Sân khấu sáng đèn–Không thể thiếu sự hỗ trợ của truyền thông (Kỳ 1) – Thời sự 5g30 12/9/2020

(VOH) - Nếu nghệ sĩ giữ vị trí then chốt trong hoạt động biểu diễn thì truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tác phẩm đến công chúng.

Trong nhiều cuộc tọa đàm diễn ra tại Hội sân khấu  thành phố, nhiều văn nghệ sĩ đã đề cập đến vai trò cũng như trách nhiệm của lực lượng truyền thông trong quá trình song hành cùng sàn diễn. Làm sao để mỗi bài báo phản ánh chân thực đời sống sân khấu, gắn kết được khán giả và tác phẩm. Để quý vị có thêm góc nhìn cụ thể về vấn đề này chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến của văn nghệ sĩ, đạo diễn và những nhà báo chuyên viết sân khấu qua phóng sự 3 kỳ: Sân khấu sáng đèn – Không thể thiếu sự hỗ trợ của truyền thông”.

Kỳ 1: Bắc cầu cho khán giả và vở diễn

Sân khấu khó khăn là điều không bàn cãi, nhưng gần 1 năm qua, nỗi khó khăn đó thêm chồng chất do dịch bệnh Covid -19. Không vì thế mà buông tay, nghệ sĩ cố gắng hết sức để giữ sân khấu sáng đèn, dù chỉ là trạng thái cầm chừng. Trong sự nỗ lực đó truyền thông đóng vai trò không nhỏ để  giữ mối dây liên kết cùng công chúng. Nhiều quản lý sân khấu khẳng định, họ không thể nào bán vé, biểu diễn nếu như thiếu sự quan tâm của báo chí. Vai trò của nghệ sĩ là sáng tạo để phục vụ công chúng thì truyền thông giữ vị trí đồng hành, kết nối nhu cầu người thưởng thức.

Nghệ sĩ có thể hy sinh quỹ thời gian, công sức và sở thích riêng chỉ để mang đến những tác phẩm chỉnh chu, sống động. Đó là chuyên môn, riêng về khía cạnh quảng cáo, giới thiệu, mời gọi người thưởng thức phải cần đến sự chia sẻ từ báo chí. NSUT Mỹ Uyên – Giám đốc Sân khấu nhỏ 5B khẳng định: “Ngay thời điểm này, nếu các anh chị phóng viên mà ủng hộ tích cực các sân khấu, chứ nếu chê là khán giả bỏ luôn, không bán vé được.Nói thật, người xem vào sân khấu, họ đánh giá tác phẩm, chỉ cần 70% là mình đã có thể bán vé. Các anh chị phóng viên viết trên góc độ đúng, cái nào không hay cứ thẳng thắng chê, nó phải có điểm nhấn. Có nhiều bài các anh chị cũng đặt những câu hỏi giá như: giá như chỗ này thế này, giá như chỗ kia thế kia… thì chính vì sự thắc mắc tò mò đó nên khán giả họ cũng sẽ đến xem. Và đây là giá trị thật chứ không phải là giải trí đơn thuần”.

Quả thật đúng là như vậy. Tác phẩm dù hay ra sao, có tâm huyết cỡ nào, nhưng không có khán giả thì cũng bằng không. Chính sự đồng hành của  lực lượng truyền thông góp phần đưa khán giả đến với sàn diễn. Thông qua những bài viết giới thiệu về tác phẩm từ tiền kỳ đến hậu kỳ, người yêu sân khấu hiểu hơn về những chắt chiu, ý tưởng cũng như  thông điệp  mà đạo diễn gửi gấm. Dĩ nhiên bài viết của cánh báo chí không phải là tất cả, khán giả có thể chọn xem hoặc không xem, thích hoặc không thích. Nhưng ở khía cạnh lý luận phê bình, những bài phân tích của báo chí giúp khán giả có sự lựa chọn tốt hơn việc sẽ xem tác phẩm nào?

Đạo diễn Phan Quốc Kiệt - Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang nhấn mạnh: “Về đội ngũ làm nghề thì chúng ta chỉ biết làm thế nào cho nó hay, cho nó hấp dẫn và đúng, cho nên sân khấu phải cần thêm kênh để kết nối sân khấu với khán giả. Ví dụ như có một kênh nào giới thiệu về hậu trường vở diễn, tải lượng sự kiện, như vậy thì khi vở diễn ra mắt nó sẽ thu hút nhiều công chúng hơn, nhất là công chúng trẻ”

Thành công của hoạt động sân khấu là kết quả của tập thể, không thể nói của riêng ai. Nhưng quả thật, chính những bài phê bình, đánh giá của lực lượng phóng viên đã giúp khán giả hiểu hơn về sự đa dạng và nhộn nhịp của sàn diễn. Vậy nên, để có thể là tấm gương phản chiếu chân thực những  hoạt động sân khấu, người viết cần phải là người có chuyên môn và luôn trong sáng trong những bình luận khen chê. Vì độ tin cậy mà khán giả dành cho những bài báo là gần như tuyệt đối, nhất là với những người dành tình cảm đặc biệt cho sân khấu. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt - Giám đốc sân khấu Sen Việt cho rằng: “Chính bản thân chúng tôi luôn tìm cách hỗ trợ nhau trong các mặt để làm sao chúng ta có thể thực hiện được hoài bảo của mình dù phía trước thật sự còn rất nhiều khó khăn. Và tôi ở vị trí của người sản xuất, thực hiện ra tác phẩm nên rất mong muốn sự ủng hộ của lực lượng phóng viên báo chí, lực lượng phê bình giúp chúng tôi đi đúng định hướng”.

Yêu sân khấu, yêu từng nghệ sĩ, mỗi vị khán giả là một niềm động viên lớn cho nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, làm nghề. Và hành trình đó luôn có bóng dáng của những nhà báo viết về sân khấu, họ chia sẻ đến khán giả những thông tin chân thực và kịp thời nhất, họ xem đó là một sự đồng hành và bắt cầu cho người sáng tạo và người thưởng thức gặp nhau. NSND Minh Vương, ông có hành trình hơn 50 năm theo nghề, bày tỏ sự trân trọng dành cho lực lượng phóng viên, nhất là những người chuyên lĩnh vực sân khấu. “Tôi cảm thấy vai trò của báo chí rất quan trọng đối với anh em nghệ sĩ chúng tôi, như tôi được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân cũng nhờ vào báo chí. Chứ nếu không chắc tôi sẽ buồn lắm. Cho nên tôi rất cảm ơn báo chí, vì có báo chí ủng hộ nên bản thân tôi mới có được như ngày hôm nay”.

Hành trình của người nghệ sĩ là đi tìm giá trị nghệ thuật, những điều đủ hấp dẫn và ý nghĩa cho công chúng. Với sân khấu xã hội hóa, hành trình đó thật sự không dễ, vì ngoài cái gọi là đam mê, họ phải có kinh phí đủ để quán xuyến mọi thứ, đảm bảo cho sự sống còn của đơn vị. Còn hành trình của truyền thông là chia sẻ thông tin, kết nối người hâm mộ để giới sân khấu có thêm điểm tựa tiếp tục làm nghề, giữ nghề từ những sân khấu vốn đã rất quen thuộc như: Edicaf, 5B, Thế Giới trẻ, Hồng Vân, Sen Việt cho đến nhiều sân khấu trẻ hơn sau này. Nhà báo Thanh Hiệp - Trưởng ban lý luận phê bình Hội sân khấu thành phố khẳng định, sự nở nồi và không ngừng phát triển của nhiều sân khấu thành phố là nhờ sự đóng góp không nhỏ từ giới báo chí. “Vai trò rất lớn của phóng viên hiện nay là nâng cao  ngòi bút của mình trong lĩnh vực lý luận phê bình, và nâng cao tính truyền thông để đem đến cho đọc giả, khán giả những nhận định chân thực nhất, về tính thẩm mỹ qua từng tác phẩm. Qua từng bài viết đó cũng định hình cho người xem những giá trị thẩm mỹ để họ có thể tiếp nhận và đồng hành với chúng ta trong việc xây dựng tác phẩm, vì khán giả là thành phần thứ 3 tạo nên thành công của một thánh đường: Nhà hát, nghệ sĩ và công chúng. Công chúng hiện nay họ thiếu định hướng qua những ngòi bút về lý luận phê bình để giúp nâng co suy nghĩ của họ khi mà người viết thâm nhập vào bếp núc sáng tác, khuynh hướng sáng tác, khuynh hướng dàn dựng của từng sân khấu”

Và chiếc cầu nối cho khán giả và công chúng không chỉ bắt đầu từ những bài viết khen chê mà còn từ trái tim làm nghề chân chính. Thông qua từng bài viết, từng phong cách viết khác nhau, truyền thông tiếp tục đồng hành và tiếp lửa để các sân khấu dễ dàng đi đến trái tim công chúng.

Ngọc Thu

VOH

Bình luận

Đọc Báo