Tương lai của lao động nông thôn: Bắt đầu từ giáo dục nghề nghiệp 4.0 (P1)- Thời sự 5g30 19/02/2020

(VOH) - Để lao động bắt kịp sự thay đổi của thế giới việc làm 4.0, người lao động phải có kỹ năng học hỏi không ngừng và một hệ thống giáo dục nghề nghiệp linh hoạt.

Loạt bài Tương lai của lao động nông thôn: Bắt đầu từ giáo dục nghề nghiệp 4.0

Phần 1:  Lao động nông thôn thời 4.0: Đào tạo nghề phù hợp với sự phát triển của từng địa phương”

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến những thay đổi to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với thị trường lao động, những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan đến đến số lượng và chất lượng việc làm, chất lượng nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu lao động.

Bên cạnh những tiêu cực tới thị trường lao động thì cũng có nhiều tiềm năng Việt Nam có thể tận dụng để khởi nghiệp từ phát triển kinh tế địa phương như chia sẻ của sinh viên Nguyễn Thái Phương, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, quận 9: “Em đang hướng tới nghề đi biển, ở ngoài em đa số dân cư là theo nghề đi biển nhưng họ mới chỉ học hết lớp 9 hoặc trung học phổ thông là sẽ đi làm nghề biển, nghề thứ hai là nghề nuôi trồng thủy sản, có nhiều anh ở ngoài em vào đây học đại học, học nghề sau lại quay về ngoài đó để phát triển kinh tế gia đình để. Do đó việc học nghề và kiến thức về ngành mình muốn làm rất quan trọng vì dựa trên kinh nghiệm mình có thể giải quyết những vấn đề cơ bản, nó xuyên suốt, bình ổn để khi có sự cố xảy ra thì mình có kiến thức để giải quyết nó.”

Ông Trần Anh Tuấn, Viện trưởng - Giám đốc Chương trình dự báo nhân lực Viện nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế dự báo: trong hai thập kỷ nữa có khoảng 58% lao động hiện hữu lặp đi lặp lại trong đó có 86% việc làm ngành dệt may và lắp ráp ô tô trong các dây chuyền sản xuất sẽ mất đi. Hiện Việt Nam cũng đã nhập thử rô bốt thay thế về để thay thế những lao động có năng suất lao động cao hơn. Như vậy thì những lao động giản đơn trong vòng hơn chục năm nữa cũng sẽ không còn sử dụng nữa. Vì vậy, người lao động sẽ phải có những kỹ năng thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường khi hàng triệu việc làm mất đi bởi robot.

“Vấn đề đào tạo lao động nông thôn hiện nay chúng ta vẫn còn dừng lại ở tìm kiếm việc làm hoặc tìm thêm việc làm, tức là đào tạo những ngành nghề giản đơn như cắt tóc, sửa xe, nấu ăn. Điều này chỉ phù hợp với nhóm đối tượng lớn tuổi. Còn đối với thế hệ trẻ của nông thôn hiện nay thì văn hóa cũng được nâng lên, các em vẫn có thể dịch chuyển trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, kinh tế kể cả lĩnh vực nông nghiệp và sự chuyển đổi này thì lao động nông thôn trở thành vốn quý mà chúng ta phải rèn luyện theo ý thức, kỹ năng lao động và quan trọng là kỹ năng ứng phó, hòa nhịp cùng với thời đại, đặc biệt là trong lĩnh vực tự tạo việc làm và khởi nghiệp. Chính khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là khởi nghiệp thuận lợi nhất của Việt Nam mà nhiều em nếu suy nghĩ ra thì sẽ thành công.” - ông Trần Anh Tuấn nói.

Ông Lê Ngọc Đức, Giám Đốc Trung tâm Dạy nghề Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở khu vực dạy nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn cần có một nền tảng kiến thức cơ bản vì nó liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) mà nông dân của mình hiện nay có một số người họ tâm huyết và có điều kiện đầu tư làm trang trại thì họ tiếp cận rất nhanh, phần lớn bà con nông dân đã nắm bắt những kỹ thuật cải tiến, áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Ví dụ như hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, phương pháp trồng rau thủy canh, khí canh tuy nó không đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở vật chất nhiều nhưng nếu áp dụng theo phương thức canh tác để cho ra sản lượng hàng hóa thì hơi khó vì cần có chuyên môn sâu hơn. Ngoài ra phải tạo dựng cho nông dân ý thức liên kết sản xuất qua các tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới để xây dựng thành chuỗi từ sản xuất tới cung ứng thì mới đáp ứng được cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

“Người lao động cần phải có những kiến thức tối thiểu như kỹ thuật tưới tiêu hiện đại nó gắn liền với công nghệ thông tin, có thể sử dụng điện thoại di động để phục vụ tưới tắm, hẹn giờ tưới thì phải có hiểu biết nhất định để mình tác nghiệp được hay những phương pháp trồng rau mới như khí canh, thủy canh thì phải biết cách điều chỉnh vi lượng, dinh dưỡng có tỷ lệ pha phối thích hợp thì mới đạt chất lượng và cho ra sản phẩm hàng hóa tốt hơn.” - ông Lê Ngọc Đức nói.

Theo ông Phạm Quang Chiến, Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Cần Giờ, nếu vùng  nào đang phát triển những ngành nghề gì liên quan thì nên đào tạo lao động theo nhu cầu đó, ông ví dụ trên địa bàn huyện Cần Giờ chủ yếu là làm nông nghiệp thì sẽ đào tạo những nghề như: nuôi tôm công nghệ cao, làm muối trải bạt, trồng cây tưới nước nhỏ giọt. Năm 2020 huyện cũng đang hướng đến phát triển du lịch biển cho nên cũng tập trung đào tạo ngành hướng dẫn du lịch.

Ông Phạm Quang Chiến nói: “Người lao động phải có quyết tâm, cố gắng tìm hiểu học hỏi thông qua những lớp tập huấn kỹ thuật cao. Bên cạnh đó thì nhà nước cũng hỗ trợ vốn, kỹ thuật giúp người dân từng bước có kinh nghiệm để áp dụng. Tuy nhiên, hiện nay cái khó khăn là những mô hình này đòi hỏi đầu tư tương đối cao. Nhưng từng bước từ kinh nghiệm thực tiễn và thu nhập cao hơn thì người dân sẽ có niềm tin thực hiện mô hình theo xu hướng công nghiệp.”

Còn ông Đinh Công Tiến, Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp cho rằng: “Chúng ta không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng dạy cho họ có nghề nhưng chưa chắc có việc làm và có thu nhập mà mục tiêu của chúng ta là giúp cho nông dân có việc làm và có thu nhập trong bức tranh 5 đến 10 năm sau chứ không phải giúp cho họ có nghề, giúp họ kiếm được việc làm và nâng cao thu nhập vì vậy cần phải nghiên cứu về nhu cầu. Phải kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và người hướng dẫn thực hành, cái đó cực kỳ quan trọng.”

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn để làm nghề phi nông nghiệp và chuyển đổi ngành nghề thì chúng ta đào tạo ở những nhóm ngành nào theo yêu cầu phát triển ở tại địa phương đó để chúng ta có chương trình đào tạo cho phù hợp nhằm đảm bảo sau khi học xong có kiến thức, vững tay nghề, giải quyết được việc làm, ổn định cuộc sống.

“Dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay sẽ tìm, khảo sát ngành nghề phi nông nghiệp phù hợp với sự phát triển của từng địa phương và dạy nghề cho lao động nông nghiệp trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì phải ứng với cây trồng, vật nuôi có năng suất cao đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Tất cả chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn ở Thành phố Hồ Chí Minh thì Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn cần trao đổi và kiến nghị với Ủy ban để có chính sách phù hợp trong ngành nông nghiệp nói chung, trong đó có lao động nông thôn.”

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến những thay đổi to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp. Do đó, người lao động không thể chỉ có các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể mà còn phải có những kỹ năng rộng hơn để ứng phó với sự thay đổi này. Đây cũng là nội dung cuộc phỏng vấn của VOH với Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trong bài 2 của loạt bài: Tương lai của lao động nông thôn: Bắt đầu từ giáo dục nghề nghiệp 4.0. Mời bạn đọc đón xem. 

VOH

Bình luận

Đọc Báo