TPHCM kêu gọi đầu tư 17 dự án chống ngập nước và xử lý nước thải - Thời sự 17g00 9/8/2017

(VOH) - Tại Hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý thải diễn ra sáng 9/8, 17 dự án chống ngập nước và xử lý nước thải đã được UBND TPHCM mời gọi đầu tư.

Các dự án mời gọi đầu tư là: Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải với các dự án lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân và Tân Hóa Lò Gốm với công suất 630.000 m3/ngày; lưu vực Bắc Sài Gòn 1 với công suất 170.000 m3/ngày; lưu vực Bắc Sài Gòn 2 với công suất 130 m3/ngày; lưu vực Rạch Cầu Dừa với công suất 100.000 m3/ngày.

Các dự án phải đảm bảo yêu cầu đề ra về mặt công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm diện tích xây dựng cũng như đảm bảo nhu cầu mở rộng trong tương lai.

Ngoài ra, thành phố cũng mời gọi dự án Cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch, bao gồm xây dựng kè bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật hai bên kênh Tham Lương Bến Cát – Rạch Nước Lên; xây dựng thoát nước mưa và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông chợ Đệm.

Hai dự án này đồng bộ với dự án Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, là một trong 4 trục thoát nước chính của thành phố và 3 trong số 4 trục này đã được thành phố đầu tư cải tạo, chỉnh trang trong thời gian qua (là tuyến Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Tàu Hũ –Bến Nghé – Đôi – Tẻ- Tân Hóa – Lò Gốm). Các dự án này phải đảm bảo yêu cầu về sự phù hợp với quy hoạch thoát nước trong tương lai, đồng bộ giải quyết đối với các kênh chính, nhất là trong khu vực trung tâm thành phố.

Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết thêm về các hình thức đầu tư: các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, với các loại hợp đồng chủ yếu như là: hợp đồng BTL – BLT, kết hợp quá trình xây dựng, chuyển giao. Trong đó, chi phí vận hành được chi trả bằng nguồn thu giá dịch vụ thoát nước và hiện nay, thành phố đang xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Về hợp đồng BT thì tận dụng quỹ đất sẵn có của thành phố, khai thác quỹ đất tại chỗ của dự án và đấu giá đất công khai, làm nguồn thu để thực hiện các dự án.

Có hơn 10 phần giới thiệu công nghệ của các doanh nghiệp muốn tham gia dự các án và tham luận đóng góp các giải pháp chống ngập, xử lý nước thải về các vấn đề: quản lý nước trong vùng đô thị có mật độ cao; phát triển không gian điều tiết nước mưa cho TPHCM; giới thiệu các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến; công nghệ hồ điều tiết ngầm; giới thiệu về hệ thống cống bao, xử lý nước thải tập trung cho khu vực phía Tây thành phố; chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp Đức, Hà Lan về các nguyên nhân gây ngập và định hướng giải quyết cho từng khu vực ngập; các nguồn vốn vay hỗ trợ từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, cho biết: “Quan điểm của TPHCM đối với các dự án đầu tư là phải minh bạch và công khai. Minh bạch và công khai không phải là khẩu hiệu mà thành phố sẽ lắng nghe tất cả các doanh nghiệp có năng lực và có kinh nghiệm cũng như là có những mong muốn, tâm huyết đóng góp, giải quyết vấn đề chống ngập, xử lý nước thải cho thành phố.  

Mong muốn của thành phố về các dự án chống ngập là rất nhiều, nhưng mà nguồn lực thì có giới hạn, quy hoạch còn chậm thay đổi; do vậy, có những vấn đề, sau hội nghị hôm nay thành phố sẽ triển khai kế hoạch mời gọi đầu tư bằng những dự án cụ thể và trong nguồn lực của thành phố”.

Chương trình giảm ngập nước là 1 trong 7 chương trình đột phá, trọng điểm của TP. Nhu cầu đầu tư là trên 96.000 tỷ đồng. Trong đó, đã triển khai từ giai đoạn 2011 - 2015 với tổng vốn khoảng 23.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 73.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngân sách TPHCM chỉ đảm bảo cân đối khoảng 16.000 tỉ đồng; ngân sách Trung ương hỗ trợ 588 tỉ đồng, còn lại là kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa (PPP) 20.000 tỷ đồng; vận động nguồn vốn đối ứng nước ngoài (ODA) là 36.000 tỉ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo