Công nghệ góp phần nâng cao năng lực, chất lượng của hoạt động xuất bản – Thời sự 5g30 20/12/2020

(VOH) - Trong những năm qua, ngành xuất bản đã chuyển mình để thích ứng với xu hướng phát triển hội nhập thời cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc.

Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam về những ứng dụng của khoa học công nghệ đã giúp cho ngành xuất bản phát triển trong thời gian qua.

*VOH: Thưa ông, nhìn lại công tác xuất bản của chúng ta thời gian qua, ông có đánh giá như thế nào?

- Ông Lê Hoàng: Thị trường sách Việt Nam đang có những bước phát triển tốt, tuy nhiên, nếu so với nhu cầu để đạt được mục đích phát triển nền văn hóa đọc Việt Nam, phát triển mạnh mẽ, thì còn có những vấn đề mà chúng ta hết sức quan tâm. Tôi nói ví dụ như qua những số liệu mà tôi đã tập hợp trong ngành xuất bản trong 6 năm, chúng ta thấy, nó có tốc độ phát triển nhưng rất chậm. Thì chúng ta tìm ra nguyên nhân thì chúng ta thấy có những thách thức, có những nguyên nhân mà tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhìn cho thấu đáo điều đó để rồi chúng ta có những kiến nghị đối với sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, để có chính sách mạnh mẽ hơn nữa, để thúc đẩy cho hoạt động, cho phát triển văn hóa đọc. Cũng như các nhà xuất bản, các công ty sách, cũng phải có những nỗ lực, bằng sự đầu tư thích đáng, đúng mức, và có chiến lược phát triển như thế nào thì mới có thể góp phần thúc đẩy hoạt động xuất bản có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Từ đó góp phần giúp cho văn hóa đọc tốt hơn nữa.

*VOH: Ông vừa nhắc đến những kiến nghị, thì cho tôi hỏi những kiến nghị đó là như thế nào?

- Ông Lê Hoàng: Sắp tới, việc sửa đổi bổ sung luật xuất bản, thì chúng tôi kiến nghị là, phải thêm điều đó là điều phát triển văn hóa đọc. Nếu nói luật xuất bản mà chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ tức là tất cả qui định của luật như vừa rồi thì nó chỉ liên quan đến vấn đề làm sao cho ra đời xuất bản phẩm, chứ còn thúc đẩy thị trường hay góp phần nâng cao sức đọc, tạo văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách cho trẻ thì tôi thấy việc này sẽ phải kiến nghị trong luật bổ sung sắp tới. Cái việc thứ hai mà chúng tôi đã kiến nghị, và chúng tôi tiếp tục kiến nghị, đó là về phía Bộ Giáo dục. Chúng tôi thấy điều rất mừng, vừa qua, trong Điều lệ trường học, thì họ đã bổ sung phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Điều lệ lần trước không có. Đưa hoạt động văn hóa đọc vào Điều lệ trong nhà trường, đó là điều mà chúng tôi thấy rất mừng. Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục kiến nghị thêm, nó phải cụ thể hóa phát triển văn hóa đọc đó thành tiết đọc sách cụ thể và đưa vào trong khung giờ chính thức của nhà trường. Điều đó thành hiện thực thì mới thực sự là hành lang pháp lý trong nhà trường, mới tạo điều kiện cho trẻ tiêp cận với sách. Và góp phần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ. Từ đó hình thành thói quen đọc sách của cộng đồng, phát triển nền văn hóa đọc của cộng đồng, và chúng ta có những bước tiến từ những bước tiến cơ bản đó.

*VOH: Trong thời đại công nghệ 4.0, trong thời đại kỷ nguyên số và Thành phố chúng ta cũng đang phát triển trở thành đô thị thông minh, sử dụng rất nhiều những thành tựu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì ngành xuất bản cũng sẽ không đứng ngoài vấn đề này. Như vậy, xuất bản sẽ ứng dụng công nghệ như thế nào, để có thể đáp ứng được nhu cầu đọc sách hiện nay?

- Ông Lê Hoàng: Tôi nghĩ rằng công nghệ phát triển, 4.0 phát triển cũng góp phần nâng cao năng lực chất lượng của hoạt động xuất bản. Tôi nói ví dụ liên quan đến vấn đề bản quyền, liên quan đến công nghệ in ấn, để làm ra những xuất bản phẩm có chất lượng kỹ thuật cao hay tận dụng sự phát triển của thương mại điện tử. Thế thì, cái hoạt động mà bán sách, mang sách đến cho công chúng rộng rãi khắp cả nước thông qua sàn điện tử, cũng là những tiến bộ do công nghệ mang lại. Thì đó là những điểm rất tốt cho sự phát triển. Nhưng tôi cho rằng điều đó chưa đủ mà cái chính là người đọc. Người đọc phải có thói quen đọc sách, phải hình thành văn hóa đọc tốt thì mới phát huy tối đa những cái năng lực từ công nghệ mang lại.

*VOH: Các đơn vị xuất bản, các đơn vị làm sách chuẩn bị những gì để tham gia?

- Ông Lê Hoàng: Tôi rất quan tâm và đặt ra vấn đề đó là các nhà xuất bản, các công ty làm sách phải có cái nhìn đúng mức về người đọc. Chính là người nuôi, chính là người làm cho cái lĩnh vực mình phát triển. Vì họ là người trả chi phí cho mình để mình thù lao cho đội ngũ, trả chi phí cho mình để mình phát triển việc xuất bản của mình, thành ra phải có cái nhìn cái khảo sát đúng mức. Để từ đó có những công việc liên quan đến khai thác thị trường như thế nào, liên quan đến thúc đẩy nâng sức đọc của người dân lên như thế nào từ hoạt động của xuất bản, của người làm xuất bản.

*VOH: Cảm ơn ông.

Ngọc Bích

Bình luận

Đọc Báo