Quốc hội giao CP 5 giải pháp để thực hiện tốt chính sách dân tộc, miền núi - Thời sự 17h 13/08/2018

(VOH) - Trong buổi chất vất Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đã có 33 ý kiến đại biểu Quốc hội chất vấn qua cầu truyền hình trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố.

Nội dung chất vấn liên quan chủ yếu đến hoạt động của Ủy ban Dân tộc trong các công tác dân tộc, việc thực hiện các chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.

Ngoài ra, ở nội dung này, các vấn đề đại biểu chất vấn cũng liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều Bộ ngành khác như: Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch- Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa thể thao du lịch…

Liên quan đến lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng: cách đây 5 năm, để nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở cho vùng đồng bào miền núi, Trung ương đã giao Bộ làm chủ đầu tư Đề án “Xây dựng đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô”. Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện dự án từ thiện, xây dựng 186 cầu treo cho các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cùng các địa phương thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện nay, phong trào này được thực hiện khá tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cho hay: “Với nhiều chủ trương, hiện 95% đường đến trung tâm các xã đã được bên tông hóa trên cả nước. Các xã gần khu kinh tế lớn tỷ lệ phủ kín tốt hơn. Các tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước tỷ lệ này thấp hơn. Chúng tôi cũng mong các tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Do chia tách xã nên nhiều xã mới chia tách chưa có đường đến trung tâm xã. Nhưng Trung ương không có Đề án giao Bộ nữa nên trách nhiệm hiện nay do chính quyền địa phương. Do đó, chúng tôi mong các đồng chí tập hợp, đề xuất cùng với Bộ, nếu cần thiết sẽ có một chương trình mới để Bộ GTVT làm chủ đầu tư cho tất cả các tỉnh, nếu không từng địa phương phải có kiến nghị để Chính phủ xem xét”. 

Trước thắc mắc của đại biểu về Đề án Hỗ trợ các hộ nghèo và người nghèo dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085 hoặc Đề án Hỗ trợ dân tộc rất ít người theo Quyết định số 2086, ban hành năm 2016 nhưng qua 2 năm vẫn chưa được cấp kinh phí để triển khai, Phó Chủ tich Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị 2 Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giải đáp thắc mắc cho đại biểu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: giai đoạn 2011 - 2015, Đảng và Nhà nước ban hành 181 chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi. Giai đoạn 2016 - 2020, còn 116 chính sách đang triển khai thực hiện.

 

Ngoài ra, ngân sách cũng đã bố trí gần 200 ngàn tỷ để thực hiện các chính sách dân tộc trong giai đoạn 2016 - 2020, chủ yếu ở các khu vực Tây bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ. Đối với vốn đầu tư ODA, Bộ cũng bố trí hơn 38 ngàn tỷ để hỗ trợ cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù đầu tư nhiều nhưng kết quả mang lại chưa như mong đợi, đặc biệt, tỷ lệ tái nghèo còn cao.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “Quan điểm của chúng tôi, đó là điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên, điều kiện dân trí của các vùng miền quá kém, dẫn đến sinh kế của người dân rất khó. Và đã không có kế sinh nhai, không có công ăn việc làm thì chúng ta không thể nào giải quyết được. Chúng ta chỉ có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, quan tâm về vấn đề an sinh xã hội và kinh tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa… nhưng để tạo được việc làm, giúp thu nhập của bà con vượt lên trên 7 -8 triệu/người là một thách thức rất lớn.”

Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nguyên nhân khiến các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi xuất phát từ nhiều phía. Theo Bộ trưởng, hiện nước ta đang triển khai 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia, điều nay gây lãng phí nhân vật lực cho ngân sách, dù rằng trước đó đã giảm từ 61 Chương trình mục tiêu xuống còn 21 chương trình. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương chưa đến nơi đến chốn, lúng túng trong hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền về các chính sách cũng còn nhiều hạn chế.

Với 4 nhóm chính sách đang triển khai, bao gồm: Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số; các chế độ chính sách thực hiện trên phạm vi cả nước; Chế độ chính sách hỗ trợ gián tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số và Các Chế độ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với kinh phí hỗ trợ chính sách giảm nghèo đa chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: “Đến bây giờ trong 2 năm, ngân sách của giai đoạn 2016 - 2020, và 2 năm ổn định ngân sách 2017 - 2018. Riêng về ngân sách chi thường xuyên và chi cho sự nghiệp theo các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã đáp ứng được yêu cầu. Trong năm 2017 - 2018 ngân sách đã bố trí là 187.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, tổng chi thường xuyên phân bổ theo dân số liên quan đến dân tộc thiểu số của năm 2017 là 84.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng chi thường xuyên của ngân sách địa phương. 2 chính sách 2085 - 2086, chúng tôi cho rằng đây không phải là phát sinh chính sách mới mà là tiếp tục những chính sách của các giai đoạn trước.”

Phát biểu giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhìn nhận những tồn tại trong việc thực hiện các chính sách dân tộc như: hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ, mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn nên có mặt đạt hiệu quả chưa cao. Một số chính sách được xây dựng chưa sát với đặc điểm vùng miền, văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số, chưa tạo động lực để khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo; thu hút đầu tư xã hội khu vực này còn nhiều hạn chế…

Để khắc phục những tồn tại trên, đồng thời phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến 4 giải pháp: “Sẽ chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mục tiêu đặt ra trong 2 Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 2020. Tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách cho các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số. Cùng với đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở trên 3 phương diện: đầu tư xây dựng bệnh viện huyện, Trạm y tế xã, đào tạo nhân lực y tế, hỗ trợ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương liên quan, khẩn trương rà soát, ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án di dân tái định cư tại các vùng trọng điểm.”

Phát biểu kết luận phiên chất vấn đối với vấn đề dân tộc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thay mặt Quốc hội giao Chính phủ thực hiện 5 nhóm giải pháp: “Trước mắt, thực hiện tốt nội dung Nghị quyết số 90 đã ban hành, sớm trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 để đảm bảo vốn để thực hiện. Các chương trình từ nguồn dự phòng của Ngân sách Trung ương, từ nguồn tăng thu, từ dự phòng vốn đầu tư công trung hạn của Ngân sách để đảm bảo kinh phí cho các chính sách đã ban hành từ nay đến năm 2020, không để nợ kinh phí trong việc thực hiện các chính sách của đồng bào dân tộc.”

“Thứ hai, đề nghị Chính phủ phân công rõ đầu mối chịu trách nhiệm tham mưu Chính phủ, đảm bảo việc quản lý tập trung theo nguyên tắc: một cơ quan chịu trách nhiệm chính, thống nhất các nguồn lực đầu tư thực hiện chính sách dân tộc, tránh chồng chéo, phân tán; đảm bảo sự phối hợp tốt giữa các bộ ngành địa phương trong triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tích hợp, thu gọn các đầu mối quản lý, thực hiện các chính sách dân tộc để hướng tới đề xuất “một chương trình chung có thời hạn 10 năm cho giai đoạn tới”; trên cơ sở đánh giá sơ kết việc thực hiện chính sách dân tộc 3 năm qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 vào tháng 10 tới đây, đồng thời tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số ở giai đoạn tiếp theo. Chính phủ chỉ đạo việc rà soát đánh giá xây dựng một Bộ tiêu chí phân định: miền núi - vùng cao - vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo cơ sở cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực; đảm bảo sự công bằng, chính xác và phát huy hiệu quả.”

“Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ Vùng phía tây và Duyên hải miền Trung.”

Chiều cùng ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.  

VOH

Bình luận

Đọc Báo