Thị trường vật liệu xây dựng: không có đột biến những tháng cuối năm 2019 - Thời sự 11g00 25/06/2019

(VOH) - Ngành vật liệu xây dựng thời gian qua có dấu hiệu giảm sút do chính sách kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản, đặc biệt là kiểm soát các khoản vay trên 3 tỉ đồng.

Ngành vật liệu xây dựng những tháng đầu năm bị ảnh hưởng nhất định do thị trường bất động sản trầm lắng. Ngoài sản phẩm xi măng và sắt thép được tiêu thụ tốt thì nhiều sản phẩm khác gặp khó khăn. Ngành vật liệu xây dựng thời gian qua có dấu hiệu giảm sút do chính sách kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản, đặc biệt là kiểm soát các khoản vay trên 3 tỉ đồng. Một số sản phẩm thuộc ngành vật liệu xây dựng đang gặp khó. Có nhiều doanh nghiệp giảm công suất 20% thay vì áp dụng chính sách giảm giá. Tuy nhiên, điểm sáng của ngành vật liệu xây dựng trong thời gian qua tập trung ở lượng tiêu thụ hai sản phẩm xi măng và sắt thép. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên VOH phỏng vấn ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam về diễn biến của thị trường này.

VOH: Thưa ông, những tháng đầu năm 2019 vừa qua đã chứng kiến một loạt thay đổi về giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và điện sẽ tác động đến giá đầu vào của bất động sản, vật liệu xây dựng, nhân công lao động sẽ tăng theo…ông cho một vài đánh giá về thị trường vật liệu xây dựng trong khoảng thời gian này?

Ông Nguyễn Quang Cung: Đánh giá về ngành vật liệu xây dựng nói chung của những tháng đầu năm 2019 thì thường không cho chúng ta những thông tin chính xác, vì nhất là 3 tháng của quý 1 liên quan đến tết tây tết ta, mà tết tây kéo dài hoặc xảy ra đúng ngày bình thường hoặc do mưa rét hoặc rất nhiều thứ thì rõ ràng, không phản ánh đúng. Nhưng theo tôi biết, 4 tháng vừa rồi diễn ra rất bình thường, nhưng bình thường là hơi thấp, tức là kém hơn so với kỳ vọng.

Tôi cho rằng, thị trường vừa rồi không được khởi sắc như chúng ta mong muốn. Và điều đó để các nhà sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng xem xét kỹ lưỡng để hoạch định đường lối phát triển của mình ít nhất trong quý 2, 3, 4 và cho các năm tiếp theo, chứ đừng kỳ vọng vào dự báo cuối năm 2018 phát triển tốt. Mà nói chung, thì vật liệu xây dựng Việt Nam hiện nay trên tổng thể tất cả các lĩnh vực thì cung đã vượt cầu. Tức là khả năng cung cấp so với nhu cầu trong nước thì đã vượt. Thậm chí nhu cầu kể cả xuất khẩu cũng đã vượt.

Vì vậy, nên đi sâu vào đầu tư chiều sâu để cải tiến công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh hơn là đầu tư mới, nếu đầu tư mới thì phải đầu tư những dây chuyền tầm cỡ và tạo ra những sản phẩm tầm cỡ để có sức cạnh tranh cao. Phải lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực. Năng lực về tài chính, công nghệ, con người và cả thị trường. Chọn như thế mới hy vọng làm cho ngành vật liệu xây dựng phát triển theo hướng phát triển bền vững. Còn nếu đầu tư tràn lan, nhiều nhà đầu tư thiếu năng lực thì đầu tư ấy rất rủi ro và không giúp cho sự phát triển bền vững của ngành.

VOH: Như vậy, thị trường vật liệu xây dựng cũng sẽ chịu tác động liên đới khi thị trường bất động sản chững lại?

Ông Nguyễn Quang Cung: Đúng rồi, vật liệu xây dựng chủ yếu phụ thuộc vào thị trường bất động sản và đầu tư công – chủ yếu bên ngành giao thông thì liên quan nhiều đến xi măng, hai lĩnh vực ấy có thể nói ảnh hưởng lớn nhất. Thế còn có một số nơi, như khu vực Hà Nội hay đô thị lớn, thì vừa rồi vấn đề gạch xây là khó khăn, là vì có nhiều cạnh tranh của nhiều sản phẩm khác. Nhà cao tầng rõ ràng người ta ốp kính không dùng đến gạch xây. Thứ hai về bất động sản, có một đặc điểm nói là ở một số thị trường khác, như thị trường miền Trung, thị trường các tỉnh, thì việc tiêu thụ gạch xây vẫn diễn ra bình thường. Có nghĩa là khu vực xây dựng của nhân dân, của tư nhân vẫn diễn ra bình thường chứ không hề có dấu hiệu sụt giảm. Và đây là tín hiệu mừng. Chỉ có khu vực bất động sản, những dự án lớn, tòa nhà cao tầng thì có sự giảm sút.

VOH: Có lẽ các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng cũng đã có dự cảm khác nhau về tiềm năng tăng trưởng trong năm 2019 và chắc hẳn sẽ dè dặt hơn khi đặt mục tiêu doanh thu - lợi nhuận trong năm nay?

Ông Nguyễn Quang Cung: Sẽ diễn biến bình thường, không có diễn biến như chúng ta kỳ vọng. Bởi vì qua xi măng, tôi biết xi măng 4 tháng đầu năm, tiêu thụ nội địa bằng 98% của năm ngoái. Mà chúng tôi kỳ vọng phải tăng khoảng 7%, mà đây chỉ bằng 98% tức là bị sụt giảm so với kỳ vọng của mình đến 9%, và khi xi măng sụt giảm thì tín hiệu của nó cộng với tình hình vừa rồi vật liệu xây dựng khó khăn thì cho thấy bất động sản không có sự tăng trưởng, mà khi bất động sản có sự tăng trưởng mà nếu giảm sút nữa thì vật liệu xây dựng đi theo nó sẽ khó khăn. Tất nhiên, vật liệu xây dựng có lợi thế từ vài năm trở lại đây là xuất khẩu tốt. Vì chúng ta đã đầu tư tốt cho công nghệ, quản lý, do đó đã giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh so với năm ngoái. Năm ngoái đã là 32 triệu tấn nghe rất khủng khiếp rồi. Thế mà năm nay vẫn đang tăng. Xu thế hiện nay mọi năm chúng ta chỉ xuất chủ yếu là clanke, thì năm nay nhập khẩu xi măng lại tăng lên, thì có nghĩa là xu thế xuất khẩu của chúng ta đang tốt lên. Xung quanh vấn đề xuất khẩu, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo chúng tôi, với đất nước nghèo như chúng ta hiện nay thì trong vòng vài năm tới, nên coi trọng xuất khẩu vật liệu xây dựng, xi măng. Còn sau vài chục năm nữa chúng ta đã giàu có lên rồi, có nhiều hàng xuất khẩu giá trị kinh tế cao, hiệu quả cao hơn thì chúng ta giảm xuất khẩu đi. Trong hiện nay mà chúng ta cứ bàn giảm, theo tôi thì không nên.

VOH: Ông phân tích thêm vì sao phải tăng xuất khẩu đối với lĩnh vực này?

Ông Nguyễn Quang Cung: Vì thứ nhất là khi chúng ta nói đến xuất khẩu bất kỳ cái gì, thì chúng ta phải nói đến lợi thế. Thì Việt Nam là nước rất có lợi thế trong sản xuất vật liệu xây dựng. Nguồn nguyên liệu Việt Nam nhiều, rất nhiều nguyên liệu. Chúng ta có đầu tư công nghệ tốt, chúng ta có đội ngũ cán bộ quản lý vận hành, nhiều kinh nghiệm chúng ta tạo lập thị trường và thực sự giá của chúng ta đã cạnh tranh được. Và theo tôi biết hiện nay, xu thế đầu tư công nghệ mới, sản xuất vật liệu xây dựng đang tăng lên. Và như vậy, khả năng sức cạnh tranh của chúng ta tăng lên cả về chất lượng cả về kiểu dáng, giá thành sản xuất, thì tại sao khi có thế mạnh tại sao không chọn cái có thế mạnh? Tôi cho là không đúng.

VOH: Xin cảm ơn ông.

Lệ Loan

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo