"Thách thức dọn rác" - Thời sự 17g00 05/04/2019

(VOH) - Kết quả sau thực hiện “Thách thức dọn rác” ai cũng dễ dàng nhận thấy là môi trường ở nơi đó trở nên sạch hơn, đẹp hơn.

Thời gian gần đây, hưởng ứng trào lưu “Thách thức dọn rác”, bắt nguồn từ hai bức ảnh trước và sau khi dọn hết đống rác ngổn ngang do thanh niên người Mỹ Byron Roman đăng tải trên facebook cá nhân, đã  có không ít  các nhóm bạn trẻ  tại Việt Nam tìm đến những khu vực dân cư, bãi biển, kênh rạch, khu đất trống, lòng lề đường, vỉa hè, khuôn viên công ty, trường học... để cùng dọn sạch rác thải.

Những hình ảnh mà nhóm bạn của Thành chia sẻ trên trang Facebook cá nhân với startus: “Before and Apter” chụp một góc bãi biển trước và sau khi được dọn sạch rác đã gây sự quan tâm chú ý và thích thú của rất nhiều người. Hay như mới đây, nằm trong “Chiến dịch giờ trái đất 2019”, hơn 200 tình nguyện viên ở TPHCM cũng đã tham gia “Thử thách xanh” bằng cách thực hiện vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quét dọn rác tại chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Thủ Đức. Hàng chục tấn rác thải cũng đã được các tình nguyện viên dọn sạch sau một  ngày thử thách. Kết quả sau thực hiện “Thách thức dọn rác” mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là môi trường ở nơi đó trở nên sạch hơn, đẹp hơn. Tất cả các loại  rác được dọn đi, thay thế vào đó là có thêm nhiều cây xanh và hoa được trồng mới.

Theo thông tin từ Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TPHCM, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải vớt tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè  lên đến 10 tấn và tại chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Thủ Đức dao động gần 100 tấn. Lượng rác thải trên xuất phát từ hoạt động mua bán và từ sinh hoạt của các hộ dân. Và lượng rác thải này không ngừng gia tăng. Chỉ tính riêng lượng rác được vớt trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè cũng tăng từ 10% - 15%/năm. Nhiều năm qua, ngành chức năng cũng đã thực hiện rất nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân sống dọc tuyến kênh không thực hiện xả rác xuống kênh. Tuy nhiên, tình trạng vứt thẳng rác xuống kênh vẫn còn rất phổ biến. Rất nhiều trường hợp, công nhân công ty phải rất vất vả để vớt lượng lớn rác thải công nghiệp hoặc đồ nội thất có kích thước lớn bị vứt bỏ xuống kênh. Công ty phải sử dụng thiết bị chuyên dụng mới có thể vớt được loại rác thải trên.

Các chuyên gia về môi trường cũng đã cảnh báo, môi trường sống của chúng ta đang ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng với vấn nạn rác thải. Trong đó ô nhiễm về rác thải nhựa là đáng báo động. Mới đây, xác một con cá voi mõm khoằm Cuvier đã trôi dạt vào một bờ biển ở đảo Compostela Valley thuộc Philippines với 40 kg rác thải nhựa trong bụng. Các nhân viên ở bảo tàng D'Bone Collector tiến hành khám nghiệm và vô cùng kinh ngạc khi phát hiện bụng nó chứa 16 bao tải, 4 chiếc túi thường gặp ở đồn điền trồng chuối và nhiều mảnh túi nylon, mảnh vụn nhựa. Thật khủng khiếp !

Nhưng đây cũng không phải lần đầu tiên xác cá voi đầy bụng rác thải nhựa dạt vào bờ. Hồi tháng 11/2018, một con cá nhà táng mắc cạn ở Indonesia cũng chứa trong bụng  100 chiếc cốc giấy, 4 chai nhựa, 25 túi nylon và thậm chí một đôi dép xỏ ngón. Như vậy, không chỉ trên đất liền mà môi trường biển cũng đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc xác cá voi chết vì rác thải nhựa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn ô nhiễm đại dương do hành vi xả thải của con người gây ra. Và Việt Nam hiện cũng đang nằm trong top các nước thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.

Cũng tại Việt Nam, lượng chất thải phát sinh lên đến gần 13 triệu tấn/năm. Tốc độ gia tăng rác thải trung bình mỗi năm khoảng 12%. Tuy nhiên, lượng rác thải thu gom chỉ đạt hơn 85% đối khu vực đô thị và chưa đến 50% ở  khu vực nông thôn. Chưa hết, hiện có một số lượng lớn doanh nghiệp sản xuất ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lượng rác thải đang bị thải bỏ tràn lan ra môi trường. Bên cạnh đó,  phần lớn chất thải sau khi thu gom chỉ được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Cả nước đang tồn tại 660 bãi chôn lấp rác thải có diện tích trên 1 héc ta nhưng chỉ có 25% trong số các bãi chôn lấp này đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Hệ quả là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia, ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế do ảnh hưởng đến nông sản, thuỷ sản và sức khỏe con người.

Ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và tốn kém nhiều chi phí do phải cải thiện môi trường. Vì vậy, để khắc phục và hạn chế ô nhiễm môi trường, điều đầu tiên là ý thức của cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ. Nếu mọi người cùng  có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác  bừa bãi thì ô nhiễm môi trường sẽ được giảm đáng kể. Song song với đó là đẩy mạnh các hoạt động hạn chế, tái sử dụng và dùng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Đặc biệt là cần có các chế tài mạnh mẽ để xử phạt các hành vi vi phạm môi trường.

Và trào lưu “Thách thức dọn rác” cũng đã góp phần chuyển tải một thông điệp hết sức mạnh mẽ đến cộng đồng. Đó là  “Hãy ngừng xả rác” để bảo vệ sự sống, bảo vệ sức khoẻ của mỗi chúng ta.   

VOH

Bình luận

Đọc Báo