Kỳ 3: Xây dựng hệ sinh thái trong đào tạo nhân lực số - Thời sự 5g30 16/8/2022

(VOH) - Với sứ mệnh của mình, các trường đại học đã có những sự thay đổi linh hoạt trong chương trình đào tạo.

Xu hướng đào tạo liên ngành, với sự bao trùm của công nghệ thông tin lên tất cả các ngành nghề, bên cạnh kiến thức chuyên ngành là những kỹ năng mới để trang bị hành trang cho một công dân số.

Các khách mời sẽ tiếp tục phân tích nội dung này trong Kỳ 3 của Toạ đàm “Hiến kế giải pháp nâng cao năng lực phục vụ chuyển đổi số”, nhan đề: “Xây dựng hệ sinh thái trong đào tạo nhân lực số”. Cùng sự tham gia của các khách mời: Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến; Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đan Thư, Trưởng khoa Công nghệ, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam.

*MC: Để đáp ứng yêu cầu, thách thức trong cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số của Việt Nam, cùng với nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin trong những năm sắp tới, thì bên cạnh chương trình đào tạo chúng ta vừa phân tích, theo các vị khách mời, nguồn nhân lực trong công nghệ mới cần được trang bị những kỹ năng số nào? Mời Tiến sĩ Trần Quý.

Tiến sĩ Trần Quý: Trước giờ, khi nói đến chuyển đổi số thì chúng ta thường hay nhắc đến trọng tâm là từ “số” mà chúng ta xem nhẹ từ “chuyển đổi”. Tuy nhiên, nên nhận thức rằng: “chuyển đổi” là trọng tâm, còn “số” là công cuộc. Tóm lại, trong chuyển đổi số thì chúng ta tập trung vào 3 yếu tố chính, một là yếu tố con người, yếu tố con người là quan trọng nhất. Yếu tố thứ hai là yếu tố thể chế, yếu tố thứ ba mới là yếu tố công nghệ. Trong đào tạo cũng vậy, tôi nghĩ rằng đầu tiên phải là con người, sau đó mới là phần thể chế, tiếp theo là phần công nghệ.

Đặc thù của Viện phát triển Kinh tế Số là đi làm chính sách, tư vấn, tham gia đào tạo, nên xem như Viện là cầu nối giữa doanh nghiệp, Chính phủ với thị trường đào tạo. Tôi xin đưa ra một số vấn đề. Thứ nhất, ở Thành phố Hồ Chí Minh thì cơ cấu tăng trưởng lực lượng lao động từ 2,3 - 2,5% mỗi năm và hiện nay khoảng 5 triệu người, như vậy nhu cầu rất là cao. Tuy nhiên sắp tới để đáp ứng được chính sách phát triển của nền kinh tế số ở Thành phố Hồ Chí Minh thì chúng ta tập trung vào các điểm chính ở đây đó là đào tạo nguồn nhân lực đầu tiên là về quản lý hành chính và quản lý đô thị, đầu tiên là cho người quản lý, cái đó rất quan trọng. Vì sao? Vì hiện nay, trong tính toán tỷ trọng trong kinh tế số thì lực lượng quản lý chiếm từ 1,8 - 2% nhân lực số. Và đặc biệt phải đào tạo vào mảng kinh tế số, phát triển Chính phủ số và cần phải huấn luyện gần như 100% lực lượng quản lý, phải hiểu về kinh tế số để quản lý được kinh tế số. Đầu tiên, anh muốn quản lý một công dân số thì anh phải hiểu về kinh tế số cái đã. Tất nhiên, tôi không nói là phải hiểu sâu về công nghệ nhưng phải hiểu về kinh tế số, đặc biệt là lực lượng quản lý. 

Thứ hai là nhân lực cho các ngành công nghệ, như lúc nãy tôi đã nói là ở Thành phố Hồ Chí Minh thì trong những năm tới cần 60% lượng nhân lực công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao, 60% phục vụ cho dịch vụ. Thì ở đây cũng gợi ý các trường tập trung vào đào tạo những ngành đang ưu tiên để phát triển kinh tế số như du lịch, tài chính ngân hàng, đặc biệt là hướng tới ngân hàng số, lĩnh vực công nghệ tài chính như là Fintech, kế toán, kiểm toán, logistics hay là chuỗi cung ứng rồi y tế, đặc biệt là các ngành kinh tế và quản lý, kinh doanh, dịch vụ nhưng hướng tới phần số.

Thứ ba, nhân lực cho khu vực công nghiệp thì bao gồm như là xây dựng, các ngành chủ yếu trong xây dựng như kỹ thuật tự động hóa, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu… Thì đây là những ngành nghề cần trong những năm tới trong việc phát triển kinh tế số.

Thứ tư, nguồn nhân lực nhóm ngành như là thương mại điện tử, công nghệ thông tin cũng là ngành phải đào tạo rất nhiều. 

*MC: Ở góc độ các cơ sở đào tạo thì các vị có đóng góp ý kiến như thế nào, mong muốn kỳ vọng gì ở Thành phố trong việc phối hợp hoặc hỗ trợ cơ chế để cho việc đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho Thành phố được tốt hơn? Xin mời Tiến sĩ Từ Minh Thiện.

Tiến sĩ Từ Minh Thiện: Đối với Trường Đại học Văn Hiến, chúng tôi quan tâm nhiều nhất là làm sao phải tạo cái tư duy và sự sẵn sàng đối với lực lượng giảng viên. Thời gian vừa qua, chúng tôi tập trung thay đổi tư duy và phương thức hoạt động làm việc của giảng viên và các cán bộ quản lý. Trong đó, thứ nhất là chúng ta thấy là làm việc hiện nay tất cả giảng dạy đều online và hiện nay mọi người bắt đầu rất quen thuộc với online mà trước đây hoàn toàn  không thích chuyện đó nhưng qua Covid bắt đầu thay đổi tâm thế, đã thấy tác dụng của dạy và học online. Thứ hai là chúng tôi số hóa toàn bộ bài giảng, những tài liệu giảng dạy có liên quan, dễ dàng trong việc sử dụng. Thứ ba là chúng tôi sử dụng các vấn đề liên quan đến công nghệ số như Microsoft Team, Base, Base Wework… để cho quen dần với các vấn đề sử dụng công nghệ số. 

Sau đó thì vấn đề rà soát chương trình đào tạo, chúng tôi nói lúc nãy phải thay đổi chương trình đào tạo, cập nhật vào trong đó. Và cuối cùng là sử dụng để bắt đầu xây dựng hệ sinh thái có liên quan đến chuyển đổi số. 

Hiện nay chúng tôi đang cố gắng trong vấn đề thay đổi tư duy, cách làm việc của các giảng viên nó sẽ truyền đạt cho sinh viên. Và thế là nó tạo thành một hệ thống, đối với sinh viên thì chúng tôi quan tâm nhiều nhất chính là hệ sinh thái chuyển đổi số, tức là về mặt Chính phủ cũng như về mặt các tổ chức, chúng ta phải bắt đầu xây dựng hệ sinh thái chung cả nước, trong từng tổ chức cũng phải có các hệ sinh thái nhỏ để có thể có những vấn đề tích hợp và tương tác với nhau. Tại vì hệ sinh thái quyết định vấn đề cho các em thấy được cơ hội nghề nghiệp các em là cái gì, mình học cái đó ra mình làm được cái gì và những cái gì các thầy cô giảng dạy trong trường thì thực sự có ứng dụng được nó hay không, mang lại lợi ích như thế nào. Đó là những cách mà Trường Đại học Văn Hiến hiện nay đang làm.

*MC: Cảm ơn Tiến sĩ Thiện, xin mời Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đan Thư.

Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đan Thư: Thật ra nếu xét về phương diện có đề xuất gì đối với Thành phố thì trong bức tranh chuyển đổi số, chắc chắn Thành phố sẽ phải cần có nền tảng số. Nền tảng số của chúng ta ở tầng trên cùng là ứng dụng phần mềm nhưng mà phần nền tảng thì chúng ta nên có những cái dịch vụ, những service mà để cho những trường đại học hay các doanh nghiệp kết nối vô những dịch vụ đó. Và để chúng ta số hóa, chúng ta chưa thể mong muốn cả 10 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh mỗi người đều có chữ ký số hóa. Nhưng mà ít ra, về khía cạnh giảng viên hay công chức phải có chữ ký số. Nền tảng số nó không chỉ có số và dữ liệu, mà phải có real-time (thời gian thực) và phải dính tới dịch vụ số.

Tiến sĩ Từ Minh Thiện: Tôi xin bổ sung một ý. Đối với Thành phố có thuận lợi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố lại là Chủ tịch của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học. Chính vì vậy mà việc này rất tiện lợi và hiệu quả nếu mà Chủ tịch của Thành phố đưa ra một tín hiệu, coi như là tất cả các Hiệu trưởng của trường tiếp nhận tín hiệu đó và trở thành một cái yêu cầu để có thể đáp ứng. Sau đó, những vấn đề đề ra các trường đưa lên thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố chính là người lắng nghe để từ đó có thể đưa vào những chính sách của mình. Vì vậy, liên quan vấn đề này, tôi nghĩ vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đối với câu chuyện chuyển đổi số và đối với các trường đại học rất quan trọng.

*MC: Cảm ơn ba vị khách mời. Qua sự chia sẻ và phân tích của các vị khách mời ở chủ đề vừa rồi thì chúng ta có thể thấy là vấn đề chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực có thể được nhấn mạnh ở 2 khía cạnh chính. Đó là đào tạo lực lượng chuyên nghiệp về công nghệ số, đáp ứng được các nhu cầu phát triển của Thành phố và vấn đề thứ hai là đào tạo kiến thức và kỹ năng số cần thiết cho người lao động. Một lần nữa chúng tôi trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình.

Thuỳ Linh

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo