Thủy điện không là nguyên nhân gây ra mưa lũ, sạt lỡ đất - Thời sự 11g00 07/11/2020

(VOH) - Hôm qua 6/11, các đại biểu Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ nhiều nội dung quan trọng còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Không khí chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắng và trách nhiệm. 

Trong số các nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm thì câu chuyện về mưa lũ, sạt lỡ đất ở miền trung được nhiều đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Theo đó các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp căn cơ cho thời gian tới, đặc biệt cần đánh giá tác động và hiệu quả của việc xây dựng các nhà máy thủy điện thời gian qua. Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về vấn đề xây dựng nhà máy thuỷ điện, bảo vê rừng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: “Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời. Rừng là nơi cung cấp 70% tài nguyên, rừng là những gì hết sức thiên nhiên, rừng sinh thủy, là nơi chưa chúng ta. Thủy điện không là nguyên nhân, mà là hậu quả do chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi. Mất rừng không phải do thủy điện mà là do chúng ta có tư duy sai trái dùng toàn đồ gỗ”.

Ảnh: VGP

Không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và cho rằng câu trả lời không đi thẳng vào nội dung, đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp, đoàn tỉnh Gia Lai tranh luận: “Câu hỏi của tôi Bộ trưởng chưa trả lời. Tôi hỏi Bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ nữa hay không? Bộ trưởng chỉ cần trả lời có hay không. Thứ 2 theo Bộ trưởng thì ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay, liên quan đến vụ sạt lỡ vừa qua ở miền trung”.

Trước những ý kiến còn khác nhau, chưa đồng tình với trả lời của  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dành nhiều thời gian để thông tin lại một số nội dung có liên quan. Trong đó Phó Thủ tướng cho biết, hiện nước ta có trên 7.500 hồ thủy lợi, thủy điện thì đã đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 70 tỷ mét khối nước, trong đó có 437 hồ thủy điện - thủy lợi. Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam thường xuyên bị mưa lũ, sạt lỡ đất. Về góc độ khoa học thì nguyên nhân lớn là do tác động của con người lên môi trường, cùng với vấn nạn chặt phá rừng diễn biến phức tạp và nhiều nguyên nhân khác. Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thì mọi người cần có cái nhìn và phân tích khách quan hơn từ nhiều khía cạnh, không nên tập trung vào nguyên nhân xây dựng các hồ thủy điện, vì thực tế thời gian qua các hồ thủy điện, thủy lợi đã phát huy những kết quả rất tích cực: “Những năm qua, các hồ, đập thủy lợi, thủy điện có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, tạo nguồn điện rất lớn. Do đó các công trình thủy lợi, thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để xây dựng công trình hồ, đập thủy lợi, thuỷ điện cũng có tác động tiêu cực đến môi trường, vì các công trình hồ thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực trung du”.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đưa ra 8 nhiệm vụ quan trọng. Trong đó nhấn mạnh, về việc hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai, rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm và đánh giá cao  công tác phòng chống dịch Covid 19 của nước ta thời gian qua. Tuy nhiên nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp và Chính phủ có giải pháp căn cơ nào trong thời gian tới. Qua diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương, người dân cần phải tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống Covid 19 trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để chung sống một cách an toàn song song với phát triển kinh tế xã hội: Tôi rất tha thiết đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy, các Đoàn đại biểu Quốc hội, tất cả các ngành chúng ta không thể chủ quan được, bởi ngày hôm nay là thế giới là nửa triệu ca nhiễm mới một ngày. Chúng ta vẫn yên bình như thế này thì phải chung sống với dịch và đầu tiên là trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, rồi đến tất cả cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, chợ búa, siêu thị, nhà máy, công sở tới đây tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch, chống dịch đến từng người dân”.

Trong ngày trả lời chất vấn đầu tiên của kỳ họp, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ còn nhận được nhiều ý kiến liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh trật tự, an toàn giao thông, công tác xét xử, truy tố của ngành Tòa án, Viện kiểm sát, công tác chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách….

Ý kiến đại biểu về ngày chất vấn đầu tiên: Các Bộ trưởng nắm rõ vấn đề và trả lời chất vấn khá thẳng thắn

Cũng trong ngày đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá: Phiên chất vấn đã diễn ra với chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng của cử tri, nhân dân. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá phiên chất vấn đã đề cập những tồn tại, hạn chế và trả lời chất vấn của Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, làm rõ nhiều nội dung cử tri quan tâm. "Nhìn chung các Bộ trưởng nắm khá vững về các ngành mà mình quản lý từ những số liệu,  mục tiêu cũng như các giải pháp, đồng thời cập nhật kịp thời những gì mà người dân và cử tri quan tâm cho nên các Bộ trưởng trả lời nếu so sánh với chất vấn trong những kỳ họp trước đã đi thẳng vào vấn đề hơn, đã thực sự có sự tương tác giữa đại biểu và các Bộ trưởng, giữa các đại biểu với nhau có hài lòng với câu trả lời hay không và đã trao đổi thì tôi thấy đấy là hết sức thẳng thắn."

Theo đại biểu Lê Quang Huy, đoàn Nghệ An, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trả lời toàn diện, cặn kẽ các câu hỏi đại biểu đặt ra khiến nhiều đại biểu hài lòng: "Phạm vi để thực hiện chất vấn trong kỳ họp thứ 10 này rất là rộng nên tôi thấy được các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời, trao đi đổi lại với các đại biểu hết sức ấn tượng. Từ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ TT&TT và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác.. Chúng tôi nghĩ đã trả lời những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Tôi thấy phần lớn các trả lời đó thấu đáo, làm rõ được kết quả và trách nhiệm các chủ thể chịu sự giám sát đó trong chất vấn."

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng kỳ vọng, các phiên chất vấn tiếp theo sẽ ngày càng sôi nổi, nội dung cặn kẽ, sâu sát và đưa ra nhiều giải pháp làm hài lòng đại biểu và cử tri hơn nữa. Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Tôi nghĩ rằng trong cả một nhiệm kỳ 5 năm thì các đại biểu Quốc hội mỗi người đều có lĩnh vực quan tâm của mình. Cho nên các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn rất là nhiều nội dung và chất vấn đa chiều ngay cả vấn đề về thủy lợi giáo dục, vấn đề về đổi mới mô hình tăng trưởng, vấn đề về bội chi ngân sách, vấn đề giải quyết các dự án đầu tư công kém hiệu quả...Tôi nghĩ rằng là vấn đề chất vấn để giúp cho Chính phủ nhìn nhận được những tồn tại, những cái yếu điểm của mình. Từ đó có thể giúp cho Chính phủ nhiệm kỳ tới này sẽ khắc phục được những yếu kém đó và làm việc sẽ hiệu quả hơn”.

Ngọc Phong - Ngọc Ánh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo