Ngân hàng cam kết đơn giản hóa thủ tục cho vay để xóa bỏ tín dụng đen - Thời sự 17h 14/8/2018

(VOH) - Nhiều ý kiến của đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về vấn đề kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức cho vay theo hình thức “tín dụng đen”.

Hôm qua, tại phiên chất vấn trong Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến của đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về vấn đề kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức cho vay theo hình thức “tín dụng đen”. Hoạt động công khai, rầm rộ và trắng trợn “mồi chài” người dân tiếp cận với hình thức tín dụng này với lãi suất cao khiến các biểu bày tỏ sự bất an nếu Bộ Công an không có giải pháp mạnh để xử lý dứt khoát vấn nạn này. Tại đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, sẽ có chỉ đạo hệ thống Ngân hàng và các Quỹ tín dụng nhân dân đơn giản hóa các thủ tục cho vay để từng bước xóa bỏ tín dụng đen. 

Báo cáo trước phiên họp của Bộ Công an cho thấy, hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các băng nhóm triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực tài chính. Hoạt động tín dụng đen, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật … diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Từ thực tế được nêu, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Lâm Đồng băn khoăn và đặt câu hỏi: "Hiện nay, tình hình hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi, xâm phạm quyền sở hữu, huy động vốn thông qua đầu tư đang có nhiều diễn biến phức tạp. Mặc dù đã có những cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn, về mất an ninh trật tự, an toàn xã hội từ hoạt động này, thậm chí, đã hình thành các băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê ở các địa phương hoạt động một cách công khai và manh động, không chỉ ở đô thị mà còn tặng đến các địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhưng việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn của các cơ quan chức năng chưa thực sự kịp thời. Hiện tượng trên đã tạo nên sự bất an trong đời sống xã hội. Xin hỏi Bộ trưởng: vấn đề này, ngành đã có những giải pháp gì để kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tốt nhất".

Trả lời thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, phần lớn các tổ chức “tín dụng đen” đều được cầm đầu bởi các đối tượng hình sự cộm cám, có tiền án tiền sự, côn đồ hung hãn, lập thành các băng, ổ, nhóm để tiến hành cho vay nặng lãi với lãi suất cao. Trường hợp người vay không trả nổi lãi, sẽ có những băng nhóm tội phạm siết nợ, đòi nợ thuê, sử dụng vũ khí để đe dọa, đánh đập, truy sát con nợ… Nhiều nơi, hoạt động “tín dụng đen” công khai, ngang nhiên thách thức pháp luật. Đề cập đến lý do còn tồn tại của các loại hình tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ: "Tội phạm “tín dụng đen” sở dĩ còn đất sống vì lượng tiền nhàn rỗi trong dân còn rất lớn. Nhu cầu của nhân dân cần tiền gấp để sử dụng trong việc kinh doanh, sản xuất cũng rất lớn, nhưng một yếu tố chung là các tổ chức tín dụng của chúng ta chưa giải quyết được hai cái vấn đề này. Đây là kẽ hở để các tội phạm ở lĩnh vực “tín dụng đen” có đất để hoạt động".

Từ thực tế đó, Bộ Công an cũng đã xác định được nhiều biện pháp để xử lý dứt điểm đối với tình trạng này, trong đó có những nội dung liên quan đến các tổ chức ngân hàng, tín dụng Nhà nước. Bộ Trưởng Tô Lâm, nhấn mạnh: "Rõ ràng, chúng tôi cũng xác định rằng: đối với các tổ chức cho vay “tín dụng đen” - đây là một loại hoạt động tội phạm, đặc biệt là với các tổ chức đã xác định được rằng đó là những đối tượng tội phạm hình sự cầm đầu, hoặc tổ chức thành những băng nhóm hoạt động. Đây là một trong những nhóm mà chúng tôi sẽ tập trung đấu tranh. Giải pháp thứ hai, đó là chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân… làm sao tháo gỡ được khó khăn, huy động được tiền nhàn rỗi trong dân, phải tổ chức được hệ thống tín dụng làm sao để nhân dân tiếp cận được dễ dàng đối với những vấn đề khi cần phải có vốn. Giải quyết được những yêu cầu đó, tín dụng đen sẽ không còn đất để hoạt động".

Tham gia trả lời chất vấn với nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt việc xử lý những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bức xúc về hoạt động tín dụng đen trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực nông thôn. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra nhiều giải pháp, quy định về lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn: "Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, đối với hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, một mặt, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các Ngân hàng, đặc biệt là hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Quỹ tín dụng nhân dân… mở các chi nhánh để cung ứng các dịch vụ thanh toán, tiếp cận với dịch vụ Ngân hàng qua thức lưu động; áp dụng công nghệ mới trong giải pháp để tiếp cận vốn và thanh toán để đáp ứng đa dạng các nhu cầu về vốn. Thứ hai, tạo điều kiện cho các Tổ chức tài chính vĩ mô, các Quỹ tín dụng nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Thứ ba, thực hiện tốt hơn nữa các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ… để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách tốt hơn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng giải quyết, xử lý, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thanh toán để tiếp cận vốn dễ hơn".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho rằng, hoạt động tín dụng không chính thức còn ngang nhiên hoạt động không chỉ có trách nhiệm của Bộ Công an hay Ngân hàng, mà còn có các cơ quan khác, trong đó có vai trò của chính quyền các địa phương trong việc quản lý các hoạt động này, mà tới đây, các đơn vị, bộ ngành, địa phương phải phối hợp chặt hơn để triệt phá “tín dụng đen”.

Hữu Nghị

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo