Đánh thức tiềm năng du lịch biển ở các địa phương – Thời sự 5g30 05/11/2018

(VOH) - Qua 10 năm thực hiện, kinh tế du lịch biển đã mang đến sự thay đổi lớn về diện mạo cho các địa phương có bờ biển.

Theo Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”, đến năm 2020, du lịch biển trở thành ngành động lực của kinh tế biển Việt Nam, góp phần thực hiện hóa mục tiêu “Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo”.

Đề án cũng là một trong những bước đi để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Qua 10 năm thực hiện, kinh tế du lịch biển đã mang đến sự thay đổi lớn về diện mạo cho các địa phương có bờ biển. Tuy nhiên, để tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, rất cần những chính sách, những biện pháp hỗ trợ kịp thời để khai thác hết thế mạnh về tài nguyên du lịch biển.

Trong tổng số hơn 3.260km bờ biển từ Bắc chí Nam, khu vực miền Trung sở hữu nhiều bãi, vịnh đẹp nhất của cả nước. Nhiều bãi biển đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới có thể kể đến như Lăng Cô (Huế), Sơn Trà, Mỹ Khê (Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam), Đại Lãnh, Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa), Mũi Né, Hòn Rơm (Bình Thuận), Vũng Tàu… Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, du lịch biển Việt Nam hiện nay chiếm tỉ trọng hơn 60% doanh thu của toàn ngành công nghiệp không khói.

Cùng với Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”, các địa phương cũng đã mạnh dạn với nhiều chính sách mở để thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định: “Trong tất cả loại hình du lịch của các nước trên thế giới, nước nào có biển thì du lịch biển trở thành tiềm năng hết sức quan trọng. Đó là điểm nhấn để hút khách. Riêng Việt Nam, tiềm năng du lịch biển vượt xa so với các nước. Mỗi vùng biển có độ mặn khác nhau, sinh thái khác nhau, gắn liền với văn hóa của địa phương đó, đặc biệt là văn hóa ẩm thực hoàn toàn khác nhau. Nói như vậy để thấy rằng, Việt Nam phát triển du lịch phải đi từ du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng… Tiềm năng du lịch biển của chúng ta là rất lớn, sự khác biệt của các vùng biển cũng khá riêng. Biển Việt Nam là một điểm nhấn, là một loại hình quan trọng để phát triển du lịch của đất nước.

Một trong các địa phương nỗ lực, chú trọng phát triển kinh tế du lịch biển trong thời gian gần đây thấy rõ nhất là Hà Tĩnh. Với 140km bờ biển, Hà Tĩnh cũng được xem là một trong những địa phương có chiều dài bờ biển lớn ở miền Trung… Đây là một trong những điển hình với việc triển khai nhiều chính sách mở để thu hút nguồn lực về vốn, nhân lực để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh du lịch biển, đảo. Những tiềm năng và thế mạnh này đang được ngành du lịch Hà Tĩnh tham mưu lãnh đạo địa phương kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn với những chính sách ưu đãi cụ thể. Từ những chính sách “trải thảm”, Hà Tĩnh đã đón nhận làn sóng đầu tư du lịch biển với nhiều dự án về cơ sở hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng tiện nghi để đáp ứng sự gia tăng lượng khách.

Ông Lê Trần Sáng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hà Tĩnh, cho hay: “Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh đã thu hút được nhiều dự án của các Tập đoàn lớn như Mường Thanh, Vingroup, Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Thành. Hà Tĩnh đã có hơn 300 cơ sở lưu trú… Hoạt động du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng có bước chuyển biến tích cực. Số lượt khách nghỉ dưỡng tại các khu du lịch biển tăng 4-5 lần so với trước. Ngay từ đầu năm nay, ngành du lịch đã tham mưu lãnh đạo Tỉnh ban hành Nghị quyết tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch với những nội dung đột phá như: kêu gọi nhà đầu tư chiến lược hỗ trợ đầu tư hạ tầng, giao thông; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để đầu tư các dự án hạ tầng, du lịch…”

Tại Quảng Bình, dù sở hữu “vương quốc hang động” vô cùng kỳ vĩ là Phong Nha - Kẻ Bàng, nhưng với du lịch biển, tỉnh này cũng xác định đây là sản phẩm du lịch không thể thiếu để làm phong phú thêm sự trải nghiệm của du khách. Với các cửa biển như Nhật Lệ, Bảo Ninh, Đá Nhảy, hàng năm, hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đã đến với Quảng Bình để được hòa mình vào sóng biển miền Trung. Với sự hấp dẫn đó, trong 9 tháng qua, địa phương này đã đón hơn 3 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách tăng cao qua từng năm khiến mức độ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp ở Quảng Bình được nhiều nhà doanh nghiệp săn đón, nhất là ở phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng ven biển. Về các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch biển, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Ngoài Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, du lịch biển cũng là một lợi thế vì Quảng Bình có 120km đường bờ biển với nhiều cảnh quan đẹp, phù hợp với nhiều loại hình du lịch như tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, thắng cảnh… Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương về Chiến lược phát triển kinh tế du lịch biển từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã bỏ vốn đầu tư số vốn lớn vào lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… Có thể kể đến một vài dự án như Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Vũng Chùa - Đảo Yến của Tập đoàn Trường Thịnh; tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Pullman của Viet Group, Dự án Khu du lịch hỗn hợp Thiên Mười của Tập đoàn T&T.”

Với chủ trương phát triển du lịch biển trở thành ngành kinh tế trọng điểm, tỉnh Thanh Hóa cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho Thành phố du lịch Sầm Sơn để tăng sức hút và tạo thế cạnh tranh cho điểm đến này so với các bãi biển khác trong khu vực. Tỉnh này cũng bố trí gần 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới khang trang hơn cho khu nghỉ dưỡng biển nổi tiếng này. Cùng với đó, hàng loạt dự án của các doanh nghiệp được triển khai trên địa bàn với tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó đặc biệt là nhà nghỉ, khách sạn và những khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển. Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho hay: “Để phát huy tốc độ phát triển của du lịch biển so với các địa phương khác, trong khi các tỉnh bạn đang tăng tốc phát triển, tôi cho rằng co 2 giải pháp được đặt ra. Thứ nhất, cần có những dự án đầu tư mang tính chất điểm nhấn, đột phá vào khai thác, phát triển tại Thanh Hóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Để làm được điều này, Thanh Hóa cần có cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính để thu hút nhà đầu tư, luôn đồng hành với nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá sâu hơn vào những thị trường tiềm năng như TPHCM, khu vực phía Nam và khách quốc tế.”

Có thể thấy, từ Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”, các tỉnh, thành có đường bờ biển đi qua đều nỗ lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh của biển đảo một cách hiệu quả nhất. Hiệu quả đó được đo bằng những thông số thiết thực: đời sống người dân trực tiếp và gián tiếp tham gia vào hoạt động du lịch có thu nhập cao hơn; tạo công ăn, việc làm, từng bước nâng cao dân trí. Hơn hết, chính du khách đã góp phần khẳng định và giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Hữu Nghị

VOH

Bình luận

Đọc Báo