Từ kết quả này, TP.HCM hiện đã không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn quốc gia. Phóng sự của Phóng viên Lệ Loan.
Tại các xã nông thôn của TPHCM đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nông dân thoát nghèo như: Mô hình nuôi bò sinh sản, sản xuất mây tre lá, buôn bán nhỏ, nuôi cá cảnh, trồng rau mầm, trồng rau an toàn…Với nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, 5 năm qua đã giúp hơn 3.000 tỷ đồng cho hơn 90.000 lượt hộ nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Từ đó, hàng ngàn nông dân đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả. Vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ này, bà Trần Thị Phải, ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 đã đầu tư sản xuất rau mầm tại nhà với diện tích 50 m2. Đến nay, cơ sở sản xuất rau mầm của gia đình bà mở rộng 200 m2 với hệ thống nhà lưới, phòng thu hoạch, sơ chế đạt tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho thị trường gần 18 tấn rau mầm với doanh thu 700 triệu đồng:
Vay vốn nuôi bò từ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, chỉ vài năm, gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, ở xã Vĩnh An, huyện Củ Chi đã trả hết nợ. Từ một hộ cận nghèo, bây giờ gia đình ông đã có cuộc sống ổn định. Đàn bò của gia đình đã tăng lên 5 con, với trị giá gần 90 triệu đồng.
Tại huyện Hóc Môn, hộ bà Nguyễn Thị Hương vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo đã thoát nghèo nhờ sử dụng đồng vốn vay để mở quán buôn bán. Ðến nay, bà đã trả hết nợ, con cái được học hành tới nơi tới chốn.
Tính đến cuối tháng 8/2017, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM đạt hơn 2.900 tỷ đồng. Dư nợ tập trung cho vay vào 6 lĩnh vực tín dụng chiếm trên 99% trên tổng dư nợ, bao gồm: Hơn 800 tỷ đồng dành cho chương trình vay vốn hỗ trợ việc làm; gần 600 tỷ đồng cho vay Quỹ xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn hơn 500 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi; giúp trên 88 ngàn lượt học sinh sinh viên được vay vốn để học tập… Bà Trần Thị Tuyết Nga, Tổ trưởng tổ tiết kiệm, vay vốn phường 11, quận Gò Vấp cho biết “khi nhận được nguồn vốn, trong tổ của tôi đã hỗ trợ 12 hộ giải quyết việc làm và 13 hộ học sinh sinh viên đang trong thời gian trả nợ, vừa trả nợ vừa tiết kiệm luôn. Nhờ vậy mà tất cả gia đình học sinh sinh viên đều phấn khởi”.
Từ 3 chương trình tín dụng, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có 10 chương trình phục vụ nhu cầu vay vốn ưu đãi của người nghèo với gần 5.800 tỷ đồng. Bình quân cho vay 410 tỷ đồng mỗi năm. Tổng doanh số thu nợ đạt gần 3.700 tỷ đồng. Trong hơn 15 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM đã hỗ trợ cho 1 triệu 300 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, giúp nhiều hộ nghèo ổn định việc làm, từng bước nâng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TPHCM, nhìn nhận “bằng các chương trình tín dụng hết sức ưu đãi cho bà con nghèo, các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, vượt chuẩn nghèo cũng được hỗ trợ. Các đối tượng có nhu cầu vay vốn đã tự tạo việc làm trong nước hoặc đi lao động nước ngoài. Hoặc các đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đều được vay vốn học tập, không để bất kỳ em học sinh nào nghỉ học vì không có tiền đóng học phí…”
Đến cuối năm 2016, TP không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia, cơ bản không còn hộ cận nghèo quốc gia và còn hơn 50.000 hộ nghèo, chiếm hơn 2,5%, gần 47.000 hộ cận nghèo, chiếm hơn 2% tổng số hộ dân theo chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020. Ông Nguyễn Văn Xê, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM; nguyên Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP, cho hay “TP.HCM trực tiếp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố. Tính theo chuẩn nghèo thu nhập, do đó giải pháp hỗ trợ 14 giải pháp chủ yếu, tác động giúp người dân sản xuất làm ăn, tích lũy, nâng cao cuộc sống, từ đó mới vươn được chuẩn nghèo”.
Với nguồn vốn hỗ trợ này, đã có thể cho vay quay vòng các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 225 ngàn lượt hộ thoát nghèo qua các giai đoạn. Giải quyết việc làm cho hơn 220 ngàn lao động; hỗ trợ 56 ngàn hộ bị thu hồi đất có vốn làm ăn; cải tạo xây dựng mới hơn 106 ngàn công trình nước sạch; và 103 ngàn công trình vệ sinh ở vùng ngoại thành trên địa bàn thành phố; giúp gần 12 ngàn hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang đô thị; sửa chữa nhà ở, phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn cho gần 300 người sống chung với HIV, người sau cai nghiện ma túy, gái mại dâm hội nhập cộng đồng.