Nét đặc sắc lễ hội người Hoa tại TPHCM - Thời sự 11g00 19/4/2020

(VOH) - Văn hóa của người Hoa ở quận 5 cũng như người Hoa ở thành phố nói chung là thành tựu, là bộ phận văn hóa trong kho tàng văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Quận 5 không chỉ là trung tâm thương mại dịch vụ, mà còn là một trong những trung tâm văn hóa của TPHCM. Cùng với quá trình cộng cư, sự đan xen và mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Hoa đã tạo nên những truyền thống và nét văn hóa đặc sắc riêng. Sắc thái văn hóa thể hiện khá đậm nét qua các di tích đền chùa, miếu mạo và các sinh hoạt lễ hội, mà đặc sắc nhất là những lễ hội của người Hoa.

Quận 5 là địa bàn cư trú tập trung của người Hoa vùng Gia Định và Sài Gòn xưa. Dọc đường Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo, các đường Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học ngày nay vẫn còn những di tích kiến trúc cổ, nhà ở, cửa hàng, đền miễu mang phong cách văn hóa của người Hoa. Văn hóa của người Hoa ở quận 5 cũng như người Hoa ở thành phố nói chung là thành tựu của bà con lao động người Hoa sinh sống từ nhiều đời trên mảnh đất Việt, là bộ phận văn hóa trong kho tàng văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Văn hóa văn nghệ người Hoa quận 5 và của thành phố nổi bật lên những sinh hoạt lễ hội truyền thống và mang tính dân gian đậm đà. Trong năm, người Hoa có nhiều ngày lễ hội, ngày Tết như: Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu (15 tháng Giêng Âm lịch), Thanh Minh (tháng Ba), Đoan Ngọ (mùng 5 tháng Năm), Trung thu, Trùng cửu (9 tháng Giêng)… Rồi các ngày vía Quan Công (13 tháng Giêng), vía Bà Thiên Hậu (23 tháng Ba), vía Ngọc Hoàng (9 tháng Giêng). Trong đó, Lễ hội Nguyên Tiêu hay còn gọi Lễ Thượng nguyên, Lễ Hoa đăng là một trong những ngày tết, lễ hội cổ truyền của người Hoa từ rất lâu đời. Đây cũng là lễ hội cổ truyền của nhiều nước trong khu vực châu Á. Lễ hội Nguyên tiêu cũng quan trọng không kém so với tết Nguyên Đán, đây là dịp để gia đình đoàn viên, mọi người ngồi lại với  nhau ăn bánh trôi, ngắm trăng, làm thơ, múa lân sư rồng…

Ông Quách Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 5 cho biết thêm: “Lễ hội Nguyên Tiêu là nét văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Hoa. Đó là dịp để chúng ta sum họp bên gia đình và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới để đón năm mới nhiều điều may mắn, thuận lợi, bình an. Với ý nghĩa đó, quận 5 thường tổ chức các hoạt động nguyên tiêu để phục vụ cho đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa nói riêng và của nhân dân quận 5, TPHCM nói chung”.

Địa bàn quận 5 có khoảng 35% đồng bào dân tộc Hoa. So với đồng bào các dân tộc anh em khác, đồng bào người Hoa chiếm tỉ lệ khá cao. Trong dịp Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên tiêu, ở nhà, ở các đền miếu cổ xưa nổi lên một màu đỏ rực rỡ các tờ thiếp, bức hoành phi, đại tự, các khung cửa sơn son thếp vàng xen lẫn màu xanh của hoa lá, của mái ngói chùa miếu.

Ông Phạm Quốc Huy – Chủ tịch UBND quận 5 cho hay, Lễ hội Nguyên Tiêu gắn với đồng bào Hoa từ khi lập nghiệp đến nay đã hơn 300 năm. Lễ hội có từ lâu đời, đã được tiếp biến trên địa bàn quận, được truyền giữ, phát huy thành Lễ hội: “Liên tục 30 năm, năm nào quận 5 cũng hỗ trợ cùng với Ban Quản trị các Hội quán, cùng với đồng bào Hoa và các dân tộc khác tổ chức Lễ hội Nguyên Tiêu này. Lễ hội Nguyên tiêu cũng được tiếp biến với văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn quận 5. Qua lễ hội cũng có thể thấy rằng, nét văn hóa dân tộc Hoa vẫn là chủ đạo, tuy nhiên, xen lẫn đó vẫn có nét văn hóa của đồng bào dân tộc anh em trên địa bàn. Và trong suốt 30 năm đó, Lễ hội Nguyên Tiêu cũng trở thành điểm nhấn văn hóa trên địa bàn quận 5 và là món ăn tinh thần không thể thiếu được của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn quận, của du khách trong nước và quốc tế”.

Lễ hội người Hoa là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng với nhiều hình thức. Vào ngày Tết, ngày vía Bà, tại các chùa tổ chức rước di tượng Quan Công, bà Thiên Hậu đi vòng khắp các phường, các khu dân cư đông người Hoa, lễ rước với kiệu hoa trang trí, các nghi tượng, đội kèn đồng, đội múa lân, múa sư tử. Múa lân, sư, rồng là nghệ thuật đặc sắc của người Hoa có sự kết hợp chặt chẽ giữa âm nhạc, vũ đạo, võ thuật… với sự biểu diễn điêu luyện của một tập thể nghệ nhân.

Nói về nghệ thuật múa lần này, nghệ nhân dân gian Lương Tấn Hằng – Trưởng đoàn nghệ thuật múa lân sư rồng Hằng Anh Đường ở TPHCM chia sẻ: “Thường những bài lân như Hằng Anh Đường biểu diễn, người ta sẽ thích những bài như Tứ quý bình an, ngũ phúc lâm môn. Tứ quý bình an tượng trưng cho một năm bốn mùa, mang lại cho nhà mình hoặc trong xã hội an lành, bình an. Còn ngũ phúc là 5 con lân tượng trưng cho những điều tốt đẹp cho nhà mình. Nói chung những bài biểu diễn múa lân thường đặt những chủ đề tốt đẹp. Hồi xưa người ta biểu diễn thông thường, đơn giản, bây giờ cuộc sống càng lúc đòi hỏi cao hơn, nên chúng tôi làm những bài biểu diễn màu sắc, rộn ràng, quy mô hơn để hấp dẫn và thu hút khán giả. Như tứ quý lân ngày xưa chỉ biểu diễn dưới đất thôi. Bây giờ xây dựng 3 cái bàn, tượng trưng cho mỗi năm cầu tiến cho công việc hàng ngày, hàng năm, khán giả cũng sẽ yêu thích hơn bài biểu diễn của mình”.

Lễ hội người Hoa là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương của đồng bào người Hoa với đồng bào người Việt và các dân tộc anh em trong cộng đồng Việt Nam. Đây cũng là lễ hội mang đậm dấu ấn của vùng đất Chợ Lớn đã được cộng đồng người Hoa ở quận 5 duy trì, phát triển trong nhiều năm qua.

Lệ Loan

Bình luận

Đọc Báo