Hải quan TP hỗ trợ DN tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do – Thời sự 5g30 28/12/2020

(VOH) - Với 13 Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, Việt Nam có thể tiếp cận gần 60 quốc gia có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới.

Trong đó phải kể đến các Hiệp định thương mại có quy mô rất lớn như Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu. Và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức ký kết giữa ASEAN với 5 quốc gia - một hiệp định thương mại lớn nhất thế giới tiếp cận với thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% GDP toàn cầu…

Bên cạnh đó, với vị thế là trung tâm kết nối khu vực, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, TPHCM đóng góp quan trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong nhiều năm liền, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố duy trì mức tăng trưởng bình quân 10%/năm, cơ cấu xuất khẩu dịch chuyển đúng hướng, nhóm hàng công nghiệp chiếm trên 80%…

Tuy nhiên, trước tác động của dịch Covid-19 và biến động liên tục của các xu hướng thương mại ở nhiều khu vực đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, Cục Hải quan TPHCM đã liên tục có những động thái hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp để tận dụng tốt các lợi thế mà FTA mang lại.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOH đã phỏng vấn ông Đinh Ngọc Thắng, Cục Trưởng Cục Hải quan TPHCM.

 *VOH: Thưa ông, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và gần đây nhất là Hiệp định EVFTA, RCEP, như vậy, Cục Hải quan TPHCM hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tận dụng tốt các lợi thế từ các hiệp định mang lại?

Ông Đinh Ngọc Thắng: Trong thời gian qua, sau khi hiệp định có hiệu lực chúng tôi đã tổ chức thực hiện, cụ thể là trước khi có Hiệp định có hiệu lực chính thức từ 9/2016 thì chúng tôi chủ động đối thoại hai hội nghị, gặp gỡ Tổng Lãnh sự Anh và các doanh nghiệp Anh, đặc biệt là các doanh nghiệp châu Âu để tập hợp lại, nghiên cứu sâu hơn các hiệp định này, mục đích là để đào tạo cho cán bộ công chức tại Cục Hải quan TP.HCM. Thứ hai chúng tôi tổ chức để đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, khoảng 1.500 doanh nghiệp trong nước và 200 doanh nghiệp của châu Âu về nội dung này. Và chúng tôi cũng đã phối hợp với các ngành, ban ngành của TPHCM để tập huấn về nội dung này. Đặc biệt, riêng về EVFTA này, trên trang web của Cục Hải quan TPHCM, chúng tôi cũng đã có 81 bài viết về vấn đề này. Và đặc biệt, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, thì chúng tôi đồng loạt thực hiện các quy định, ví dụ quy định 1201 vào tháng 8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, và 1241 của Bộ Tài chính vào tháng 8/2020, và đặc biệt quyết định 2298 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan vào tháng 9/2020. Và sau khi nghị định 111 có hiệu lực từ ngày 18/9, thì ngày 23/9 Cục Hải quan TP.HCM lập tức ban hành văn bản 2773 để triển khai đồng loạt với các chi cục khác để thực hiện và cam kết có lợi nhất cho các doanh nghiệp đang kinh doanh về xuất nhập khẩu qua thị trường châu Âu hoặc nhập khẩu từ thị trường châu Âu về Việt Nam

*VOH: Để doanh nghiệp xuất nhập khẩu được hưởng lợi hơn từ Hiệp định EVFTA, Cục Hải quan TPHCM có những đề xuất, kiến nghị nào đối với Chính phủ?

Ông Đinh Ngọc Thắng: Trong xuyên suốt 10 năm, qua rất nhiều cuộc hội nghị, đàm phán, trải qua rất nhiều khó khăn thì Việt Nam mới ký kết được Hiệp định EVFTA, điều đó nâng tầm của vị trí Việt Nam lên. Và nếu các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này trong vấn đề xuất nhập khẩu và vào thị trường châu Âu, kể cả các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu vào thị trường châu Âu và ngược lại, thì chúng ta có thể tin tưởng rằng, chất lượng về mặt kỹ thuật, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì chúng ta tự tin rằng, sản phẩm Việt Nam có thể đi tất cả các nước trên thế giới. Điều đó thể hiện kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu muốn thành công, tôi nghĩ Chính phủ nên là người nhạc trưởng để chỉ đạo cho các bộ ngành thực hiện để thành công EVFTA này. Vì đây là hiệp định tôi cho rằng có giá trị và ý nghĩa, muốn thành công thì doanh nghiệp và cán bộ công chức của cơ quan chức năng phải hiểu. Vấn đề thứ hai, việc này không phải của riêng ai, mà tất cả các ban ngành có liên quan từ trung ương đến địa phương, chúng ta hãy thay đổi cách tiếp cận, quản lý hiện đại và văn minh, có trách nhiệm và chung sự kiến tạo.

*VOH: Về phía doanh nghiệp, theo ông, cần phải thế nào?

Ông Đinh Ngọc Thắng: Đối với doanh nghiệp, chúng ta nên chủ động trong vấn đề nghiên cứu. Chúng ta hãy mạnh dạn để có ý kiến của mình, để các cơ quan chức năng giúp đỡ mình. Thứ ba nữa là vai trò của các Tổng Lãnh sự, của tất cả các hiệp hội, làm sao chúng ta kết nối lại, giữa cơ quan quản lý, với hiệp hội doanh nghiệp, để làm sao đó thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài ngay trên đất nước Việt Nam này, như vậy chúng ta mới thấy hiệu quả và hiệu lực khi mà thực hiện EVFTA này. Ngoài ra, để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng thì các doanh nghiệp tự tuân thủ pháp Luật. Doanh nghiệp cũng không nên ép mình bất cứ cái gì về mã số hàng hóa, và chúng ta cũng nên tuân thủ một cách nghiêm túc. Chúng ta hãy hiến kế cho Cục Hải quan TP.HCM và các ngành hải quan có nhiều thông tin hơn nữa và chúng tôi sẵn sàng hoàn thiệ mình để phục vụ cho các doanh nghiệp. Còn về ngành Hải quan, theo tôi với vai trò là nhà gác cửa nền kinh tế đất nước, trong thời gian tới, khi tỉ trọng về thu ngân sách nhà nước về kim ngạch xuất nhập khẩu không còn là số lớn nữa, mà việc đó chuyển qua thuế tiêu thụ nội địa, thì vai trò của Hải quan trong thời gian tới là chúng ta nên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chống gian lận buôn lậu thương mại, chuyển tải bất hợp pháp và cải cách mạnh mẽ hơn nữa, và tôi nghĩ rằng với vai trò người gác cửa kinh tế đất nước, theo tôi, đối với ngành hải quan, hãy thay đổi phương thức quản lý hiện đại để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thứ hai, trang thiết bị khoa học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành để rút ngắn được thời gian của doanh nghiệp. Thứ ba, chúng ta nên hoàn thiện về cơ sở pháp lý, hệ thống văn bản pháp Luật theo xu hướng là văn minh, cũng như điều mà Việt Nam đã cam kết trong các Tổ chức thương mại thế giới hay là Hải quan Thế giới cũng như các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Thêm nữa, chúng ta cũng nên phối hợp nếu trong nước là các lực lượng chức năng, cũng như cơ quan ban ngành ở nước ngoài để chúng ta có thông tin về hoạt động của doanh nghiệp này về sự tuân thủ cũng như chống hành vi chuyển tải bất hợp pháp, đó là hành vi gian lận và thương mại. Điều cuối cùng, ngành hải quan cũng chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ, phẩm chất đạo đức, để có tinh thần phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp. Tổng hợp các yếu tố đó, tôi tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh và hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.

*VOH: Xin cảm ơn ông.

 

Lệ Loan

VOH

Bình luận

Đọc Báo