Tai nạn mùa Tết, những rủi ro cần đề phòng! – Thời sự 5g30 11/1/2020

(VOH) – Vui chơi trong dịp Tết phải hết sức lưu ý những tai nạn có thể xảy ra trong đó, có những tai nạn lẽ ra mỗi người chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được

Tết đến, xuân về đây là dịp hiếm hoi để mỗi gia đình có kỳ nghỉ sum họp quây quần bên nhau. Trẻ nhỏ rất vui khi được nghỉ học ở nhà,cùng cha mẹ vui Tết. Tuy nhiên, trẻ con vốn hiếu động dễ dẫn đến những tai nạn sinh hoạt tại nhà như té ngã, hóc dị vật rất nguy hiểm.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa điều trị thành công trường hợp bệnh nhi 3 tuổi ngụ tại Đức Hòa, Long An bị hóc hạt đậu phộng. 2 tháng trước đó bé đang ăn đậu phộng thì hóc sặc, có ói ra vài hạt đậu phộng, mẹ yên tâm nghĩ không còn dị vật nào dù con khò khè và hay ho kéo dài từ đó. Bé đi khám nhiều nơi  được chẩn đoán là viêm phổi, theo dõi suyễn. Tuy nhiên, tình trạng bé ngày càng khó thở sau một thời gian dài điều trị nhiều nơi. Đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố dù không phát hiện dị vật, tuy nhiên kết hợp với việc bé từng bị sặc trước đó, kèm hội chứng xâm nhập khá rõ, các bác sĩ quyết định nội soi và phát hiện có hạt đậu phộng nằm gần bít lòng phế quản thùy dưới phổi trái kích thước 5mm. Sau khi được các bác sĩ gắp dị vật ra, sức khỏe của bé dần ổn định, phổi bớt ứ khí, viêm phổi cải thiện và đáp ứng kháng sinh điều trị hiệu quả.

Không riêng trường hợp này, mùa Tết tại các cơ sở y tế thường tiếp nhận trẻ hóc dị vật các loại hạt như hạt hướng dương, hạt dưa, hạt me, mãng cầu hay các loại thạch, rau câu..., các loại xương hay đồ chơi có kích thước nhỏ. Có nhiều trẻ phát hiện ngay xử trí cấp cứu nhưng cũng có nhiều trẻ nuốt vào phụ huynh không hay, sau đó vật thể lạ xâm nhập gây ho, khò khè kéo dài phụ huynh lại nhầm tưởng con bị viêm phổi, hen suyễn. Khi các loại hạt vẫn còn trong phổi không được phát hiện lấy ra sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề như xẹp phổi, tạo áp xe mủ trong phổi, hoại tử, tràn khí màng phổi...thậm chí để lại di chứng não suốt đời cho trẻ. Cha mẹ cần lưu ý khi con trẻ không may bị hóc dị vật và khi dị vật đã lọt vào đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí đúng đắn, vỗ lưng ấn ngực kịp thời nếu đã được hướng dẫn, để không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Bên cạnh phòng ngừa tai nạn sinh hoạt, hiểm họa khôn lường từ chơi pháo ngày Tết cũng rất cần được quan tâm cảnh báo. Mặc dù nhà nước đã ban hành luật nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, pháo hoa, thuốc pháo nổ, thuốc pháo hoa nhưng tình trạng buôn lậu pháo nhất là vào dịp gần Tết vẫn còn tiếp diễn, gây nhiều thương vong về người và của. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố, thống kê nhiều năm qua cho thấy, tai nạn do pháo nổ là một trong số các tai nạn thường gặp trong dịp Tết Nguyên Đán.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, báo cáo tổng hợp từ ngành y tế, chỉ trong 6 ngày Tết đã có đến gần 300 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả các vị trí trên cơ thể, pháo còn gây phỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Ngoài ra, trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh… nên việc người đốt sẽ tiếp xúc rất gần sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu mặt cổ, mắt, tay...

Cách đây vài ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội cũng đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam 44 tuổi, Hà Nam nhập viện với nhiều thương tích do nổ pháo.Theo lời kể từ người nhà, bệnh nhân này đã mua pháo tự chế về để sử dụng. Trong quá trình sử dụng pháo nổ bất ngờ gây nhiều thương tích. Các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật điều trị gãy xương vùng mặt, xử lý nhiều vết thương phần mềm cho bệnh nhân từ tai nạn pháo mà ra.

Như chúng ta biết, tai nạn do cháy nổ rất nguy hiểm, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong, vì vậy không nên buôn bán hay sử dụng pháo để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình, tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế tình trạng đốt pháo trong các dịp Tết.

Bên cạnh tai nạn từ pháo, để phòng tránh tai nạn giao thông trong dịp Tết, bản thân mỗi người nên giữ sức khỏe, tránh vui chơi quá mức. Theo quy định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1-1-2020, các hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm. Người tham gia giao thông nên đội nón bảo hiểm đúng tiêu chuẩn khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi xe ô tô, đi bộ đúng phần đường qui định, chú ý quan sát khi băng qua đường. Mỗi người chúng ta hãy tuân thủ đúng luật giao thông, đừng vì nhanh một phút mà phải chậm cả đời.

Hải Anh

VOH

Bình luận

Đọc Báo