Làm sao ổn thỏa trạm thu phí BOT khi Tết cận kề - Thời sự 17g00 10/1/2018

(VOH) - Trong lúc trà đàm, Tư hưu trí bày tỏ lo lắng tình hình căng thẳng ở một số trạm thu phí BOT, nhứt là những ngày “năm cùng tháng cạn” như hiện nay.

Ba thợ hồ đồng tình với sự lo lắng của bạn mình, bởi dù Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải từ 1 tới 2 tháng phải đề xuất hướng xử lý nạn tranh chấp giá phí qua trạm BOT ở Cai Lậy, Bộ Giao thông Vận tải đã cử nhiều đoàn khảo sát “tùm lum” nay thời gian đã cận kề, nhưng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết còn phải kéo dài thêm vài tháng nữa.

Trong khi chờ đợi, nhiều trạm thu phí BOT vẫn tái diễn tình trạng người dân trả phí bằng tiền lẻ hoặc sử dụng các biện pháp gây ách tắc giao thông để phản ứng việc thu phí.

Ngoài các trạm BOT ở Miền Bắc, Miền Trung, nhiều trạm thu phí BOT ở Đồng bằng sông Cửu Long “nóng” lên như BOT Sóc Trăng trên quốc lộ 1, thuộc địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã phải xả trạm nhiều lần vì các tài xế phản ứng việc thu phí dẫn đến ùn tắc giao thông.

Ngày 04/01 đến nay, hỗn loạn ở trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp đã liên tiếp xảy ra, tình trạng kẹt xe kéo dài từ 2 tới 5 km nhưng đơn vị này vẫn không xả trạm.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, lên tiếng: “Khi có hiện tượng kẹt xe kéo dài, tôi đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chủ đầu tư áp dụng biện pháp xả trạm. Tuy nhiên, phía trạm chưa hợp tác với lý do chưa có sự chỉ đạo của chủ đầu tư”.

Thanh tra Sở GTVT TP Cần Thơ đã lập 02 biên bản vi phạm hành chính về việc không thực hiện xả trạm theo luật định. Tuy nhiên, với cả hai biên bản này, người đại diện của chủ đầu tư BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp không ký vào biên bản.  

Rồi Tư hưu trí “bình” chắc chắn phải có một “siêu thế lực” chống lưng cho các chủ đầu tư BOT nên ngay cả Chủ tịch TP Cần Thơ ra lệnh cũng bị chẳng coi ra gì cả thì thử hỏi như người dân chúng ta là “cái đinh” gì.

Nãy giờ nghe Tư hưu trí, Ba thợ hồ than thở nghe thiệt là “chạnh lòng”, Hai Sài Gòn lên tiếng “khách quan mà nói BOT là chủ trương đúng, là cần thiết và được xem như giải pháp tốt nhất trong bối cảnh công quỹ eo hẹp nên cần phải khai thác các nguồn lực khác để phát triển hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đáng lẽ phải tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư hội tụ đủ các yêu cầu cả về năng lực tài chính cũng như năng lực kỹ thuật thì Bộ Giao thông vận tải lại chỉ định một số doanh nghiệp người nhà hay sân sau gì đó, thậm chí thiếu cả tiền lẫn kinh nghiệm và khả năng thực hiện các dự án hạ tầng giao thông làm chủ đầu tư.

BOT là phải tạo ra những công trình giao thông mới nhưng chủ đầu tư của phần lớn dự án BOT chỉ sửa chữa, cải tạo các công lộ rồi bắt người dân trả tiền. Chính lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chứ không phải ai khác đã cho phép đặt những trạm thu phí không nằm trên đường BOT được đầu tư mới mà lại đặt trên những công lộ cũ mà người dân có quyền tự do sử dụng. Thậm chí, không ít trạm thu phí cho dự án này nhưng lại đặt trên tuyến đường khác, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường nhưng vẫn phải trả phí, gây bức xúc trong dư luận.

Ngoài việc không tổ chức đấu thầu mà qua chỉ định thì việc dựng BOT không thèm thăm dò ý dân, công khai, minh bạch với dân về vị trí, về mức thu phí và thời gian được phép thu phí là những thiếu sót nghiêm trọng mở đường cho sự tham nhũng móc ngoặc của các nhóm lợi ích. Vậy mà khi đứng trước Chính phủ, trước người dân mấy Ông lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cứ “lải nhải” “đúng quy định pháp luật, được địa phương đồng tình” thế mới chết với bà con mình.

Trong hai năm 2016 - 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán khoảng 40 dự án BOT. Kết quả Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện trên 1.150 tỷ đồng và giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án tài chính ban đầu hơn 107 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng, 12 ngày.

Tư hưu trí nói như vậy cái gốc vấn đề gây ra tình trạng phản đối tại các trạm thu phí vừa qua là do chủ đầu tư trạm và tài xế chưa tìm được sự đồng thuận, dù trước đó đã đối thoại.

Nhiều tài xế cho rằng, phản ứng vì không đi tuyến tránh do BOT đầu tư, họ chỉ đi theo tuyến quốc lộ nhưng vẫn phải trả tiền tuyến tránh với mức phí quá cao, trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là vô lý. Dĩ nhiên, để giải quyết cái gốc vấn đề thì thẩm quyền không thuộc về của nhà đầu tư và chính quyền địa phương, trước tình hình “lây lan” này, Ông Giao thông Vận tải cùng các ngành liên quan cần làm gì, nhứt là tết nhứt tới nơi rồi.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, chuyện BOT ở Việt Nam là câu chuyện âm ỉ lâu nay và chỉ có thể giải quyết thấu đáo bằng những chính sách mang tầm quốc gia chứ không thể “cháy đâu chữa đó”. Chẳng lẽ cứ mỗi trạm BOT có vấn đề là Bộ Giao thông Vận tải lại phải họp, rà soát, xem xét?

Hai Sài Gòn cho là bất cứ chuyện gì dính líu đến thu tiền, thu phí người dân đều tuân thủ nguyên tắc công khai minh bạch rõ ràng, chuyện BOT đến nay “tầy quầy” ra đó là tại ông Bộ Giao thông Vận tải, bây giờ cứ theo nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải rà soát tổng thể hình thức đầu tư BOT, các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bộ Giao thông Vận tải cứ theo đó mà “mần” thì người dân đâu có ai phản ứng làm gì?

Bác Hồ đã dạy rồi “khó vạn lần dân liệu cũng xong” tại ông Giao thông Vận tải có công khai cho dân liệu đâu mà giải quyết nhanh chóng được”.

Hai Sài Gòn

VOH

Bình luận

Đọc Báo