Nâng cao chất lượng xây dựng luật - Thời sự 17g00 25/3/2021

(VOH) - Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là việc nâng cao chất lượng xây dựng các luật, để các đạo luật ổn định và có tuổi thọ dài hơn.

Tiếp tục chương trình làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là việc nâng cao chất lượng xây dựng các luật, để các đạo luật ổn định và có tuổi thọ dài hơn. 

Các đại biểu đều có chung nhận định: nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) có nhiều sự sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, quyết định các vấn đề quan trọng và đối ngoại; thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Các đại biểu cũng cho rằng: trong nền kinh tế thị trường, việc xây dựng các luật bộ luật rất quan trọng, đó là điều kiện để phát triển lành mạnh, các thành phần kinh tế cạnh tranh công bằng. Thời gian qua, công tác lập pháp đã được quan tâm, tuy nhiên chất lượng các văn bản luật vẫn chưa đảm bảo, tuổi thọ chưa cao thường xuyên phải sửa đổi. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến: "Luật của chúng ta tuổi thọ ngắn, khi đưa thực tế thì hay nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Chúng ta phải nhìn lại quy trình làm luật. Khi giao cho Chính phủ làm luật thì mất đi tính khách quan.  Những người soạn thảo sẽ có khuynh hướng xây để có lợi sự quản lý của bộ ngành"

Dẫn ví dụ thực tế thời gian qua còn sự chồng chéo giữa Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật quản lý tài sản công, Luật đấu thầu… Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng trong thời gian tới cần xây dựng luật đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và dễ hiểu: “Là đại biểu QH, chúng tôi thấy đôi khi chúng tôi đọc còn phân vân không biết đúng sai. Trong điều kiện hiện nay luật còn chưa rõ ràng, không cụ thể, đồng bộ dẫn đến chồng chéo thì Bộ máy quản lý NN ở các Sở ngành không yên tâm khi đưa ra các quyết định tham mưu cho Lãn đạo. Cho nên cần đầu tư cho việc xây dựng luật, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp xây dựng luật…”

Thảo luận về Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, các đại biểu nhất trí cho rằng: Chính phủ đã tích cực, chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Chính phủ thể hiện sự tích cực, chủ động, đồng thời nhạy bén, linh hoạt trong xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động đánh giá đúng tình hình, đề ra các biện pháp đúng đắn, chỉ đạo thực hiện sát sao, hiệu quả, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng: thời gian qua, công tác giáo dục đào tạo vẫn còn nhiều tồn tại, cần đổi mới các phương pháp giảng dạy, tăng cường đào tạo các kỹ năng, ngoại ngữ và rèn luyện đạo đức cho học sinh, sinh viên. Đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết: Cử tri thường phản ánh đến chúng tôi về chất lượng giáo dục và đặc biệt là việc học thêm dạy thêm. Tôi không hiểu việc nâng cao chất lượng giáo dục như thế nào mà đến bây giờ học sinh vẫn phải đi học thêm từ lớp 1…”

VOH

Bình luận

Đọc Báo