Nghề biên kịch - khó hay dễ (kỳ 2) - Thời sự 5g30 ngày 08/09/2019

(VOH) - Trong kỳ 2, Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ và nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Bích Phượng chia sẻ về sự bảo hộ quyền tác giả và cơ hội phát triển nghề.

VOH: Chúng tôi xin được hỏi về hiệu quả của các trại sáng tác, vì mỗi năm chúng ta có khá nhiều trại sáng tác, vậy từ những nơi này đã giúp đào tạo và phát triển những nhà biên kịch trẻ như thế nào? 

Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ: Có một thực tế là cũng có nhiều cây bút được phát hiện từ các trại sáng tác như thế này nhưng thú thật thì tìm một người thật sự giỏi thì hầu như là không có. Khá là buồn vì điều này. Tuy nhiên cũng có những người không trưởng thành từ trại sáng tác nhưng họ trưởng thành từ chính thực tế va chạm với nghề, ví dụ như bản thân tôi đây. Tôi nghĩ kịch bản viết ra có thể được dựng hoặc không được dựng, cái đó tính sau, cái đầu tiên là bạn phải dám viết những điều mà bạn đã nghĩ, tất nhiên là viết đúng. Đằng này bạn còn không dám diễn đạt ý tưởng, suy nghĩ thành con chữ thì khó mà thành công được. Tôi có cảm giác như truyền hình hôm nay đang dẫn một số lớp khán giả xuống đáy của thưởng thức nghệ thuật, tất nhiên bây giờ khi làm chương trình, người ta nghĩ nhiều về kinh tế nhưng mà phải làm sao để dẫn thị hiếu của khán giả đi lên. Nhiều lúc suy nghĩa, khi mình càng cố viết cái gì đó hay, cái gì đó đẹp thì càng khó đến với công chúng. Nhiều lúc tôi cũng nản.

Nhà lý luận phê bình Bích Phượng: Nói về nghề biên kịch phải nói là vô cùng, và dạy về nghề này thì càng khổ hơn, vì nghề này nói cho đúng là không dạy được, bạn chỉ có thể đưa ra những cấu trúc mà thế giới đã có, và viết được hay không là tự bản thân của mỗi người. Có bạn viết rất nhanh, nhưng có bạn là không thể. Hoặc có những bạn ban đầu viết được nhưng càng viết thì càng dở. Tôi nghĩ quan trọng là làm sao phải tạo cho người biên kịch một khoản lương sống được. Vì hình như là họ tự sống, tự làm chứ không có lương như nhân viên công ty, hay công chức.

VOH: Vậy thì mưu sinh có phải chăng là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều nhà biên kịch dễ dãi trong nghề viết.

Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ: Tôi nghĩ là tùy người, như bản thân tôi, khi mà đạo diễn có chút gì đó làm sai kịch bản là tôi đã thấy không hài lòng chứ đừng nói đến thỏa hiệp. Tôi cho rằng là tác giả phải có chính kiến, phải biết bảo vệ tác phẩm của mình và biết chọn con đường để đi. Chứ nếu bạn chọn dễ dãi, bỏ cái tôi của bạn vì kinh tế thì bạn sẽ khó mà phát triển nghề này được.

Nhà lý luận phê bình Bích Phượng: Viết được một con chữ là cả một sự trải nghiệm kinh khủng. Có người hiểu thì trân trọng, còn không hiểu thì lại bôi bẩn con chữ ra, đau đớn lắm. Nhiều bạn không biết cứ tưởng nghề này là dễ, nhưng không phải, đào tạo cả trăm người đôi khi được một người, có lúc còn không được người nào luôn.

VOH: Sự tôn trọng tác giả của đạo diễn cũng là yếu tố quan trọng không kém.

Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ: Nếu đạo diễn thêm thắt ý tưởng để nâng giá trị kịch bản thì điều đó quá tốt, còn nếu nó sai, nó làm giảm giá trị của kịch bản thì người tác giả phải dũng cảm lên tiếng nói 'không'. Tôi biết đôi khi nhiều người không lên tiếng vì họ còn phải mưu sinh và nhiều điều khác nữa. Nhưng theo ý kiến của riêng tôi thì dù trong hoàn cảnh nào người tác giả cũng cần phải có trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình. Chúng ta cũng có thể chạy theo thị hiếu chứ, nhưng với ngòi bút của mình, chúng ta phải nâng tầm thị hiếu của khán giả, hãy để khán giả đi theo thị hiếu đẹp, thị hiếu hay mà mình muốn định hướng cho khán giả. Chúng ta phải không ngừng học hỏi, phải luôn giữ tình yêu nghề thật mãnh liệt, giúp khán giả nâng tầm thị hiếu thưởng thức, viết ra những tác phẩm tử tế, như vậy thì nghề viết mới thật sự ý nghĩa.

Nhà lý luận phê bình Bích Phượng: Một buổi trao đổi thú vị và tôi vỡ ra được khá nhiều điều, đây là một trải nghiệm thú vị, để tôi có thể nói lại với học trò của mình, nói với các đạo diễn mà tôi có dịp làm việc chung rằng: Các bạn không đẻ ra câu chữ thì đừng đè nó xuống. Hãy cho nó tỏa sáng bằng hình tượng nghệ thuật.

VOH: Xin cám ơn nhà biên kịch Vương Huyền Cơ và nhà lý luận phê bình Bích Phượng. Chúng ta tôn trọng tác giả, đầu tư cho các nhà biên kịch là việc không thừa chút nào. Vì sân khấu này sẽ được trao lại cho thế hệ trẻ, vậy người trẻ hôm nay hãy trân trọng biên kịch, chúng ta nâng đỡ và đồng hành cùng nhau để sân khấu tìm được tiếng nói chung với công chúng. Hãy cùng thăng hoa và tìm đến trái tim khán giả. 

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo