TPHCM xây dựng các chiến lược quan trọng đẩy mạnh xuất khẩu - Thời sự 05g30 29/04/2019

(VOH) - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM có mức tăng trưởng vượt bậc, tổng kim ngạch đạt hơn 6 tỷ đô la Mỹ tăng 16% so với cùng kỳ.

Năm nay, tình hình xuất khẩu của TPHCM được nhận định có nhiều thuận lợi xen lẫn thách thức khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khi tham gia vào thị trường xuất khẩu gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp khác trên thế giới. Vì thế, TPHCM đã xây dựng các chiến lược quan trọng để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. 

xuất khẩu, TPHCM

Ảnh minh họa: Vietnam+

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM có mức tăng trưởng vượt bậc, tổng kim ngạch đạt hơn 6 tỷ đô la Mỹ tăng 16% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thị truờng xuất khẩu vào một số nước khác tăng nhanh như: Philippines tăng hơn 152%; Đài Loan tăng hơn 70%; Úc tăng hơn 47%; Mỹ tăng gần 46%... Riêng thị trường Trung Quốc, Indonesia, Hồng Kong xuất khẩu chậm lại. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng được duy trì và có mức tăng khá cao, như: Dệt may; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; rau quả đã kéo kim ngạch xuất khẩu tăng cao.

Tính hết quý 1 năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ước đạt gần 9 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 6% so cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt hơn 8 tỷ đô la Mỹ. Một số mặt hàng xuất khẩu trong quý 1 giảm so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; Cà phê... Riêng đối với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, sản xuất ổn định, giá trị sản xuất 3 tháng đầu năm đạt 3,4 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 12% so với cùng kỳ, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 3 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 15%.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế văn hóa xã hội thành phố 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp quý 2 năm 2019 mới đây, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của TP đều thuộc nhóm doanh nghiệp này: “Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng thấp so với cùng kỳ. Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu của TP, có thể thấy có thời gian TP chiếm 40% so với cả nước, nhưng hiện nay đang ở mức 15,6%. Cách đây 1 năm còn ở vị trí 18%, và chú ý thêm các mặt hàng xuất khẩu phần lớn là từ các doanh nghiệp FDI, Sở Công thương cần chú ý điểm này để tham mưu những giải pháp kịp thời”.

Đối với bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP như: cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm, các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm để xuất khẩu và cung ứng cho thị trường nội địa ngày một tốt hơn. Nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực của TP, hiện các mặt hàng mật ong, bưởi da xanh của Tập đoàn Xuân Nguyên ở TPHCM đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Thái Lan từ nhiều năm nay, mỗi năm có khi xuất đi cả ngàn tấn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xuân Nguyên, cần nâng cao giá trị, giá thành nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu: “Thị trường xuất khẩu hiện tại đang rất tốt, tuy nhiên đang bị vấn đề giá, giá nông sản của Việt Nam xuất khẩu không cao, làm sao để giá trị cao hơn nữa. Muốn vậy các doanh nghiệp phải đoàn kết lại, chứ hiện nay các doanh nghiệp hay đạp giá nhau”.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu các mặt hàng nông sản, ông Phạm Quốc Liêm – Tổng Giám đốc Công ty nông nghiệp U &I, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ Phần rau Anh Đào Đà Lạt đúc kết một điều, trước khi xuất khẩu mặt hàng chủ lực nào đó, ông làm việc chặt chẽ với Hiệp hội Nông sản quốc tế như Hiệp hội Chuối, Rau để nắm rõ quy luật thị trường: thời điểm nào thì nhu cầu tăng, giảm, giá tăng giá giảm: “Tôi bắt đầu trồng chuối vào năm 2010, thời điểm đó hoàn toàn không biết quy cách quốc tế, chất lượng chuối đạt chuẩn quốc tế là như thế nào. Khi đó, tôi không có đường để bán ra thị trường nội địa luôn. Tôi đã làm việc với một số doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc để từ đó tiếp thu được quy trình quốc tế là như thế nào. Từ đó tôi xác định, bước đầu tiên là xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn: hàng hóa bị hư do chưa có công nghệ bảo quản tốt, từng bước tôi đã đầu tư công nghệ bảo quản đóng gói thực sự tốt, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Và khi đó, tôi nghĩ ngay tới thị trường nội địa, tâm của tôi là làm sao sản xuất ra nông sản tốt nhất để phục vụ ngay cho người dân của mình. Và tại sao tôi xuất khẩu, là tại vì tôi chưa biết chuẩn quốc tế như thế nào, nhưng khi tôi biết, tôi lấy tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP đó đem về cung ứng ngay thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu người dân”

TP.HCM năm nay đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước tăng 11%. Để đạt được kế hoạch này, Bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho biết, UBND TP đã ban hành nhiều chính sách, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc cải cách các thủ tục hành chính: “Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cũng đã nói, tập trung vào 85 đầu việc mà TP giao cho các đơn vị, sở ngành quận huyện để làm sao giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân tốt hơn. TP cũng đã quyết liệt xây dựng quy trình phối hợp giữa các cơ quan để rút ngắn thời gian trao đổi thông tin, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân hiệu quả hơn. Hiện nay, một số sở ngành liên thông thủ tục hành chính áp dụng tối đa chữ ký số”

Cùng với đó, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Sở Công Thương thành phố cũng đã trình UBND TP về định hướng và kế hoạch xuất khẩu sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vừa chính thức có hiệu lực để các doanh nghiệp hoạch định sản xuất kinh doanh có hiệu qủa. Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP, cho biết thêm:“Đề án chúng tôi tập trung vào các mặt hàng nông sản, là mặt hàng hiện nay chúng ta chưa đạt chuẩn bài bản và có tiềm năng rất lớn, không chỉ cho trong nước và có khả năng xuất khẩu, nhưng đã xuất khẩu thì phải chuẩn hóa. Đề án này trường Đại học Kinh tế đã khởi động. Chúng tôi hy vọng qua đề án này, chúng ta biết rõ cầu cần gì, đòi hỏi cầu hàng hóa là thế nào, chuẩn ra sao, đầu cung là ai. Và mỗi đầu cung như vậy các tỉnh có trách nhiệm tổ chức lại ngành nông nghiệp của mình để bảo đảm đúng cầu đáp ứng đúng chuẩn của TPHCM”

TPHCM đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu như: hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; xúc tiến đầu tư, thương mại theo thị trường, ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu trọng điểm. Cùng với đó, TP giúp kết nối đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường mới, mặt hàng mới, thâm nhập các kênh phân phối, tham dự hội chợ, triển lãm... Xây dựng kế hoạch xúc tiến đối với từng thị trường xuất khẩu tại các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương.

Lệ Loan

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo mới