TPHCM ngăn chặn dịch tả heo châu Phi - Thời sự 11g00 02/04/2019

(VOH) - Theo tin từ ngành thú y, đến cuối tháng 3 vừa rồi, cả nước có 23 tỉnh, TP đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi, với trên 40.000 con heo bị tiêu hủy.

Dịch tả heo châu Phi xuất hiện chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung, tại khu vực Bắc Trung Bộ là tỉnh Thừa Thiên Huế, nên một lượng heo đã được vận chuyển từ đây vào các tỉnh phía Nam để giết mổ, tiêu thụ. Đây là một trong những nguy cơ làm lây lan dịch bệnh này nếu không kiểm soát được việc vận chuyển heo, thịt heo và các sản phẩm từ heo. Bài viết do Phóng viên Nguyễn Thắng thực hiện

Bệnh dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở cả heo nhà và heo hoang dã, ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra bệnh dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Chúng có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt heo và các chế phẩm từ thịt heo như xúc xích, giăm bông... Virus có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt heo sống hoặc nấu chưa chín. Virus lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo và thức ăn tận dụng chứa thịt heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn. Heo khỏi bệnh có khả năng mang virus trong thời gian dài, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi.

Hiện nay để phòng và chống dịch tả heo châu Phi, người nuôi heo đã chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp theo khuyến cáo của ngành chức năng, cơ quan thú y... Hai hộ chăn nuôi heo ở TPHCM cho biết trước mắt chích thuốc đầy đủ, thường xuyên khử trùng, phòng bệnh bằng cách rắc vôi bột rồi xịt thuốc sát khuẩn định kỳ một tuần một tuần một lần.

Ở các tỉnh lân cận với TPHCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương... cũng đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi. Ở tỉnh Long An, với đàn heo gần 250.000 con chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, còn nguồn heo cung cấp cho thị trường TPHCM là từ những địa phương khác, trong đó có miền Bắc, miền Trung, miền Tây. Hiện ngành chức năng tỉnh đang tăng cường các chốt kiểm dịch, ông Phan Ngọc Châu, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An cho biết hiện có 8 chốt giao cho 4 huyện giáp ranh với Tiền Giang, Campuchia rồi TP HCM với các tỉnh miền ngoài đưa heo về. 

Tại tỉnh Đồng Nai, thủ phủ của nuôi heo với tổng đàn khoảng 2 triệu con và tiếp nhận thêm nguồn heo từ các địa phương khác, vừa chuyển heo sống vừa đưa vào giết mổ và cung cấp cho thị trường TPHCM. Hiện địa phương này cũng đã tăng cường các hoạt động để bảo vệ đàn heo tại chỗ, hạn chế dịch lây lan. Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai xác nhận: chỉ đạo là phải kiểm soát chặt từ gốc. Hiện giá heo giữa các khu vực không chênh lệch nhiều nên việc vận chuyển vùng này qua vùng khác giảm, là điều kiện thuận lợi để chống lây lan dịch. Tổng cộng có 7 chốt kiểm soát ở các khu vực cầu Thủ Biên, chốt ở Tân Hạnh, Hóa An, Quốc lộ 51 (Vũng Tau),  Quốc lộ 56 (hướng từ Châu Đức qua Cẩm Mỹ), chốt ở Tân Phú, Phú Bình giáp Madagui.

TPHCM nơi có đàn heo khoảng 260.000 con, trong đó có gần 50.000 con heo nuôi thức ăn thừa tận dụng, bên cạnh đó, thị trường TP tiêu thụ nguồn thịt heo từ các địa phương khác đưa về đến 70% nên nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào đàn heo TP rất cao. Ngay từ khi có thông tin về bệnh dịch tả heo châu Phi tại các tỉnh phía Bắc, TP đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Để ứng phó với nguy cơ này, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, cho biết: TP HCM là nơi tiếp nhận nhiều nguồn động vật và sản phẩm động vật, cụ thể là con heo, từ các địa phương khác về. Do vậy, kiểm soát nguồn nhập hết sức quan trọng thông qua các cửa ngõ và phải tăng cường kiểm tra các lò mổ, các đầu mối giao thông, các chợ đầu mối bán thực phẩm, chợ đầu mối thịt heo. Sau đến siêu thị, chợ truyền thống ...

TPHCM đang thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Mục đích bảo vệ đàn heo tại chỗ và đáp ứng nguồn thịt heo an toàn cho người tiêu dùng. Hiện các địa phương lân cận với TPHCM cũng có các hoạt động tương tự. Qua đó, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Nam cần liên kết để ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi có nguy cơ xâm nhập.

VOH

Bình luận

Đọc Báo