Xác định chiến lược và ngành hàng mũi nhọn cho nông nghiệp - Thời sự 5g30 2/4/2018

Vai trò chiến lược và tiềm năng của nông nghiệp cho đến nay người nông dân vẫn chỉ quanh quẩn với hình thức tự phát, manh mún, rời rạc mà không tìm được tiếng nói chung giữa bộ ngành và địa phương.

Thực tế này đang kiềm hãm tiến trình đi lên của sản xuất nông nghiệp nhằm hướng đến trình độ công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhằm tạo ra năng suất, chất lượng cùng khả năng cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp nước ngoài. Xung quanh vấn đề này, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức Tọa đàm “Xây dựng chiến lược cho ngành nông nghiệp” với sự tham gia của Chuyên gia nông nghiệp, TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP; Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP và ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Mời quý vị cùng nghe phần 1 của tọa đàm, với chủ đề “Xác định chiến lược và ngành hàng mũi nhọn cho nông nghiệp” qua đề dẫn của Phóng viên Minh Phước:

VOH: Nhắc đến chiến lược cho ngành nông nghiệp thì rất nhiều người trong cuộc có thể nói ngay về nông nghiệp công nghệ cao hay nông nghiệp thông minh. Tuy vậy, khi đi vào thực tiễn thì làm nông nghiệp như thế nào mới “thông minh” hay vận dụng “công nghệ cao” ra sao còn phù thuộc vào điều kiện của từng địa phương cùng nhiều yếu tố khác. Trước hết xin mời ông Từ Minh Thiện đưa ra nhận định làm sao để chúng ta có thể triển khai nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ?

Ông Từ Minh Thiện: Tôi nghĩ để triển khai được nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ, đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào những vấn đề như sau: Thứ nhất là chúng ta phải tìm hiểu được công nghệ và lựa chọn được công nghệ phù hợp cho sản xuất của mình. Thứ hai là vấn đề đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, đây là vấn đề rất quan trọng. Tại vì chúng ta phải thay đổi tư duy của người sản xuất và chúng ta phải có lực lượng nắm vững công nghệ đó thì chúng ta mới có thể triển khai được. Và thứ ba cũng phải có vốn để đầu tư vì lĩnh vực công nghệ cao hoặc nông nghiệp thông minh nó có một tính chất là thâm dụng vốn cao. Vì vậy, phải có một cơ sở nhất định và người thực hiện cũng phải có một trình độ về sản xuất ở mức độ nhất định để có thể hiểu và nắm bắt được vấn đề đó. Một điều rất quan trọng nữa là Chính sách của Chính phủ. Chính sách ở đây có nghĩa là sự hỗ trợ của Chính phủ mang tính chất kích thích và tạo động lực cho họ yên tâm đầu tư mà không sợ có sự thay đổi về chính sách có thể làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

VOH: Như vậy, thực tế phát triển nông nghiệp công nghệ cao cụ thể trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã tập trung vào những lợi thế nào? Đã phát huy hiệu quả ra sao? Xin mời ông Trần Ngọc Hổ chia sẻ thông tin về vấn đề này?

Ông Trần Ngọc Hổ: Thực tế thì trên địa bàn TPHCM trong những năm vừa qua cũng đã tập trung phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi đang tập trung triển khai ở các lĩnh vực: Thứ nhất là tập trung hỗ trợ về sản xuất con giống. Việc thứ hai là xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Thứ ba là tập trung đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ co nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp theo đó là xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù của TPHCM phục vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong quá trình tổ chức sản xuất theo mô hình công nghệ cao. Như vậy, có thể nói rằng trong xu thế chung của cả nước thì TPHCM cũng là một trong những địa phương tích cực hưởng ứng và triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao để đáp ứng được các yêu cầu, đó là năng suất- chất lượng – hiệu quả và đặc biệt là tạo ra được nguồn nông sản an toàn để phục vụ cho thị trường thành phố và hướng đến xuất khẩu cho những các năm về sau.

VOH: Nhiều ý kiến cho rằng làm nông nghiệp công nghệ cao cũng cần phải có thị trường chứ không phải cứ làm ra được sản phẩm chất lượng thì “tự nhiên” sẽ có khách hàng. Vậy nhiệm vụ tìm kiếm, xây dựng thị trường sẽ thuộc về ai? Ai đóng vai trò then chốt cho khâu này?

Ông Trần Ngọc Hổ: Chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp, hợp tác xã là đội ngũ tiên phong trong việc thực hiện nông nghiệp công nghệ cao. Chính doanh nghiệp, hợp tác xã và những trang trại, nông trại có điều kiện để tiếp cận tốt với các công nghệ và ứng dụng trong sản xuất thì vai trò của Nhà nước là phải định hướng được thị trường, sản phẩm; cung cấp thông tin về thị trường để tổ chức sản xuất. Nhà nước hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khi gặp khó khăn về vốn và tiêu thụ. Và Nhà nước cũng phải thực hiện tốt việc quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất cây – con giống; công nghệ sản xuất…. Và đặc biệt là Nhà nước cũng sẽ xúc tác mở rộng thị trường để doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có thể phát triển được sản phẩm của mình được thị trường chấp nhận.

Ông Nguyễn Văn Ngãi: Đối với ngành nông nghiệp công nghệ cao thì vấn đề lớn hiện nay vẫn là vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bài toán để giải quyết thị trường đối với những mặt hàng nông sản ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là gì thì chúng ta phải xem xét trách nhiệm thuộc về ai? Vấn đề ở đây, người nông dân là người trồng thì đó là người phải chịu trách nhiệm về việc tiêu thụ sản phẩm của mình. Chúng ta đừng ngồi trông chờ Nhà nước có thể bao tiêu, Nhà nước đứng ra tiêu thụ cho nông dân vì số lượng nông dân rất lớn nên Nhà nước không thể làm được điều này. Như vậy, là vai trò của Nhà nước là làm sao cung cấp những thông tin khá đầy đủ cho nông dân biết thị trường cần những sản phẩm như thế nào, công nghệ như thế nào. Thứ hai là giúp cho nông dân xây dựng được thương hiệu, giúp cho người tiêu dùng và công nhận tin tưởng vào nhãn hiệu mà người nông dân đang xây dựng.

VOH: Qua những ý kiến vừa rồi của ông Trần Ngọc Hổ và Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, thì đối với ông Từ Minh Thiện, ông suy nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Từ Minh Thiện: Theo tôi, để làm được thị trường thì nó thuộc về trách nhiệm của nhiều nơi. Trong đó chúng ta đang có liên kết 4 Nhà. Thì vai trò của Nhà nước là làm gì? Tức là chúng ta mở thị trường; vấn đề quan trọng nữa là đàm phán và chia sẻ thông tin với các nước, làm sao cho nông sản của nông dân được các nước chấp nhận; tăng được thông tin hữu ích và những giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Thực sự doanh nghiệp trong đây đóng vai trò chủ lực, doanh nghiệp sẽ kết nối giữa thị trường nước ngoài và người nông dân, các nước. Vai trò nữa đó là vai trò của Hiệp hội, chính thông qua Hiệp hội chúng ta mới đàm phán được giá tốt và chúng ta cũng có thể mua được giá tốt. Hiện nay người ta quan tâm đến vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và nông dân đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề đó. Cuối cùng là vai trò của nhà khoa học, nó làm cho liên kiết giữa 4 Nhà tốt hơn và hiệu quả hơn và thông qua đóng góp về mặt trí tuệ của mình .

VOH: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, với tư cách là chuyên gia Nông nghiệp nghiên cứu chính sách chiến lược Nông nghiệp, theo ông, ngành Nông nghiệp TPHCM sẽ làm như thế nào để tiếp tục phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, và chúng ta có thể rút ra được bài học gì cho các tỉnh/thành khác?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi: Để ngành nông nghiệp của TPHCM tiến tới đạt được nông nghiệp công nghệ cao thì chúng ta phải tập trung vào nông dân và cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, có những chính sách tín dụng phù hợp cho nông dân và vừa rồi chúng ta cũng đã có. Vấn đề tiếp theo là vấn đề về lao động thì TPHCM có một lợi thế hơn so với những tỉnh thành khác, đó là những người lao động, những người nông dân ở TPHCM tiếp cận tiến bộ công nghệ tương đối dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để đạt được một trình độ cao hơn nữa thì cần thiết phải có sự hướng dẫn và tập huấn cho nông dân để họ tiếp cận và sử dụng công nghệ cao, nếu không có con người thì chúng ta không làm được gì cả. Nếu chúng ta nhìn ra bài học từ những tỉnh thành khác thì tôi cho rằng vai trò của Khu nông nghiệp công nghệ cao rất quan trọng. Quan trọng ở đây không phải là thay thế cho nông dân làm công việc sản xuất  mà làm công việc trình diễn và chuyển giao công nghệ, để làm sao nông dân biết được những công nghệ mới nhờ vào khu công nghiệp công nghệ cao. Theo tôi, chúng ta cần phải có những bước đi phù hợp, không quá vội vàng. Trong lúc này, đầu tiên chúng ta ưu tiên ứng dụng những công nghệ để đảm bảo những sản phẩm nông nghiệp là sạch, là an toàn đối với người tiêu dùng. Chúng ta đảm bảo sản phẩm ra tiêu thụ được trong nước và đồng thời mới có cơ hội xuất khẩu. Còn việc ứng dụng những công nghệ rất cao như thông minh hay như điều khiển từ xa hay thuỷ canh… thì cái đó là những bước tiếp theo.

VOH: Xin cám ơn các khách mời.

VOH

Bình luận

Đọc Báo