Ngày nay, lĩnh vực này càng có giá trị và hiệu quả kinh tế y tế khi áp dụng phối hợp những kỹ thuật ít xâm lấn ứng dụng điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, để dấn thân vào chuyên ngành tương đối khô khan này và theo đuổi với sự đam mê tận cùng là câu chuyện đáng ngẫm. Và điều này có lẽ đúng với đặc thù vị trí công việc hiện tại của Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương, Giảng viên Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Đại học Y Dược Thành phố, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch tạng Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố. Bác sĩ Thái Dương là một trong những người tiên phong ứng dụng những kỹ thuật ít xâm lấn, chính niềm đam mê nghề nghiệp và quan niệm lấy người bệnh làm trung tâm đã là ngọn đèn dẫn lối, giúp bác sĩ vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để gắn bó và dành trọn nhiệt huyết cho nghề y. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020), mời quý thính giả cùng nghe nội dung giao lưu giữa Phóng viên VOH với Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương:
Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương. Ảnh VTC
* VOH: Xin chào Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương, là một bác sĩ sau khi tốt nghiệp Đại học y dược lại chọn con đường chuyên về chẩn đoán hình ảnh. Tại sao bác sĩ lại dấn thân vào lĩnh vực này đôi khi nó lại là thầm lặng ở phía sau?
Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương : Lúc tốt nghiệp xong năm 1997 tôi quyết định đi du học ở Mỹ. Duyên đưa tôi đến các chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh vì đối với bên Mỹ, vấn đề định hướng nghề nghiệp rất là quan trọng. Khi qua đó năm 1998 thì tôi được đi tham quan các bệnh viện theo chương trình đào tạo. Và tôi đi du học với một tâm thế chưa bao giờ nghĩ mình ở lại Mỹ, nghĩ mình phải học một cái gì đó để mang về cho đất nước. Vào năm 97, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh lúc bây giờ còn rất là sơ khai cụ thể ngay như siêu âm khi mình tốt nghiệp xong mình cũng chưa hiểu rõ về máy siêu âm, vận hành như thế nào. Chọn lựa thì có nhiều sự chọn lựa nhưng mình thấy thiết thực nhất, ứng dụng được trong thời điểm đất nước còn khó khăn là chẩn đoán hình ảnh hợp lý nhất!
*VOH: Tại Mỹ khi mình học tập để nhận được chứng nhận chẩn đoán hình ảnh không phải đơn giản. Vậy thì từ năm 1998 đến năm 2002 để hoàn thiện được chứng nhận bên Mỹ thì quá trình đó có khó khăn hay không ?
Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương: Thật sự một đoạn đường đi qua giờ nghĩ lại bây giờ không biết mình có đi nổi hay không nhưng mà câu chuyện thì cứ lùa mình tới. Phải nói rất là khó khăn thứ nhất đó là ngoại ngữ tiếng Anh không đơn thuần giao tiếp giữa hai người mà tất cả là đa chủng tộc, phát âm cũng khác nhau giai đoạn đầu thật sự khủng hoảng phải rất cố gắng. May mắn là mình là lúc đó cũng là một trong 10 sinh viên nội trú của Châu Á tại trường đó nên được cái cô giáo chủ nhiệm tin tưởng, giao phòng thực hành cho mình đó cũng là động lực mình cố gắng. Nói chung người Mỹ cố gắng một thì mình phải là 2,3 cứ cố gắng từng bước, từng bước theo từng nấc thang như thế đến năm 2001 thì nhận chứng chỉ thực hành siêu âm ở Mỹ, lúc đó mình đứng được hàng thứ ba và cũng không biết tại sao mình làm được như vậy.
*VOH: Thời đại ngày nay khi đề cập đến chẩn đoán hình ảnh theo bác sĩ trải dài quá trình mình làm việc thì chuyên ngành này quyết định như thế nào góp phần trong công tác điều trị?
Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương: Quay lại một vấn đề không thể không nhắc đến trong thực hành đó là y học chứng cứ rất là quan trọng. Chẩn đoán hình ảnh cho phép chúng ta qua siêu âm hay Citi được xem như “mắt thần” trong chuyên ngành này, cho phép chúng ta biết được giai đoạn của bệnh, tổn thương của bệnh lý ra sao… đây là chứng cứ làm cho lập luận chúng ta bền vững hơn. Và bất cứ chuyên ngành nào cũng không thể tách ra khỏi nền tảng trong y học. Bạn cũng phải cực kỳ giỏi và biết được. Cụ thể như hình ảnh học là “ngôn ngữ” để mô tả trong y học. Mình cũng phải học hiểu thêm về bệnh học, thêm nữa về mặt kinh nghiệm trải nghiệm thì nhiều khi sách vở không có đòi hỏi mình phải cần có. Và hiện nay, chẩn đoán hình ảnh hay còn gọi là hình ảnh học chúng ta đang phát triển rất là tốt xu hướng của kỹ thuật xâm lấn tối thiểu. Tôi ví dụ với một chi phí khoảng mười mấy triệu cứu được một bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm thì tôi nghĩ đó là sự thiết thực cao về ý nghĩa chuyên môn lẫn hiệu quả kinh tế xã hội. Trong khi một cuộc mổ lớn hay là một ghép gan chi phí từ vài trăm triệu đến từ cả tỷ đồng nhưng nếu phát hiện sớm cho bệnh nhân thì rõ ràng với 15, 20 triệu cứu được bệnh nhân giai đoạn sớm, giúp họ sống trên 5 năm như vậy thì đây là điều rất là tuyệt vời!
*VOH: Ngoài công tác tham gia điều trị ở Bệnh viện Đại học Y Dược thì bác sĩ còn là một giảng viên Đại học Y Dược và tôi rất tâm đắc với chia sẻ của bác sĩ là mỗi giờ giảng trên giảng cũng là mỗi giờ mình tự hoàn thiện mình ngoài việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên y khoa. Hoàn thiện mình theo bác sĩ là như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương: Bản thân lúc mà tôi học xong tạm gọi có kiến thức cơ bản về lĩnh vực chẩn đoán trình hình ảnh đặc biệt là siêu âm thì qua giảng dạy người thầy lớn nhất với cá nhân tôi đó là bệnh nhân, thứ hai là học viên. Thật sự hoàn thiện thì khi mình trải nghiệm lời nói chia sẻ kiến thức của mình nó sẽ đầy đặn hơn, nó chững chạc hơn bởi lẽ với sự phát triển khoa học kỹ thuật hôm nay có thể là đúng ngày mai nó là lỗi thời do vậy mình phải cập nhật liên tục không thể nào dậm chân tại chỗ được. Rõ ràng sự trưởng thành của mình cá nhân tôi chiêm nghiệm chính là nhờ bệnh nhân và học viên.
*VOH: Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 năm nay thì như Bác sĩ cũng bày tỏ lòng mình hạnh phúc của bác sĩ hiện tại là có được niềm đam mê và có một sức khỏe thật tốt để theo đuổi niềm đam mê đó trên nền tảng hết lòng vì người bệnh. Với bác sĩ chắc chắn đó là một cái hằng số bất biến đúng không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương: Chắc chắn là thế, đam mê của tôi đó là một ngày mà mở mắt được tới bệnh viện, được làm việc với đồng nghiệp. Và thật sự công việc với tôi không bao giờ tôi nghĩ là áp lực chuyên môn, cái áp lực lớn nhất của mình đó là làm sao mình tối ưu hóa khả năng của mình, mình nhân rộng cách mình làm việc lớn hơn. Bởi vì mỗi con người cũng chỉ có 24 tiếng, thời gian cũng chỉ có nhiêu đó thành ra mình không thể nào chia sẻ hết cho bệnh nhân trong bối cảnh bệnh nhân đông như vậy. Cái đam mê của mình là không có điểm dừng, trăn trở của mình cũng là động lực của mình. Tóm lại cuộc đời cũng dành cho tôi những khó khăn và cũng là những may mắn và đến phút này thì tôi cũng tạm hài lòng. Rồi tôi vẫn còn những dự án sắp tới, những cuốn sách mình còn tâm tư, những lớp dạy, những khóa mới …thật sự là luôn nỗ lực không ngừng, một ngày không ngừng!
*VOH: Cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương!