Ký ức nước Nga luôn trong tim những lưu học sinh Việt - Thời sự 5g30 7/11/2019

(VOH) - Trong ký ức của các lưu học sinh Việt Nam từng học tập, nghiên cứu tại Liên Xô, nay là Liên bang Nga vẫn vẹn nguyên những hình ảnh về tình cảm trân quý với người dân Xô Viết.

Được vinh dự và tự hào khi được cử đi du học tại Nga từ khi còn trẻ đến nay đã hơn hàng chục năm, nhưng trong ký ức của các lưu học sinh Việt Nam từng học tập, nghiên cứu tại Liên Xô, nay là Liên bang Nga vẫn vẹn nguyên những hình ảnh về tình cảm trân quý với người dân Xô Viết.

Tình cảm nồng hậu của những người dân quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã chắp cánh cho bao ước mơ, hoài bão tuổi trẻ của những lưu học sinh Việt Nam, trở thành nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Nga hôm nay. Bài viết “Ký ức nước Nga luôn trong tim những lưu học sinh Việt” của Phóng viên Minh Hiệp khắc họa rõ hơn tình cảm của những lưu học sinh Việt đối với đất nước Nga:

Chia sẻ với chúng tôi về những hồi tưởng, những ký ức của một thời thanh xuân được đến học tập, sinh sống tại xứ sở Bạch Dương xinh đẹp và ấm áp tình người, những lưu học sinh đều nhấn mạnh đó là cảm tưởng và ký ức về Liên Xô cho đến giờ vẫn vô cùng đẹp đẽ và tất cả đều là ấn tượng đẹp. Đất nước Liên Xô thời đó rất thanh bình và cuộc sống vô cùng yên ả, xã hội rất tốt đẹp. Con người Liên Xô có nhân cách rất tốt đẹp, cách đối xử với những học sinh Việt rất nhiệt tình, kể cả là các thầy cô giáo cho đến người dân Liên Xô. Họ rất là thương nước mình, thương người Việt Nam, họ giúp đỡ tận tình, như anh em bà con; như cha như mẹ của mình.

Đất nước Nga với rừng bạch dương ngút ngàn và con người thân thiện đã luôn để lại những ấn tượng sâu đậm với bất kỳ du học sinh người Việt nào. Ông Lê Lộc, từng công tác tại Cục Hàng hải Việt Nam đã sang Liên Xô du học ngành hàng hải tại Đại học hàng hải Odessa niên khóa 1969 -1975. Bản thân ông có rất nhiều kỷ niệm đối với nước Nga hôm nay và Liên Xô cũ ngày trước. Cuộc Cách mạng tháng 10 Nga đem lại cho nước Nga nhiều thay đổi và mang lại nhiều thay đổi cho thế giới và cả Việt Nam. Ông Lộc rất biết ơn nước Nga ngày nay và Liên bang Xô Viết trước kia với những kỷ niệm không bao giờ phai mờ, bởi qua quá trình học tập tại Nga đã giúp ông rất nhiều trong mục tiêu đóng góp công sức xây dựng tổ quốc: "Hầu hết du học sinh chúng tôi tại Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đều có 1 ý thức và nguyện vọng là đến Liên Xô để học tập và trở về giúp đỡ đất nước. Lúc đó chúng tôi cũng khẳng định rằng cuộc chiến tranh sẽ kết thúc và đất nước Việt Nam sẽ hòa bình thống nhất đất nước. Chúng tôi là những người mang những trọng trách, những tinh thần; những nhiệm vụ cao cả là học tập để về xây dựng đất nước. Sau khi học tập, sau năm 1975, chúng tôi học được những kiến thức cao siêu của thế giới và chúng tôi về Việt Nam tham gia kiến thiết đất nước và đóng góp 1 phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước".

Hơn 5 năm theo chương trình đào tạo về lĩnh vực giáo dục ở Nga từ năm 1974 – 1979, bà Nguyễn Thị Kim Thanh luôn lưu giữ trong lòng kí ức về quãng thời gian học tập ở đây. Bà nhắc về những thầy cô giáo Nga như những “người mẹ” đầy nhân hậu, nhiệt huyết trong giảng dạy và ân cần khi chăm sóc sinh viên Việt Nam của mình. Nhờ vậy mà bà cùng thế hệ thanh niên du học sinh người Việt du học tại liên bang Xô Viết đã được trải nghiệm, tích lũy kiến thức vô cùng quý báu để trở về phục vụ đất nước. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh hồi tưởng lời dặn của “người thầy” – “người mẹ” năm nào: "Chúng tôi sẽ đào tạo cho Việt Nam những người thật giỏi để về nước làm được thật nhiều, để có thể xứng đáng với những gì mà đất nước các bạn tạo điều kiện cho các bạn sang đây học tập, thì các bạn về nước phải làm việc thật tốt. Vì thế cho nên họ đào tạo cho mình rất nghiêm khắc chứ không có sự nhân nhượng".

Hơn sáu năm học tập tại Liên Xô đã để lại trong tâm trí ông Hoàng Minh Nhân, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga thành phố Hồ Chí Minh những tình cảm tốt đẹp về con người và tình cảm của người dân Xô Viết đối với các lưu học sinh Việt Nam. Ông Nhân được cử đi học Luật đến năm 1988 về nước và có may mắn được trở lại Nga 3 lần, cũng như các lưu học sinh Việt Nam đến Nga đi học đều mang trong mình trách nhiệm rất lớn đi học thật tốt để trở về phục vụ đất nước. Điều mà ông Hoàng Minh Nhân luôn khắc ghi, trân trọng trong lòng đó là tình cảm nồng ấm, sự giúp đỡ ân cần của các thầy, cô giáo, những người dân Xô Viết đã phần nào giúp cho nhiều thanh niên Việt Nam vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống nơi đất lạ, nuôi dưỡng ước mơ mang tri thức khoa học của thế giới về dựng xây quê hương: "Có một điều mà chúng tôi luôn luôn biết ơn nhân dân Nga và các thầy cô giáo Nga, trong những lúc chúng tôi học tập bên đó được sự quan tâm rất lớn của các thầy cô giáo, các bạn Nga và nhân dân Nga. Chúng tôi cảm nhận họ chăm sóc chúng tôi giống như những đứa con xa nhà, chính điều đó chúng tôi càng thôi thúc chúng tôi nỗ lực học tập vượt qua khó khăn để trở về phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Chúng tôi có tình cảm đặc biệt, coi những người bạn Nga, thầy cô giáo Nga và những bà mẹ Nga giống như người thân của mình".

Những lưu học sinh Việt ngày xưa bây giờ tóc đã bạc, nhiều người đã về hưu sau quá trình làm việc cống hiến vào sự phát triển chung của đất nước. Nhưng đối với họ, những hình ảnh về nước Nga, tình cảm của nhân dân Nga luôn trong tim mỗi người. Những ký ức sâu sắc của các lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô là một trong những ví dụ sinh động, hiện thực về mối tình đoàn kết, hữu nghị thủy chung của người dân Xô Viết đối với Việt Nam trong suốt những năm chiến tranh và sau này. Không chỉ những học sinh, sinh viên từng học tập tại Liên Xô, mà với toàn thể người dân Việt Nam, sự giúp đỡ hiệu quả, giàu tình nghĩa quốc tế vô sản mà nhân dân Liên Xô dành cho Việt Nam luôn khắc sâu trong tâm trí mọi người dân Việt Nam và là tiền đề vững chắc cho sự phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nga hôm nay.

VOH

Bình luận

Đọc Báo