Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 - Thời sự 11g00 9/11/2020

(VOH) - Sáng nay (9/11), Quốc hội bước sang ngày thứ hai của phiên chất vấn cuối cùng của khóa XIV

Sáng 9/11, Quốc hội bước sang ngày thứ hai của phiên chất vấn cuối cùng của khóa XIV, tiếp tục hỏi đáp về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời câu hỏi của Đại biểu Đinh Duy Vượt – đoàn Gia Lai chất vấn vào cuối giờ chiều ngày 6/11 về những tồn tại quy hoạch treo nhiều nhiệm kỳ, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, quyền lợi của nhân dân, gây lãng phí nguồn lực nhà nước và xã hội. Theo Bộ Trưởng Phạm Hồng Hà thì quy hoạch treo là loại quy hoạch đã lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được toàn bộ, không thực hiện được một số dự án hạ tầng theo tiến độ đã được xác định. Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, giảm hiệu quả chất lượng quản lý đô thị, gây bức xúc cho nhân dân. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: “Bộ Xây dựng đã ban hành một số quy chuẩn cốt lõi để phục vụ công tác quy hoạch. Bộ cũng hoàn thành xây dựng cổng thông tin quy hoạch quốc gia. Luật Quy hoạch sửa đổi đã có một số quy định mới về việc lập, điều chỉnh quy hoạch, bãi bỏ một số quy hoạch không phù hợp...Các địa phương cũng tích cực hơn trong việc rà soát quy hoạch chung, chi tiết, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Xây dựng, TPHCM rà soát trên 250 quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thu hồi 176 dự án treo; Hà Nội rà soát 78 quy hoạch phân khu, 67 quy hoạch chi tiết. Tình trạng quy hoạch treo đã giải quyết được một phần phần, nhưng cần tiếp tục thực hiện giải pháp căn cơ hơn”.

Liên quan đến vấn đề ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng được Bộ trình Chính phủ hồi tháng 4. Chính phủ đã đồng ý về mặt nội dung, nhưng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc thêm về thẩm quyền ban hành. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngay trong tuần này, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn trong năm 2020, bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ký.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận được các chất vấn của đại biểu về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và trang bị số hoá cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: "Ngoài ra chúng tôi đã chuẩn bị đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác và sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025. Đề án đã đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như tạo đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận các phản ánh về xâm hại trẻ em, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm và chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trên môi trường mạng. Đồng thời trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em nhận thức khi tham gia môi trường mạng, chuẩn bị kỹ năng để trẻ em có thể bảo vệ mình. Đề án này cũng sẽ được ký trong năm 2020".

Về công tác chuyển đổi số cho bà con vùng miền núi, đề án xác định ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Vì càng nơi khó khăn chuyển đổi số càng hiệu quả. Đến nay hạ tầng mạng đã triển khai đến vùng sâu, vùng xa có sóng 3G, 4G, 5G để kết nối. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm: "Chúng tôi cũng phối hợp với các nhà sản xuất điện thoại thông minh để tới đây có điện thoại thông minh giá 600.000-700.000 đồng để bà con sử dụng. Về thương mại điện tử, chúng tôi cũng triển khai 'xã thông minh' để bà con có thể bán được nải chuối, quả cam giá cao thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử".

Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi – đoàn Cần Thơ đã chất vấn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kịch bản thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã có, vậy chiến lược chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi đã được triển khai như thế nào? Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình: Dựa trên dự báo quy luật về thị trường, chúng ta có chủ trương thúc đẩy phát triển thuỷ sản, cơ cấu lại ngành lúa gạo. Trong các nhóm giải pháp thì có giải pháp về giống. Một là về thủy sản có cá tra, tôm là hai ngành thủy sản chính đối với sản xuất ở ĐBSCL, chúng ta đã có chương trình quốc gia về an ninh nguồn hàng. Đến giai đoạn 2025-3030 chúng ta sẽ hoàn chủ động được giống cá, sẽ lựa chọn được các giống cho năng suất cao, bền vững.Về nhánh trái cây, ở ĐBSCL chọn 10 giống trái cây điển hình thì có 1 chương trình để cố gắng đến năm 2030 có thể đưa vào sử dụng nhóm 10 loại trái cây này . Còn về nhánh lúa gạo, chúng ta rà soát và cơ cấu lại theo 2 hướng, 1 là tăng cường các giống có chất lượng cao thích ứng với thị trường thế giới, thứ 2 là  chọn nhóm giống tăng cường thích ứng bằng cách chịu hạn chịu mặn để các tỉnh ĐBSCL có thể đưa vào cơ cấu này”.

Những nội dung tiếp theo của phiên chất vấn, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến quý vị và các bạn trong chương trình Thời sự tiếp theo.

Hoàng Mai

VOH

Bình luận

Đọc Báo