Dấu ấn đổi mới từ vùng nông thôn ngoại thành TPHCM - Thời sự 17g00 28/4/2020

(VOH) – Trải qua nhiều giai đoạn, vùng nông thôn ngoại thành TPHCM đã có được bước phát triển đột phá về mọi mặt.

Từ những vùng đất phèn mặn, hoang hóa, cơ sở hạ tầng thiếu hụt nhiều mặt, khu vực nông thôn ngoại thành Thành phố đã từng bước trở thành vành đai xanh, xây dựng nông thôn mới và hình thành nền nông nghiệp đô thị hiện đại, tiên tiến. Đời sống về vật chất lẫn tinh thần của bà con theo đó cũng ngày càng được nâng cao.   Nhìn lại chặng đường 5 năm, 10 năm đã qua hay xa hơn, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra diện mạo nông thôn TPHCM gồm 5 huyện ngoại thành Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè, đã thay da đổi thịt mạnh mẽ. Đặc biệt vài năm gần đây, đời sống người dân khu vực nông thôn Thành phố ngày một đổi thay tích cực. Kết quả này xuất phát từ sự chung tay, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, hệ thống cơ sở y tế, thủy lợi, mạng lưới điện, đường giao thông, trường học, trung tâm hành chính, thiết chế văn hóa được đầu tư quy mô và mở rộng đến tận xã, ấp. Có thể kể ra một số công trình nổi bật như Khu nông nghiệp Công nghệ cao, Bệnh viện huyện Củ Chi hay đường Rừng Sác ở Cần Giờ đã góp phần nâng cao đời sống người dân ở nông thôn ngoại thành và kết nối khu vực này với trung tâm Thành phố. Theo ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ thì đây là điều kiện cần để huyện thực hiện các chiến lược dài hơi: "Đặc biệt là thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo ra môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch văn minh lịch sự. Tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Thành phố. Chúng tôi sẽ phối hợp với các chủ đầu tư đánh giá sự cần thiết, cấp bách các dự án đầu tư trên địa bàn huyện để tạo điều kiện hỗ trợ cho các dự án này được triển khai".

Trong bối cảnh đô thị hóa vẫn đang tăng nhanh, đất nông nghiệp tiếp tục giảm dần và bản thân ngành nông nghiệp TPHCM chỉ giữ vị trí khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế. Tuy vậy, bù lại năng suất, hàm lượng công nghệ và giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp ngày càng tăng. Tính hết năm 2019, giá trị bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 550 triệu đồng/ha, giá trị nhóm sản phẩm chủ lực đạt gần 14.000 tỷ đồng, chiếm 66% trên tổng giá trị sản xuất và thu nhập bình quân hộ gia đình tại 56 xã xây dựng nông thôn mới đạt trên 63 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, TPHCM đã phát huy vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Điển hình như anh Trương Văn Thuận ở xã Đông Thạnh – huyện Hóc Môn – một trong các gương “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”. Xuất phát từ một nông dân nuôi bò sữa, anh Thuận đã phát triển mô hình trang trại và sau đó tạo ra thương hiệu sữa Mỹ Vị milk (Myvimilk). Anh cho hay, nhờ vào vốn vay theo Quyết định số 655 của UBND TP, anh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, tham gia có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và được hưởng lợi từ thành quả đóng góp của chính mình: "Trăn trở về vấn đề vốn vay, cuối cùng thì tôi xin hội đồng các cấp duyệt cho tôi vay 1 tỷ 500 triệu. Tôi làm đề án đó cũng khoảng hơn một tháng thì tôi được hội đồng các cấp duyệt cho tui vay và bắt đầu tôi có nguồn vốn để tôi đặt niềm tin, cố gắng để đầu tư cho nó tốt. Và tôi đã phát triển được cơ sở vật chất, những máy móc, trang thiết bị".

Bên cạnh đó, nghề nuôi cá cảnh đang từng bước chiếm tỷ trọng xuất khẩu nông nghiệp Thành phố ngày càng cao hơn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Thạch – chủ một trại cá ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, cho biết: "Thu nhập con, cảnh cực kỳ lớn. Tôi tính đưa vào nuôi tất cả các loài cá cảnh, trừ con cá chép thu nhập hơi thấp một tí. Còn những loài cá cảnh khác thì thu nhập tôi thấy cứ một quý 3 tháng, tôi lập ra một công thức trừ đi hệ số rủi ro, thức ăn, chi phí điện, tiền nhân công thì lợi nhuận từ 80% đến 100%. Con cá chép thì lợi nhuận khoảng 50%".

Có thể thấy, việc đầu tư vào giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, vốn vay đã khuyến khích quá trình chuyển đổi, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Song song đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được chú trọng. 10 năm qua, TPHCM đã có hơn 717.000 lao động nông thôn đã qua đào tạo, trong tổng số hơn 847.000 lao động nông thôn đang làm việc (tỷ lệ gần 85%). Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố cho hay: "Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền đến 5 huyện ngoại thành về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Tạo những chuyến biến tích cực về mặt nhận thức của người dân, của những người học nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp ở lĩnh vực nông thôn. Đối với nghề phi nông nghiệp thì đào tạo cụ thể những nghề gắn với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Nghề nông nghiệp thì các trường chuẩn bị đào tạo theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra năng suất cao hơn và tạo ra cuộc sống ổn định cho người dân ở trên địa bàn".

Nhìn chung, với những chính sách hiện hành, Thành phố đã hình thành “bộ khung” vững chắc cho khu vực nông thôn ngoại thành tiếp tục phát triển bền vững nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt, sẵn sàng thay đổi, cập nhật cái mới khi có yếu tố ngoại cảnh thay đổi. Cách làm như vậy đã được quán triệt xuyên suốt và thể hiện rõ nét trong quá trình xây dựng nông thôn mới hơn 10 năm qua. Ông Đoàn Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố – khẳng định: "Đời sống vật chất thì luôn được cải thiện đáng kể. Thành phố hiện nay không còn hộ nghèo theo chuẩn Quốc gia. Khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp. Với các chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp nâng cao năng suất lao động và thu nhập của nhân dân. Tạo ra tiện ích của người dân trong việc định cư, sinh sống, đi lại, sản xuất kinh doanh không thua gì các quận nội thành".

Trong giai đoạn 2020-2025, TPHCM xác định tiếp tục xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững, có năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Qua đó, Thành phố hướng tới xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới. Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa người dân nông thôn, cũng như rút ngắn khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa nội thành và ngoại thành, tạo nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc. Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố nhấn mạnh: "Với tình hình đất nông nghiệp ngày càng giảm thì tập trung chuyển dịch sang những loại vật nuôi cây trồng có hiệu quả như 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực để nâng cao hiệu quả và tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Đồng thời một cái cốt lõi nhất là phải ứng dụng được nông nghiệp công nghệ cao vào trong sản xuất. Để làm được việc này thì chúng tôi tập trung chuyển giao không phải chỉ có các cơ quan nhà nước mà gắn với các doanh nghiệp bằng những chương trình đào tạo hết sức kỹ lưỡng và đủ thời gian cho người nông dân, hợp tác xã có điều kiện áp dụng và triển khai".

Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp tuyên truyền, huy động nguồn lực, thực hiện lồng ghép, huy động tối đa nguồn lực địa phương để đầu tư cho khu vực nông thôn ngoại thành. Ngoài ra, hoạt động nông nghiệp phải gắn với phát triển các hợp tác xã để ứng dụng công nghệ trong sản xuất và liên kết tiêu thụ nông sản. Qua đó, ngành nông nghiệp sẽ giải quyết được bài toán tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu về lâu dài.

Minh Phước

Bình luận

Đọc Báo