Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng (Kỳ 1) - Thời sự 05g30 19/6/2021

(VOH) - Đồng hành cùng công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, báo chí là lực lượng luôn ở tuyến đầu, là vũ khí sắc bén và đã vào cuộc mạnh mẽ.

Qua đó, khích lệ tinh thần đấu tranh chống tham nhũng trong toàn xã hội để cho mọi người, các tầng lớp nhân dân được giám sát và được tham gia vào công cuộc đấu tranh này, thúc đẩy dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.

Tuy nhiên, báo chí vẫn còn những hạn chế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Hơn nữa, trong quá trình tác nghiệp, nhà báo gặp phải vô vàn những khó khăn, thách thức. Vậy phải làm thế nào để có cơ chế bảo vệ các nhà báo một cách hữu hiệu để khích lệ họ dấn thân, đấu tranh với tiêu cực trong xã hội, qua đó góp phần phát huy hơn nữa vai trò tiên của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? 

Để làm sáng tỏ hơn về vấn đề này, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) tổ chức tọa đàm với chủ đề "Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công cuộc đấu trang phòng, chống tham nhũng và tiêu cực”, với sự tham gia của các vị khách mời:

  • Bà Lý Việt Trung - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM
  • Ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM
  • Nhà báo Phạm Thục – nguyên phóng viên Báo Sài Gòn giải phóng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phóng viên chính trị xã hội - Hội Nhà báo TPHCM.

***

* VOH: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới cũng đã chỉ rõ: “Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội”. Như vậy, vị trí, vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được định hướng rất cụ thể trong các nghị quyết của Đảng và được quy định rõ trong hệ thống luật pháp. Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí – xuất bản, ông Nguyễn Văn Khanh nhận xét, đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong giai đoạn hiện nay?

- Ông Nguyễn Văn Khanh: Ngay từ khởi xướng công cuộc đổi mới của đất nước từ năm 1986, thì Đảng ta đã xác định có vai trò rất quan trọng của báo chí trong việc góp phần làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, bằng những bài viết kịp thời, sắc sảo trong các chuyên mục “Những việc cần làm ngay” thì đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trực tiếp sử dụng báo chí như một vũ khí đắc lực để góp phần chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tham ô, tiêu cực và ủng hộ các nhân tố mới, việc làm mới nhằm mang lại tính thiết thực cho cả nước và cho nhân dân.

Để góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cam go và phức tạp này thì Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 6 (lần 2) khóa 7 cũng đã xác định báo chí là một trong những thế hệ thống giám sát xã hội và đặc biệt là sự giám sát của công luận đã mở ra một cánh cửa mới cho báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn cùng với toàn Đảng toàn dân nhằm đẩy lùi tham nhũng khỏi bộ máy công quyền và đời sống xã hội.

* VOH: Cảm ơn ông Nguyễn Văn Khanh. Còn với vai trò là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của giới báo chí TPHCM. Thưa bà Lý Việt Trung, bà có những chia sẻ gì về vấn đề này?

- Bà Lý Việt Trung: Thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cũng đã thể hiện được cái vai trò rất là tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng. Với vai trò của Hội Nhà báo đã cùng đồng hành với các cơ quan báo chí tham gia tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua Hội Nhà báo TPHCM cũng đã chú trọng thực hiện có hiệu quả các nội dung như: Thông qua chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí, Hội Nhà báo đã thường xuyên khuyến khích nhà báo về tích cực phát hiện phản ánh các vụ tham nhũng, tiêu cực đồng thời vạch trần những mưu đồ, hành động lợi dụng chống tham nhũng để xuyên tạc kích động, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ của ta.

Hội nhà báo cũng đã thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn công dân thực hiện các khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật đấu tranh với những hoạt động công vụ sai lệch vì mục đích tham nhũng; đặc biệt là Hội cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các giải báo chí về phòng chống tham nhũng lãng phí, qua đó vừa động viên giới báo chí tham gia thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống tham nhũng nhưng cũng vừa lựa chọn được những tác phẩm tốt cung cấp thêm thông tin kiến thức kinh nghiệm để thúc đẩy cuộc đấu tranh này ngày càng hiệu quả.

* VOH: Được biết, Nhà báo Phạm Thục bà là một cây bút dày dạn kinh nghiệm, nổi danh ở mảng nội chính với rất nhiều tác phẩm viết về đề tài đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bà từng là tổ trưởng tổ phóng sự điều tra thuộc báo Sài Gòn Giải phóng. Hiện bà là chủ nhiệm Câu lạc bộ phóng viên chính trị xã hội – Hội nhà báo TPHCM. Đến với buổi Tọa đàm hôm nay, xin bà chia sẻ với quý thính giả nghe Đài một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm báo của mình?

- Nhà báo Phạm Thục: Thực ra không phải là chỉ mình tôi mà rất nhiều nhà báo khác khi đã nhận nhiệm vụ của Ban biên tập giao cho là phóng viên phụ trách lĩnh vực điều tra hoặc là phóng viên mảng chính trị xã hội thì ai cũng muốn rằng mình sẽ đem đến cho xã hội một cái nhìn tốt đẹp hơn. Do đó, khi tham gia nhiệm vụ chống tham nhũng hoặc chống các biểu hiện tiêu cực ở trong xã hội thì điều đầu tiên tôi thấy rằng: phóng viên cần phải có tinh thần dấn thân và phải có tinh thần trách nhiệm rõ ràng đối với xã hội và uy tín danh dự của nhà báo đối với độc giả.

Anh Nguyễn Văn Khanh vừa nói, từ Đại hội 6 của Đảng năm 1986, đồng chí Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh đã đưa ra các chuyên mục mà chúng tôi lấy đó làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình, đó là chuyên mục “Nói và làm”,  hồi đó, khi viết những bài viết trong chuyên mục này thì mặc định rằng phải ký chữ “NVL” ở phía dưới chuyên mục, thì mọi người rất thắc mắc và cứ hỏi là chữ này có ý nghĩa gì, người thì hỏi đây có phải tên ông Nguyễn Văn Linh hay không hay là tên nhà báo nào đó, còn có người lại nói đây là viết tắt của chữ “Nói và làm”.

Vì vậy, chữ NVL này mang rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Người dân sau này rất hồ hởi phấn khởi vì một tinh thần mới, một cuộc chiến đấu mới là trong báo chí, trong xã hội. Và nhà báo chúng tôi như bắt được xu thế mới đó và chúng tôi như là được cởi trói, tức là chúng tôi được nói những điều mà mình thấy rằng cần phải nói cho mọi người biết, mình đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đôi khi nó cũng không phải cái gì lớn lao lắm mà chỉ là những điều thiết thân nho nhỏ thôi thì chúng ta phải chống chứ không phải là chờ đợi một đề tài rất lớn mới thực hiện; chúng ta phải chống tham nhũng từ những cái nho nhỏ như thế để rồi mới tránh được những tham nhũng lớn hơn.

* VOH:  Thưa các vị khách mời! Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. Cho dù còn có những hạn chế, bất cập của việc báo chí tham gia chống tiêu cực, tham nhũng, song phải khẳng định một điều, báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế cũng đã chỉ ra rằng, không phải lúc nào, cơ quan báo chí hay nhà báo nào cũng làm đúng, làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Vậy ông Nguyễn Văn Khanh suy nghĩ như thế nào về nhận định trên và ông có thể cho biết những nguyên nhân của những hạn chế này?

- Ông Nguyễn Văn Khanh: Theo tôi, thì bên cạnh những mặt đạt được của báo chí trong công tác tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì cũng còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, nhiều bất cập trong công tác truyền thông đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực. Trong đó, một số thông tin về phòng chống tham nhũng và tiêu cực còn nóng vội chủ quan, chưa điều tra kỹ lưỡng đã đưa tin gấy rối nhiễu dư luận và gây rối trong công tác xác minh, điều tra của cơ quan chức năng.

Chúng ta thấy rằng, vai trò của phóng viên, của các cơ quan báo chí cần phải xác định là việc đấu tranh phòng chống tham nhũng là việc làm cấp bách thường xuyên, liên tục và lâu dài, cần phải có cách làm bài bản, lựa chọn các phương pháp đấu tranh phù hợp với từng đối tượng và từng vụ việc cụ thể. Chúng ta không thể nóng vội và chủ quan. Ngoài ra cần đề cao tính trung thực, khách quan, đặc biệt là tính nhân văn và chuyên nghiệp trong các công tác truyền thông về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phải tránh tình trạng lợi dụng truyền thông đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để có những hành vi vụ lợi trong chính cơ quan báo chí của mình, trong chính hoạt động cá nhân mình, từ đó làm giảm uy tín và sức mạnh của người làm báo trên mặt trận đấu tranh này.

* VOH: Trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực thì hoạt động báo chí được coi là nghề nguy hiểm. Thực tế, khi dấn thân để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, nhà báo phải đối diện với vô vàn khó khăn, nhọc nhằn, thậm chí là cả hiểm nguy tính mạng luôn rình rập để tiếp cận công lý… Thưa nhà báo Phạm Thục, trong quá trình tham gia tác nghiệp của mình, bà đã gặp phải những khó khăn gì và đã xử lý ra sao, xin bà có thể chia sẻ cho các các vị khách mời cùng quý thính giả được biết?

- Nhà báo Phạm Thục: Phải nói rằng, đối với những phóng viên tham gia viết về lĩnh vực nội chính hay đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì phải chấp nhận 50 – 50, có nghĩa là 50 an toàn và 50 mất an toàn. Bởi vì cứ sau mỗi bài viết như vậy mà họ phát hiện ra thì đương nhiên là mình sẽ bị trả thù. Nhưng mà phải nói một điều như thế này, nếu ai cũng sợ thì cái ác, cái xấu đó tồn tại mãi thôi. Và tôi cũng thực sự rất là yêu thương và trân trọng những bạn phóng viên dám chấp nhận chọn con đường viết về chống tham nhũng, viết về điều tra, viết về nội chính. Bởi vì bên cạnh chuyện họ yêu nghề thì họ phải là có tinh thần dấn thân và họ phải cực kỳ dũng cảm.

Nhân đây thì cũng gửi lời cảm ơn rất nhiều đến cơ quan cũ của tôi là Báo Sài Gòn Giải phóng, đến các đồng chí lãnh đạo, đến các bạn đồng nghiệp cũng đã che chở cho tôi. Và đặc biệt xin gửi lời cảm ơn rất nhiều đến những bà con nhân dân. Khi họ thấy mình bị truy sát, mình la lên thì họ chạy ra họ cứu mình. Chứ còn nếu lúc đó mà không có người tốt xung quanh cứu mình thì mình sẽ rất là cô đơn. Điều đó có thể làm cho mình sẽ không còn dũng cảm nữa để làm tiếp công việc. Mình cũng hạnh phúc khi thấy rằng mọi người cũng đã đứng về phía mình, tức là việc của mình làm là đúng và bà con sẽ không bao giờ bỏ rơi những nhà báo tốt đâu, những nhà báo mà làm việc với cái tâm thì đương nhiên là xã hội sẽ bảo vệ họ khi họ gặp nguy hiểm.

* VOH: Cảm ơn nhà báo Phạm Thục và cảm ơn phần chia sẻ của các vị khách mời.

Hoàng Mai – Ngọc Bích

VOH

MC: Phú Sơn – Nhã Quỳnh

Bình luận

Đọc Báo