Một độc giả có địa chỉ email phamthihoang…@gmail.com hỏi với nội dung như sau: em sinh năm 1995, lúc làm chứng minh nhân dân không nhớ nên ghi ngày sinh là 15/8/1995. Nay em tìm được khai sinh ghi ngày sinh 19/9/1995. Giờ em phải làm sao để đổi lại ngày sinh trong CMND?
Một bạn đọc khác (linhciu2…@gmail.com) cho biết “tôi sinh năm thật là 1994 và được sinh rơi tại nhà. Đến tận khi 3 tuổi thì ba tôi có đi làm giấy khai sinh và nhập hộ khẩu cho tôi thì khai sinh năm 1997. Do có sự nhầm lẫn đó nên bây giờ tôi đi thay đổi lại năm sinh thật 1994 có dược không?
Bạn Đặng Thi Nở (nuongdang2...@gmail.com) cho biết ngày 27/10/2017 bị đánh rơi mất giấy CMND thì lúc xin cấp lại cái mới, thì có còn giữ số cũ không? Nếu không còn giữ số cũ thì mọi vấn đề giao dịch việc làm của tôi là số cũ thì có ảnh hưởng gì không? Nếu muốn lấy lại số CMND cũ thì tôi phải làm sao?
Bạn Nguyễn Ngọc Tài (nguyenngoctai…@gmail.com) cho biết bị mất CMND khi đi làm lại thì CMND mới bị sai một số so với CMND cũ .Trong khi cần giấy CMND gấp để vay tiền ngân hàng. Bạn hỏi phải làm sao?
Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn:
A/ Căn cứ Theo Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
“Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.”
Như vậy, trường hợp bạn muốn chỉnh sửa thông tin cá nhân, cụ thể là về ngày, tháng, năm thì bạn phải có đủ căn cứ xác định việc trước đây đăng ký ngày sinh của bạn là do sai sót của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch. Vì vậy, nếu không có đủ căn cứ để chứng minh trong trường hợp này, bạn không thể thực hiện thủ tục thay đổi ngày, tháng, năm sinh trên giấy khai sinh.
Trường hợp chỉ sai ngày tháng năm sinh trên CMND thì chị có thể thực hiện việc đổi lại Chứng minh nhân dân theo quy định tại Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA:
“Điều 5. Đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân
1. Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;”
Thủ tục cấp Chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 6 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA.
B/ Theo quy định tại Điểm 4 Mục I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13):
“4. Số và thời hạn sử dụng của CMND.
CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.”
Do đó nếu mất giấy CMND thì bạn có thể thực hiện việc đổi lại Chứng minh nhân dân theo quy định tại Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA và vẫn giữ số cũ. Thủ tục cấp Chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 6 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA.
C/ Trường hợp làm lại chứng minh nhân dân mà sai số mà bạn cần gấp để vay ngân hàng thì bạn có thể tới cơ quan Công an để xin cấp thêm giấy điều chỉnh cho bạn.
Ngoài ra khi được cấp đổi chứng minh thư mới thì số chứng minh thư vẫn phải được giữ nguyên giống như trên chứng minh thư cũ, lỗi do sai số chứng minh thư hoàn toàn thuộc về lỗi của cơ quan có thẩm quyền, nếu cảm thấy bất tiện và khó khăn trong việc sử dụng chứng minh thư bị sai số đi kèm giấy điều chỉnh, bạn có thể khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp CA tỉnh để đề xuất phương án tối ưu giải quyết trường hợp này.
Hoặc trong trường hợp muốn giải quyết nhanh gọn về mặt thủ tục hành chính, không bị mất nhiều thời gian và đảm bảo được quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn xin cấp đổi chứng minh thư lại lần nữa với lý do bị mất hoặc chứng minh thư hư hỏng không sử dụng được.
Xin cảm ơn luật sư.
>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật
>>>> Thay Đổi Nơi Đăng Ký Hộ Khẩu Thường Trú Có Cần Đổi CMND Không ?