Năm 2020: Một năm tỏa sáng của Việt Nam; Năm 2021: Nhiều vận hội mới - Thời sự 5g30 24/2/2021

(VOH) - Việt Nam trở thành một trong rất ít quốc gia đạt được tăng trưởng dương năm 2020, đây là một nền tảng quan trọng để bước vào năm 2021 với vận hội mới tốt đẹp hơn.

Theo dự báo, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ với GDP dự kiến tăng 6,5%. Đối với TP.HCM, năm 2021, Thành phố đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 6% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 đô la Mỹ; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên VOH phỏng vấn ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

*VOH: Thưa ông, năm 2020 có thể nói là năm khó khăn khi đại dịch Covid -19 kéo dài. Dù chịu tiêu cực của bất ổn và khủng hoảng toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững được ổn định vĩ mô, nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Ông nói gì về nhận định này?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, khoảng 200% GDO, do đó, chúng ta bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhờ chúng ta kiểm soát rất tốt đại dịch nhờ cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của Chính phủ và sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trong việc kiểm soát tốt đại dịch. Do đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ít hơn, thấp hơn so với các nước khác. Do đó, năm 2020, kinh tế thế giới âm 4,4%, tức là gây tổn thương đến kinh tế thế giới khoảng 6-7 ngàn tỷ đô la Mỹ. Kinh tế Việt Nam năm 2020 chúng ta tăng trưởng khoảng 2,5%/năm. Đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á và ASEAN 5, Việt Nam là nước tăng trưởng duy nhất, chúng ta trở thành 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2020.

*VOH: Có thể nói điểm sáng kinh tế Việt Nam trước hết nhìn ở mặt xuất khẩu. Năm 2020, Việt Nam đã xuất siêu gần 20 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp. Có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ đô la Mỹ và 31 mặt hàng trên 1 tỉ đô la Mỹ trong năm qua. Tuy nhiên, dường như chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức gia công?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Việt Nam đã xuất siêu 20 tỷ đô la Mỹ trong năm 2020. Trong đó, khu vực đóng góp nhiều nhất phải nói đến là khu vực đóng góp đầu tư nước ngoài, chiếm khoảng 65%, điều đó có nghĩa là Việt Nam đang tham gia dần vào chuỗi giá trị của toàn cầu, nhưng ở mức độ là gia công. Do đó thời gian tới, làm sao tăng giá trị gia tăng nhiều hơn trên thị trường Việt Nam. Muốn vậy, chúng ta phải đột phá hơn về công nghệ cao, phát triển các thành phần kinh tế trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, để gắn kết với doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, tạo được giá trị gia tăng thêm do người Việt Nam tạo ra.

*VOH: Năm 2021, động lực tăng trưởng có lẽ dựa trên việc ngăn chặn thành công đại dịch, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc phục hồi và kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với các hiệp định thương mại, nhất là EVFTA?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Mục tiêu của năm 2021 vẫn là mục tiêu kép, ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân. Chúng ta vẫn thực hiện quá trình đột phá về thể chế, để làm sao cho hệ thống Luật của chúng ta phải đồng bộ và mang tính chất lâu dài, tính ổn định, tránh sự xung đột giữa các Luật mà dưới sự xây dựng bởi các bộ ngành, như vậy làm sao chúng ta thể hiện vai trò độc lập hơn của Quốc hội trong việc xây dựng Luật pháp. Thứ hai cần đột phá về hạ tầng. Thời gian qua chúng ta đầu tư cho hạ tầng rất nhiều, nhưng đến giờ phút này thì hạ tầng giao thông, đặc biệt hạ tầng giao thông đường bộ vẫn là điểm nghẽn rất lớn làm tăng chi phí logistics. Mặt khác, trong thời đại cuộc cách mạng 4.0 thì hạ tầng của chuyển đổi số, phát triển chuyển đổi số lại càng quan trọng hơn. Đó cũng là vấn đề cần được quan tâm đầu tư. Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu kinh tế vẫn tiếp tục triển khai rộng rãi một cách sâu sắc hơn, giải quyết được bài toán hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, còn lại hãy để cho khu vực tư nhân phát triển.

*VOH: Riêng TP.HCM, ông có kỳ vọng và đề xuất gì để TP.HCM đạt được cực tăng trưởng mạnh, đóng góp vào nguồn ngân sách quốc gia?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Đối với TP.HCM, đại hội đảng bộ thành phố đã đưa ra nhiều chiến lược, định hướng và giải pháp cụ thể. Với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá là 8%, hướng đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của người dân thành phố là 8.500 đô la Mỹ. TPHCM là nơi đổi mới sáng tạo, hướng đến việc nâng cao đời sống người dân và là điểm đến hấp dẫn toàn cầu giai đoạn tới, 2030-2045. Và TPHCM triển khai 4 đề án lớn, đó là chương trình về đổi mới quản lý nhà nước, chương trình phát triển hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và cuối cùng là hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với 4 chương trình này thì TP.HCM đã chuẩn bị 51 đề án, và tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta triển khai tốt 51 đề án này, thì tất cả các mục tiêu của đại hội đưa ra là chúng ta sẽ đạt được.

Năm 2021, thành phố dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP là trên 6%, và GRDP bình quân đầu người là khoảng 6.500 đô la Mỹ. Thành phố lấy chủ đề năm 2021 là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn liền với việc triển khai mô hình chính quyền đô thị. Đây là hai mục tiêu rất lớn của năm 2021. Và nếu như chúng ta triển khai một cách hiệu quả, thì đây chính là động lực mới thúc đẩy kinh tế của thành phố. Bên cạnh đó, có những đề án cần sự hỗ trợ của trung ương. Cụ thể là đề án về điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM, vốn dĩ nơi mà sử dụng ngân sách hiệu quả nhất, chi ngân sách cho thành phố 1 đồng, thành phố sẽ tạo ra nguồn thu là trên 5 đồng. Nhưng thời gian vừa qua thì ngân sách trung ương đầu tư cho thành phố theo tỉ lệ giảm dần.

*VOH: Cảm ơn ông

Lệ Loan

Bình luận

Đọc Báo