Tuổi trẻ thành phố khắc ghi tinh thần “uống nước nhớ nguồn” – Thời sự 11g00 25/3/2020

(VOH) - Người Việt Nam ta luôn có lòng yêu nước nồng nàn, yêu thương đồng bào sâu sắc. Đặc biệt là luôn giữ gìn và phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Tiếp bước lời dạy đó, phong trào chăm sóc người có công đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ ngày nay luôn ý thức ghi nhớ công ơn của các thế hệ đi trước.

“7 đứa con, chết hết 4 đứa, ổng nữa là 5 cha con chết ! thờ trên nghĩa trang. Mấy con lên thăm mẹ thì mẹ cảm ơn chứ biết nói gì, già rồi, lẫn lộn rồi.” - Đó là lời chia sẻ đầy cảm xúc chân thật của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phơi, 97 tuổi, ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Mẹ đã phải trải qua biết bao nhiêu mất mác, hy sinh, có những sự hy sinh không thể nào bù đấp được. Con mẹ mất. Chồng mẹ hy sinh. Mẹ vẫn hiên ngang. Mẹ vẫn cam chịu, vẫn chiến đấu vì hòa bình, vì độc lập của đất nước.

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, tuổi trẻ Thành phố luôn ghi nhớ công ơn của các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. Từ đó, các thế hệ trẻ luôn ý thức thể hiện sự tri ân, lòng thành kính của mình tới các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, thông qua việc thường xuyên chăm sóc, thăm hỏi đến các mẹ Việt Nam anh hùng. Từ đó xoa dịu bớt nỗi đau, nổi buồn của các mẹ. 

Đoàn viên Huỳnh Ngọc Long- bệnh viện Từ Dũ và Đoàn viên Trương Thị Lệ Diễm- Tổng Công ty Bến Thành cho biết: “Để có cuộc sống ngày hôm nay của mình đó là nhờ sự hy sinh của các mẹ thì đoàn thanh niên của mình mình phải sống làm sao xứng đáng với sự hy sinh xương máu của cha ông chúng ta đã dành cho chúng ta. Sự hy sinh của các mẹ Việt Nam và các anh hùng liệt sĩ để đất nước có được sự độc lập ngày hôm nay đã có biết bao nhiêu người đã hy sinh xương máu. Lớp trẻ chúng em thì luôn biết ơn sự hy sinh cao cả này. Bản thân em được sinh ra trong thời bình thì em thấy rất là tri ân và trân trọng các thế hệ đi trước và tự hứa là sẽ cố gắng tích cực đóng góp sức mình cho sự đi lên của đất nước mình.”

Qua thực tế và tìm hiểu về cuộc sống hiện tại của các Mẹ đã giúp thế hệ thanh niên phần nào hiểu được sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ, của các anh hùng, liệt sĩ, để từ đó, mỗi đoàn viên thanh niên, mỗi cơ sở đoàn cần xây dựng cho mình một chương trình hành động cụ thể, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển lớn mạnh của nước nhà và đền đáp sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh. Tình yêu thương, tri ân dành cho các thế hệ đi trước là thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ, thể hiện lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Tình yêu thương các Mẹ cũng thể hiện tình yêu thương Tổ quốc, càng yêu thương Tổ quốc thì càng yêu thương sự hy sinh của các mẹ hơn. Và việc này luôn được khuyến khích trong thế hệ thanh niên hôm nay.

Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh trải lòng: “Tôi nghĩ rằng tình yêu Tổ quốc đến từ trong tấm lòng, đến từ trong nội tạng của các bạn thanh niên và các bạn phải phát huy việc đó và làm những việc để tốt cho đất nước và để tốt cho thành phố của mình và các bạn hãy làm việc tốt và những việc tốt chúng ta sẽ không bao giờ ngần ngại mà chúng ta không làm để chúng ta thấy rằng là mỗi thành niên của thành phố nói riêng và thanh niên cả nước nói chung đều yêu tổ quốc, đều đóng góp sức mình cho tổ quốc từ việc học tập, lao động, sáng tạo.”

Việc chăm sóc đối với thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là trách nhiệm của mỗi người dân và toàn xã hội. Trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng để giúp cho họ bớt đi những khó khăn trong cuộc sống. Là thế hệ thanh niên hôm nay, tiếp bước các thế hệ đi trước, tuổi trẻ chúng ta cần phải phát huy tốt hơn nữa truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và xin nguyện nối gót các thế hệ cha anh đi trước, cống hiến tuổi trẻ để xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng giàu đẹp hơn.

Phước Tiến

VOH

Bình luận

Đọc Báo