Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam - Thời sự 17g00 10/8/2022

(VOH) - Ngày 10/8 hằng năm trở thành Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam.

Cách đây hơn 61 năm, ngày 10/8/1961, Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành phi vụ đầu tiên rải cái gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang” mở đầu cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Do đó, ngày 10/8 hằng năm đã trở thành Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam để nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam - dioxin TPHCM cũng đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022). Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM trong nhiều năm qua đã huy động toàn xã hội để chăm sóc, giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ vượt qua khó khăn.

Đồng thời, Hội tiếp tục đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam trong đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra.

TPHCM hiện có hơn 20.000 người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng chỉ mới có hơn 5.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hằng tháng; số còn lại hưởng mức trợ cấp cho người khuyết tật và cộng đồng chăm sóc, giúp đỡ... Tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam nhưng vẫn còn nhiều trường hợp gia đình có hai, ba thế hệ cùng chịu chung di chứng, cuộc sống hàng ngày gặp vô vàn khó khăn, rất cần sự chung tay tiếp sức từ cộng đồng, xã hội.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn đó, nó vẫn tồn tại đến bây giờ và dường như là mãi mãi dưới cái tên “Nỗi đau chất độc da cam”, chỉ có đất nước nào trải qua chiến tranh mới hiểu sự mất mát và cũng chỉ có gia đình nào không may có con, em bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam mới thấm thía được nỗi đau khổ và sự thiệt thòi.

Kỉ niệm 61 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 là dịp để khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam; cổ vũ, lan tỏa tinh thần “Thương người như thể thương thân”, để “Không ai bị bỏ lại phía sau”, biến nhận thức của mỗi người thành hành động cụ thể, thiết thực giúp đỡ nạn nhân vượt lên chính mình, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.

VOH

MC: Nhã Quỳnh – Quốc Toàn

Bình luận

Đọc Báo