Sức mạnh và niềm tin từ xây dựng nông thôn mới - Thời sự 5h30 6/6/2018

(VOH) -Thi đua yêu nước là một tư tưởng lớn của Bác Hồ và cách mạng Việt Nam với sức lan toả sâu rộng, lôi cuốn mạnh mẽ, thôi thúc các ngành, các cấp, mọi người cùng thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

 Hưởng ứng tinh thần này, chính quyền, người dân ở 5 huyện ngoại thành TPHCM tích cực triển khai thực hiện và nâng chất Chương trình xây dựng nông thôn mới.

 Theo đánh giá của Ban thường vụ Thành ủy, các huyện ngoại thành thời gian qua đã huy động được nguồn lực của xã hội để chung sức xây dựng nông thôn mới. Hệ thống chính trị đóng vai trò tiên phong thu hút nguồn lực xã hội. Các hộ dân ngay tại địa phương hiến đất làm đường, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vượt khó vươn lên làm giàu.

Tại huyện Củ Chi, giai đoạn 2016 – 2017 đã huy động thành công các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư xây dựng chương trình nông thôn mới với hơn 4 tỉ 300 triệu đồng. Đến nay, hơn 480 đường giao thông nông thôn được bê tông hóa bên cạnh hệ thống thủy lợi, kênh mương thủy lợi được đầu tư nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa. Các xã trên địa bàn vùng “đất thép thành đồng”, chính quyền địa phương chủ trương tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TP. Bà Phan Võ Thúy Phượng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội – huyện Củ Chi, cho biết: “Tới giai đoạn hiện nay thì về chủ trương phát triển nông nghiệp thì UBND xã thực hiện theo chỉ đạo các ngành cấp trên là hướng dẫn cho người dân. Tức là tổ chức kết hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn Thành phố, kể cả Trạm khuyến nông huyện mở nhiều lớp hàng năm tập huấn, phổ biến về chính sách phát triển nông nghiệp, nông nghiệp đô thị công nghệ cao”.

xây dựng nông thôn mới

Ảnh minh họa: Baochinhphu

 

 Trong khi đó, các xã trên địa bàn huyện Hóc Môn đã vận dụng nhiều cách làm, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức nhằm cải thiện đời sống cho bà con. Việc giảm diện tích đất trồng lúa chuyển đổi sang mô hình trồng hoa lan, trồng rau an toàn, mô hình chăn nuôi khép kín và phát triển du lịch sinh thái. Hướng đi này làm tăng thu nhập bình quân đầu người năm 2017 tại huyện đạt gần 52 triệu đồng/người/năm, tăng 18% so với năm 2014. Ông Trần Việt Hùng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, chia sẻ: “Về gắn với tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong công tác giảm nghèo bền vững thì quá trình giảm nghèo Đảng ủy, Ủy ban tập trung kêu gọi mọi nguồn lực trong xã, ngoài xã, tất cả các mối quan hệ thường trực Đảng ủy, Ủy ban và các cán bộ, công nhân viên, người lao động trên địa bàn xã và các Đảng viên, chi bộ. Đảng ủy có giao phân kỳ ra ví dụ 14 hộ nghèo, ấp sẽ lo hộ cận nghèo, còn các nguồn lực Đảng ủy huy động là MTTQ các tổ chức chính trị đoàn thể xã sẽ lo hộ nghèo”.

 Tương tự, Đảng bộ - Chính quyền huyện Nhà Bè chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng việc huy động tối đa nguồn lực và sự chung tay của các tổ chức, cá nhân nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Điểm nổi bật ở đây là tinh thần thi đua từ các đơn vị đoàn thể trên địa bàn huyện. 5 năm gần đây, Đoàn thanh niên xã Hiệp Phước đã vận động trao tặng 14 căn nhà tình bạn, hỗ trợ việc làm cho trên 1.000 thanh niên, Ủy ban MTTQ xã Phước Kiển từ năm 2017 đến nay đã huy động hiệu quả nguồn lực trao tặng gần 1.900 phần quà tặng hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã với tổng số tiền hơn 1 tỷ 500 triệu đồng. Ông Bùi Trung Hiếu – Chủ tịch UBND xã Phước Kiển, cho rằng: “Điều quan trọng là thu nhập bình quân đầu người, mức sống của người dân qua các năm được nâng lên thông qua việc ban hành các Nghị quyết, chủ trương, kế hoạch thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm, hành động cụ thể thiết thực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương. Trong đó, chúng tôi bên cạnh phát huy sức nội tại của hệ thống chính trị cũng phát huy sức mạnh, sự tham gia đồng thuận của cộng đồng mà vai trò, chủ thể tích cực của người dân chủ động hiến đất làm đường, trong việc chủ động xây dựng chương trình, mô hình sản xuất kinh doanh để hướng tới thoát nghèo bền vững”.

Còn ở huyện Bình Chánh, Đảng bộ - Chính quyền địa phương chú trọng xây dựng từng mô hình chuyển đổi, sản xuất hiệu quả phù hợp theo điều kiện từng địa bàn dân cư. Như làng nhang Lê Minh Xuân là nơi kiếm sống của gần 150 gia đình nay được định hướng sản xuất tập trung để tăng thu nhập cho hội viên. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các làng nghề trở thành hình thức phấn đấu thi đua thực tiễn của đoàn thể địa phương, góp phần đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Bà Võ Thị Hồng Cúc – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thông tin: “Đối với mô hình sẵn có tại địa phương thì trong thời gian tới với vai trò MTTQ thì bên cạnh những công tác phương hướng hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất đồng thời cũng tạo điều kiện cho tổ hợp tác, tổ trưởng và các thành viên có nhu cầu vay vốn thì được giới thiệu từng cơ sở, các nguồn vốn của Thành phố và địa phương để làm sao tạo mọi điều kiện cho tổ hợp tác duy trì và càng ngày phát triển hơn, làm sao cải thiện cuộc sống của người dân tốt hơn theo tiêu chí Thành phố”.

 

Là huyện ven biển duy nhất của TPHCM, Cần Giờ luôn tích cực tập trung huy động các nguồn lực xã hội. Trọng tâm là huy động nguồn lực từ nhân dân cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện đạt gần 44 triệu đồng một năm. Ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nhấn mạnh định hướng phát triển của địa phương: “Chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các dịch vụ du lịch. Chúng tôi cho rằng chỉ có đẩy mạnh dịch vụ du lịch mới phát triển kinh tế và đảm bảo được chương trình giảm nghèo bền vững. Như vậy phải tạo được môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch văn minh lịch sự, kiên quyết chấn chỉnh nạn chèo kéo khách, hay bán hàng không đúng chất lượng, tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Thành phố. Chúng tôi sẽ phối hợp với các chủ đầu tư đánh giá sự cần thiết, cấp bách của các dự án đầu tư trên địa bàn huyện để tạo điều kiện hỗ trợ cho các dự án được triển khai”.

Giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu tập trung nâng chất tiêu chí nông thôn mới đã giúp 5 huyện ngoại thành TPHCM đề ra những cách làm cụ thể hơn dựa trên nền tảng từ giai đoạn trước. Bức tranh tổng thể xây dựng nông thôn mới Thành phố nhờ vậy trở thành nơi hội tụ của ý chí đồng lòng, chung sức từ Đảng bộ - Chính quyền các cấp,  người dân và các nguồn lực xã hội. Tất cả đều không ngừng đóng góp công sức, nỗ lực phấn đấu nhằm tạo ra những giá trị thiết thực nhất cho khu vực ngoại thành.

Minh Phước

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo mới