An toàn giao thông, chuyện chưa bao giờ cũ - Thời sự 17g 13/1/2018

(VOH) - Theo thống kê, trong năm 2017, cả nước xảy ra hơn 20 ngàn vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.270 người, bị thương hơn 17 ngàn người.

Ngay trong những ngày đầu năm, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phát động Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2018, cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông tết Mậu Tuất và lễ hội Xuân năm 2018, đồng thời phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2018 trên phạm vi toàn quốc.

Trong năm 2017, cả nước xảy ra hơn 20 ngàn vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.270 người, bị thương hơn 17 ngàn người. (Ảnh minh họa: TPO)

Mục đích của chuỗi hoạt động này là tạo sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các tầng lớp trong xã hội, với tinh thần tính mạng con người là trên hết. Bởi tình hình an toàn giao thông trên cả nước thời gian qua theo đánh giá vẫn còn rất phức tạp, dù rằng các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực, từ nhận thức đến hành động để chung tay kéo giảm tai nạn.

Theo thống kê, trong năm 2017, cả nước xảy ra hơn 20 ngàn vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.270 người, bị thương hơn 17 ngàn người; so với năm 2016, tai nạn giao thông giảm hơn 1.500 vụ, giảm hơn 400 người chết và gần 2.250 người bị thương.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định, tình hình tai nạn giao thông dù giảm cả 3 mặt, song vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông ở trẻ em còn cao.

Tại TPHCM, năm 2017 xảy ra hơn 4.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 717 người và bị thương hơn 3.000 người. So với năm 2016, giảm 84 người chết (hơn 10%) và gần 5% số người bị thương, nhưng lại tăng số vụ tai nạn. Những con số lạnh lùng có thể tăng, có thể giảm, nhưng phía sau mỗi vụ tai nạn là những nỗi đau chất chồng. Hàng ngày, trên khắp các ngã đường, có hàng chục người nằm lại vì tai nạn, mãi mãi không về. Gấp mấy lần con số đó là những nạn nhân mang theo thương tật, di chứng suốt đời. Họ là những người chồng, người cha, người mẹ, người vợ, người con, những người thân yêu trong gia đình. Hạnh phúc, ước mơ vụn vỡ chỉ trong tích tắc bất cẩn. Sau mỗi tai nạn, những nỗi đau để lại quá lớn, day dứt và đầy ám ảnh.

Tại cuộc họp tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 2017 mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay mỗi ngày trên địa bàn bình quân có 2 người chết và 8 người bị thương. Đây là mất mát lớn với mỗi gia đình. Không chỉ tác tác động về xã hội, ảnh hưởng đến con người, các hành vi ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông còn tác động đến tình hình kẹt xe, ảnh hưởng phát triển kinh tế. Con số người chết và bị thương do tai nạn là vô cùng đau lòng, buộc chúng ta phải nỗ lực. Đó cũng là lý do mà người đứng đầu chính quyền Thành phố đã phê bình Chủ tịch các quận, huyện không đến tham dự cuộc họp tổng kết, chưa có sự quan tâm đúng mức trong lĩnh vực an toàn giao thông mà lãnh đạo thành phố luôn trăn trở. Trong đánh giá về những nguyên nhân còn tồn tại, hạn chế, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là trách nhiệm người đứng đầu nơi này, nơi khác còn thiếu chặt chẽ. Chính vì thế, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cấp, các ngành cần phải vào cuộc quyết liệt, nỗ lực nhiều hơn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Một trong những vấn đề được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua khi nói về lĩnh vực an toàn giao thông, đó là ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chưa cao, là nguyên nhân chính gây ra hơn 90% vụ tai nạn giao thông. Một tỷ lệ hết sức đáng báo động. Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra có nguyên nhân do người tham gia giao thông mất tập trung, thiếu quan sát, không nhường đường hay cố tình không chấp hành các quy định pháp luật về giao thông. Không có bóng dáng cảnh sát giao thông là nhiều người sẵn sàng vi phạm với nhiều hành vi nguy hiểm cho chính họ và người tham gia giao thông khác.

Năm 2018, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lựa chọn chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” với mục đích nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên; tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương; giảm tỷ lệ thương, vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em 10% so với năm 2017. TPHCM cũng đặt mục tiêu sẽ giảm 5% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2017, giảm 10% tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em, kìm hãm và giảm dần các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông.

An toàn giao thông là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Những thay đổi từ nhận thức đến hành động của các ngành, các cấp, tại nhiều địa phương thời gian qua là tín hiệu đáng mừng, khi các con số thống kê về tai nạn giảm qua từng năm. Thế nhưng, để ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn, đạt được những mục tiêu của năm An toàn giao thông 2018, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về giao thông... Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay, triệt để đối với phương tiện, cá nhân có hành vi vi phạm khi tham gia giao thông để tăng tính răn đe. Như đã nói, có đến 90% tai nạn là do ý thức, vì thế, trước hết, mỗi người dân tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông một cách nghiêm túc, đảm bảo an toàn cho chính mình, người thân và cho cộng đồng.

Hoàng Khuê

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo