ấm hơn. Về thay đổi trong đời sống của người dân tại địa phương, ông Lữ Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt, ghi nhận: "Nói chung, qua chuyển đổi cơ cấu, đời sống bà con nông dân ở Tân Nhựt ngày càng đi lên. Nhờ các phương tiện đi lại dễ dàng, đời sống của bà con đang đi lên rất cao. Bà con sửa sang nhà cửa, sơn quét lại, sắm sửa thêm đồ đạc, những cái cần thiết để phục vụ mấy ngày Tết này kia đó".

Vẫn duy trì sản xuất nông nghiệp trong những ngày Tết, nhưng với ông Huỳnh Đoàn Thông, nông dân đồng thời là chủ doanh nghiệp sản xuất hạt giống lớn ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, cái Tết năm nay vui tươi và ý nghĩa hơn nhiều. Không cần ra vườn nhưng ông vẫn có thể nắm bắt được tình trạng phát triển từng luống cây, biết được độ ẩm, mức độ ánh ánh sáng hiện có tại vườn. Hơn thế nữa, vườn được đầu tư theo hướng tự cảm ứng, khi cường độ nắng vượt quá mức cần thiết hay độ ẩm, nhiệt độ trong vườn tăng quá cao, hệ thống thiết bị có khả năng tự vận hành để duy trì môi trường cho cây trồng phát triển tối ưu nhất. Vì vậy, ông và gia đình có thể an tâm đón Tết: "Mõi năm là cực lắm. Không có công nghệ cao Mùng 1 Mùng 2 cũng phải có người chăm sóc đi tưới. Bây giờ nhờ ứng dụng công nghệ cao Tết nghỉ vui lắm  thoải mái ở nhà luôn. Tất cả hệ thống bón phân, tưới nước máy móc làm hết rồi. Tự cảm ứng, làm việc trên hệ thống mạng luôn, không cần phải ra đồng. Mình ngồi ở nhà vẫn quan sát được cây trồng, điều khiển trên mạng luôn".

Việc ứng dụng công nghệ cao cũng là định hướng phát triển của ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi những năm qua. Nhờ vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ của thành phố, đến nay người dân Củ Chi đã tiếp cận nguồn vốn có hỗ trợ lãi vay là 2.100 tỷ đồng. Con số này vô cùng ý nghĩa đối với ngành nông nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND Huyện Củ Chi, nhìn nhận: "Nếu so với 10 năm trước đây, giá trị sản xuất trên 1 ha chưa đến 100 triệu đồng. Đến hiện nay là 360 triệu đồng. Trước đây 1 ha sản xuất nông nghiệp cần đến 3,7 lao động, còn hiện tại chỉ cần 1,4 lao động/ha. Như vậy năng suất lao động sau gần 15-20 năm đã tăng lên gấp 8 lần, thu nhập người dân tăng lên 4 lần. Một kết quã rất khả quan".      

Thưa quý vị! Do đặc thù công việc, đặc biệt là nghề nông ở vùng ven đô thị lớn, những nông dân ngoại thành đã có những ngày đón Tết thật ý nghĩa theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, điểm chung của bà con chính là tinh thần ham học hỏi, sự năng động và niềm tin ở tương lai.

Tuyết Nhung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo