- Thời sự 11g00 09/09/2018Nghệ sĩ trẻ muốn thành danh phải luôn học và rèn nghề

(VOH) - Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc đang diễn ra đúng vào dịp giới sân khấu cả nước kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương cũng như chuẩn bị cho ngày giỗ tổ truyền thống ngành sân khấu.

Đến thời điểm hiện tại, khi liên hoan còn 3 ngày nữa sẽ khép lại, niềm vui được nhiều người chia sẻ với nhau là họ đã thấy lớp kế thừa, giỏi nghề, nhạy bén. Đây cũng là 1 trong những tiêu chí mà kỳ liên hoan cải lương nào cũng hướng đến nhưng chưa thực hiện được, nhưng năm nay, điều đó đã được phát huy rất tốt.

Các diễn viên trẻ của các đơn vị đa phần được tìm thấy từ nhiều cuộc thi lớn, từ các trường nghệ thuật. Ngoài sắc vóc, các em sở hữu những chất giọng hay, lạ. Về diễn xuất, mỗi diễn viên được trang bị những kỹ thuật cơ bản nhất, được quản lý của đơn vị mình tạo mọi điều kiện để được làm nghề, được thể hiện đúng sở trường của mình. Nhiều đoàn sẵn sàng đặt hàng các tác giả lớn viết theo kiểu “đo ni đóng giày” như sân khấu xưa để các nghệ sĩ trẻ vụt sáng.

Tuy nhiên, chỉ bao nhiêu đó thì vẫn chưa đủ, để thành công và mau chóng tìm được chỗ đứng trong làng sân khấu, mỗi nghệ sĩ cần tìm tòi, học tập và trui rèn không ngừng. Nghệ thuật là phải học, học mỗi ngày, học ngay cả khi đang ở đỉnh cao nhất của nghề. Vì như nhận xét của nhiều nghệ sĩ gạo cội, nghệ sĩ trẻ bây giờ diễn vẫn còn hời hợt, chủ yếu diễn phần ngọn mà thiếu đi sự tinh tế bên trong. Cải lương là phải thật và đẹp, ca trong diễn, diễn trong ca, diễn như không diễn như nhiều thế hệ nghệ sĩ gạo cội. 1 số nghệ sĩ bây giờ khi ra sân khấu là cứ ca như cái máy, chỉ biết phô diễn hơi ca mà không đào sâu tìm hiểu kỹ nhân vật của mình. Làm nghề như thế về lâu dài sẽ thành 1 thói quen xấu. Trăn trở về lớp trẻ, NSƯT Thanh Điền, trong đợt liên hoan năm nay anh cũng trở lại  với 1 vai diễn lớn trăn trở:“Ở đây, tôi phát biểu hết sức chân tình, ở tuổi của tôi bằng tất cả kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm nghề, tôi hiểu được điều đó nên tôi muốn nói cho các  diễn viên trẻ biết, nếu các bạn thấy điều tôi nói đúng nên suy ngẫm lại. Nghề này có 1 hộc tủ, 1 không gian lớn lắm, nhưng các em chưa tìm được chìa khóa mở vô. Chìa khóa đó là gì, là phải tìm tòi nghiên cứu, phải năng luyện, không có năng luyện thì sẽ không bao giờ tìm được chìa khóa. Như ngày xưa tôi biết từ Minh Vương, Lê Thủy, Minh Cảnh, Thanh Kim Huệ… họ luôn tìm tòi cái mới cho mình, tìm tòi trong ngũ cung, trong những cái  căn bản nhất, ví dụ như 1 chữ trong 1 khuôn ca nào đó, tìm tòi nhưng  chữ đó phải hợp với nội dung”.

Dù các em là quán quân của bất kỳ cuộc thi nào, thì khi quyết định đi theo sân khấu chuyên nghiệp, bản thân mỗi người cần tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết. Trong đó, việc mày mò, tìm tòi học tập từ bạn bè đồng nghiệp, từ cô chú, đàn anh đàn chị đi trước là điều cần làm và phải làm. Vì thành công của 1 vở diễn là thành công của 1 tập thể, mỗi người đều  phải làm tốt vai trò của mình, dù đó chỉ là 1 vai diễn rất nhỏ. Không phải có giọng ca hay là tất cả.

Vì sao có 1 thế hệ nghệ sĩ vàng Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy… mà đến tận hôm nay, dù thanh sắc đã không còn như xưa mà khán giả vẫn nhắc tên họ,  rất đơn giản vì họ luôn làm nghề trong tâm thế của  người mày mò đi tìm cái mới, học trong từng vai diễn, học ngay cả khi điều đó họ  đã biết,  đã có và  đã trở thành ông hoàng, bà hoàng đĩa nhựa thời bấy giờ. NSƯT Thanh Tuấn – thành viên ban giám khảo của liên hoan cho biết, nếu so với  thời của anh và nhiều nghệ sĩ trước thì các em bây giờ có nhiều điều kiện nhưng lại không biết tận dụng điều đó để làm tài sản ca diễn cho mình: “Ngày xưa không có nhiều nghệ sĩ tiền bối để học, không biết ai để hỏi… nếu đi thu Đài cũng rất khó, không có chuyện mix đi mix lại như  bây giờ, nói chúng là anh em nghệ sĩ bây giờ sướng quá”.

Một nguyên nhân khác thuộc về việc truyền nghề, phương thức này hiện nay vẫn còn tại các đoàn ở tỉnh. Riêng tại TPHCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã làm rất tốt phương thức này từ mấy chục năm trước với nhiều tên tuổi tài danh như: Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Mỹ Hằng, Tấn Giao… Đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ nhận định, phương thức nghề truyền nghề là 1 cách làm hữu hiệu của sân khấu cải lương trong việc đào tạo lớp trẻ kế thừa. Nếu các trường nghệ thuật áp dụng thêm 1 phần phương thức này vào giáo trình giảng dạy có lẽ sẽ hiệu quả hơn: “Theo Hoa Hạ, quan niệm, sự truyền nghề tâm huyết từ đời các vị tiền bối đi trước đến những người sau đó là điều cốt lõi, và từ xưa tới giờ, những nghệ sĩ được truyền nghề theo cách đó thì sẽ thành danh rất rõ ràng, nhanh chóng và sáng hơn những học sinh chỉ học ở trường không… thì đó là điều mà Hoa Hạ muốn nói, nếu đào tạo cải lương thì phải coi trọng sự truyền nghề”.

Và dù có đầy đủ sự hổ trọ từ mọi phía, cái cốt lõi còn lại vẫn là diễn viên, phải tự đặt cho mình mục tiêu làm nghề, phải chịu khó chứ như bây giờ thì 1 số trường hợp vẫn còn chưa hiểu hết nghề của mình, chưa  cảm hết sức nặng và trách nhiệm của từ nghệ sĩ. NSƯT Lê Tứ trưởng thành từ Trường Nghệ thuật sân khấu 2, nay là Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM, hiện đang  rất thành công tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng thẳng thắn, cho biết: "Riêng theo ý Lê Tứ là lãnh đạo phải tập trung những thầy cô cùng với 1 số nghệ sĩ đã thành đạt có tên tuổi để tập huấn, phải có hướng dạy cho các bạn trẻ, hiện nay các bạn đang ăn ngang, tay ngang chỉ có được giọng ca thôi chứ còn ý thức, đi, đứng trên sân khấu cần phải được đào tạo. Nhất là tiếng nói sân khấu  của bộ môn cải lương vủa mình…Nếu không  thì chỉ diễn được chỉ loại vai  nào đó thôi chứ không thể sáng tạo được”.

Riêng với các nghệ sĩ trẻ, họ nghĩ gì về sức bật, vai trò và trách nhiệm của nghệ sĩ trẻ. Nam Thanh Phong, 1 diễn viên vừa đầu quân về đoàn văn công Đồng Tháp nhưng đã được giao ngay vai nam chính tại kỳ liên hoan này suy nghĩ: “Nam Thanh Phong cảm thấy áp lực rất lớn vì mình chỉ là 1 diễn viên trẻ mà đoàn lại giao 1 vai diễn lớn… với sự cố gắng, đam mê nghề mình sẽ làm được những điều đó”.

Các cơ quan quản lý cũng cần nghĩ đến 1 chính sách đãi ngộ và giữ chân nghệ sĩ tài năng để họ an tâm làm nghề. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam – Thành viên ban chỉ đạo liên hoan sân khấu năm nay, cũng cho rằng: “Những đơn vị ấy, những con người ấy  họ đang giữ gìn những giá trị truyền thống, thì phải tính được đặc thù. Chúng ta phải phấn đấu để làm sao cho các nghệ sĩ phải sống được bằng nghề, đó là điều chúng ta phải cố gắng phấn đấu".

Theo đúng quy luật “tre già thì măng mọc”. Măng đã mọc nhưng vẫn còn chưa nhiều và chưa thật sự xanh tốt. Như chia sẻ của nhiều nghệ sĩ đi trước, có thể sân khấu hôm nay không còn ở giai đoạn hoàng kim nên phần nào đặt lên vai nghệ sĩ trẻ nhiều nỗi lo, nhiều chướng ngại. Trách nhiệm giữ gìn, kế thừa sân khấu hôm nay là của các em, những ngôi sao tương lai nên tự thân mỗi người phải học tập, phải làm nghề bằng tất cả năng lượng, trân trọng nghề và giữ cho nghề luôn đẹp, luôn trong sáng.

Ngọc Thu

Bình luận

Đọc Báo