Điều trị ung thư tại Việt Nam bằng liệu pháp hệ miễn dịch ức chế - Thời sự 5g30 12/11/2018

Ung thư đang gia tăng - Đó là sự thật đáng quan ngại và báo động trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài nỗi đau tinh thần, chi phí để điều trị cũng là một vấn đề. Chưa kể, nhiều gia đình còn chạy theo các phương thức chữa bệnh truyền miệng, không khoa học... đang là một thực tế nhức nhối. Do vậy, trong điều trị ung thư, tính đột phá với các phương pháp mới luôn là mối quan tâm hàng đầu. Tọa đàm: Triển vọng mới điều trị ung thư tại Việt Nam bằng liệu pháp hệ miễn dịch ức chế - Công trình vừa đoạt giải Nobel Y học thế giới 2018, qua đề dẫn của Phóng viên VOH với sự tham gia của hai vị khách mời: Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng  - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam; TS.BS Lê Tuấn Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu -  Bệnh viện Chợ Rẫy.  

VOH: Thưa hai vị chuyên gia, theo số liệu công bố mới nhất tình hình ung thư chung trên thế giới và Việt Nam như thế nào, xin Giáo sư Chấn Hùng thông tin với bạn nghe đài?

 Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng: Bây giờ có cái hay trên thế giới người ta tổng hợp được số liệu, nước nào cũng có. Nước mình cứ 100.000 người có khoảng 151 trường hợp người mới mắc ung thư, 50 nước có tỷ lệ cao nhất thì không có Việt Nam mình. Mình không phải xem thường nhưng cũng đừng quá lo.

VOH: Ở góc nhìn của bác sĩ Tuấn Anh với vai trò điều trị thì tình hình này như thề nào?

 TS.BS Lê Tuấn Anh: Đồng tình với chia sẻ của GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam. Về số liệu ung thư toàn cầu đều tăng ở các quốc gia, với các quốc gia đang phát triển thì ghi nhận số lượng bệnh nhân tăng, theo đó chúng ta phải đối mặt với gánh nặng y tế và kinh tế

 Tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ghi nhận số lượng ung thư tăng hằng năm, cụ thể như năm 2016, Trung tâm chúng tôi khám cho 45.000 bệnh nhân thì đến năm 2017, số lượng này tăng lên 65.000 trường hợp. Mới đây, số liệu ghi nhận tuần rồi của chúng tôi đã tiếp nhận 75.000 trường hợp. Như vậy chúng ta thấy bệnh nhân ungthư tăng dần dần. Đây là vấn đề sức khỏe chúng ta cần lưu ý nhưng cũng đừng quá hoảng sợ như lời khuyên của GS Nguyễn Chấn Hùng.

VOH: Đã là bác sĩ điều trị thì lúc nào cũng mang hy vọng có những bước tiến hay đột phá bệnh nhân của mình. Mới đây, đầu tháng 10, khi giải Nobel Y học thế giới năm 2018 được trao cho hai nhà khoa học nhờ  tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế cơ chế điều hòa âm tính của kháng thể, còn gọi là liệu pháp hệ miễn dịch ức chế chốt kiểm thì với vai trò là giáo sư đầu ngành công tác trong lĩnh vực điều trị ung thư – vị giáo sư này nổi tiếng với câu nói ung thư biết sớm trị lành – ông cho biết cảm xúc của mình như thế nào khi công trình đoạt giải Nobel y học có liên quan đến lĩnh vực của mình?

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng: Cám ơn MC đã nhắc ý mà tôi thường nói đến bà con là “ung thư biết sớm trị lành”, cái quan trọng nhất là biết sớm trị mới tốt, nhưng tôi còn một câu nữa muốn gửi đến bà con là: “nếu mà để trễ dễ thành nan y” – cho nên trong đó có điểm mở ra các phương pháp điều trị càng lúc càng hay. Trong trường hợp phương pháp mới này liệu pháp miễn dịch nghĩa là nó giúp cơ thể mạnh lên để tự cơ thể chống lại với bệnh nó làm cho niềm hy vọng càng tăng lên nữa.

VOH: Như vậy bác sĩ Tuấn Anh có thể chia sẻ thêm thành tựu này có ý nghĩa như thế nào trong việc vận dụng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và mình đã ứng dụng điều trị hay chưa?

TS.BS Lê Tuấn Anh: Như GS Hùng chia sẻ, liệu pháp miễn dịch đã hỗ trợ rất tốt cho các phương pháp đang áp dụng như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nhắm trúng đích. Đến đây có thể xem là bước đột phá dựa trên việc kích hoạt hệ miễn dịch cơ thể chống lại bệnh.

Về cơ chế đây là giải pháp hài hòa, có hiệu quả lâu dài, người ta có thể sống chung khi căn bệnh ngủ yên trong thời gian dài. Thời gian tới, chúng tôi cũng tham gia vào nhiều thử nghiệm lâm sàng để tìm ra ứng dụng khác nhau cho những bệnh nhân khác nhau. Bản thân của chúngtôi rất ngạc nhiên khi thấy sự đáp ứng của bệnh nhân, cụ  thể như chúng tôi có nhữngbệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 3 di căn hạch, quá khả năng phẫu thuật thì khi đó chúng tôi áp dụng liệu pháp hóa xạ trị đồng thời thì bệnh nhân có đáp ứng ban đầu nhưng theo nghiên cứu chúng tôi áp dụng liệu pháp miễn dịch kèm theo một năm. Trong nghiên cứu bao giờ cũng có chia hai nhóm để so sánh, và khi nhìn lại một ung thư phổi không thể mổ được, hóa xạ trị đồng thời cộng vào dùng liệu pháp miễn dịch một năm thì đến nay nhìn lại quá trình đáp ứng điều trị bệnh nhân đã sống được 3 năm, rất khỏe mạnh.

VOH: Rõ ràng đây góc nhìn từ bác sĩ điều trị nhưng để nâng tầm thành phương pháp điều trị phổ quát thì cần nhiều điều bàn luận, xin GS có thể chia sẻ những điểm ưu việt và còn đắn đo trong liệu pháp ức chế miễn dịch trong bối cảnh tại Việt Nam?

 Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng: Hai người đoạt giải Nobel nêu ra nguyên lý tìm chốt kiểm, chặn chốt kiểm với nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch rất hay trị nhiều loại ung thư. Giải Nobel công nhận đóng góp của hai ông đó nhưng hai ông đó không phải là bác sĩ điều trị ung thư và liệu pháp miễn dịch mở ra một cái hướng rất hay nhưng không phải tất cả. Như bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ, khi đưa vào bệnh nhân thử, có 30% có kết quả nhưng còn 70% thuốc vô không hiệu quả do vậy bà con nên nhớ. Liệu pháp miễn dịch nằm trong ức chế chốt kiểm thì được xác nhận nhưng không mừng quá vì nó không thể thay thế những phương pháp hiện tại mà chỉ bổ sung ở một số trường hợp không còn trị được thì nó góp phần. Bác sĩ phải lựa đúng bệnh, thử đúng có chốt kiểm, bác sĩ cân nhắc đàng hoàng và theo dõi đúng mức nữa.

VOH: Nhân đây bác sĩ Tuấn Anh cho biết như vậy thì liệu pháp này sẽ khu trú điều trị cho những trường hợp nào gọi là tưởng?

 TS.BS Lê Tuấn Anh: Cho đến nay, liệu pháp miễn dịch đã đưa vào thực hành lâm sàng khi thành công rồi dần dần sẽ đưa vào điều trị ở giai đoạn sớm hơn ví dụ như trong giai đoạn phối hợp với hóa trị và xạ trị. Hy vọng trong tương lai cái phác đồ điều trị ung thư ngày càng cập nhật và mang lại lợi ích ngày càng lớn cho bệnh nhân ung thư.

VOH: Xin cảm ơn ơn sự chia sẻ của hai chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điều trị ung thư đã đem đến cho thính giả một bức tranh đầy màu sắc, sự lạc quan trong điều trị ung thư, trên hết là chúng ta quan tâm đến tính hiệu quả cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 

Nhất Hương

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo