Còn đó những ân tình (Bài 1) – Thời sự 11g00 25/7/2020

(VOH) - Ưu đãi và chăm sóc người có công luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Trong hơn 70 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công được triển khai toàn diện, không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước. 45 năm trôi qua sau ngày thống nhất đất nước, chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công luôn được Nhà nước quan tâm bổ sung, sửa đổi nhằm từng bước cải thiện đời sống người có công và gia đình họ, phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống chung của nhân dân... Tuy nhiên, bên cạnh hơn chín triệu người có công trong cả nước đã được công nhận, vẫn còn hàng ngàn người có công và thân nhân chưa được xác nhận, vinh danh, chưa được thụ hưởng chính sách vì nhiều lý do khác nhau.

Mời quý vị nghe bài 1 của loạt bài “Còn đó những ân tình” do Phóng viên Thành sang thực hiện, nhan đề “Cần sớm tháo gỡ một số thủ tục công nhận người có công và diện chính sách” ghi nhận sau, từ thực tế, từ đơn thư và cuộc gọi của thính giả về đường dây nóng của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM.

Đường dây nóng của Đài có nhận được lá thư của thính giả Trần Văn Nhạn, ngụ xã huyện Chợ Gạo,tỉnh Tiền Giang, trong thư cho biết, mẹ anh là bà Trần Thị Nhọn sinh năm 1940 thoát ly tham gia cách mạng từ lúc anh mới hai tuổi. Sau đó bị địch bắt tù đày sau giải  phóng,năm 1980 bị bệnh mất, mẹ anh chưa được hưởng chế độ đãi ngộ người có công. Còn anh, năm 1974 lúc đó mới 16 tuổi anh đã tham gia cách mạng…và cũng lạc mất giấy tờ nên cũng chung số phận như mẹ anh..

Ngay tại phường 1, quận 10, TPHCM, có nữ thương binh Trần Thị Ngàn (bí danh Liêu Thị Bẻo) xã An Nhơn Tây huyện Củ Chi sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi ở đơn vị K11- Y4 Củ Chi – Đồng Dù. Thời gian đó cùng với đồng đội bà đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu và bị thương trong một lần bị địch phục kích… Sau ngày giải phóng (1975) do thất lạc giấy tờ bà vẫn chưa làm được thủ tục chứng nhận người có công và cũng chưa được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước…Hàng ngày bà Bẻo vẫn ngồi bán quần áo cũ tại đầu đường Yết Kiêu, khu vực chợ An Đông,quận 5 để mưu sinh. Hiện nay, ở tuổi 75 bà chỉ mong rằng, một lúc nào đó bà sẽ được thông tin đầy đủ về trường hợp của mình. Tôi tên Trần Thị Ngàn (bí danh Liêu Thị Bẻo) hồ sơ tôi gửi sở Lao đông thuơng binh xã hội thành phố 4, 5 tháng nay,chờ hoài không thấy sở trả lời, nay xin ra lại và giúp đỡ)”.

Còn đối với ông Lê Văn Chiến, ngụ tại phường Phước Long, quận 9, TPHCM thì gặp khó khăn trong việc nhận thờ cúng liệt sĩ: Phường thì bận rộn lắm, có khi hẹn, ở quận thì làm rườm rà chậm trễ, động tới thương binh xã hội cũng không lẹ làng dễ dàng cho người dân mình, nói thiệt là rườm rà lắm.”

Tương tự, ông Phan Thanh Tiến, ngụ ấp 1, xã Tân Nhựt ,huyện Bình Chánh cho biết ông tham gia Cách mạng Chiến khu Rừng Sác – Cần Giờ trước năm 1975 và được hưởng theo Nghị định 290, nay ông bệnh tật nhiều và xin được giám định ảnh hưởng chât độc da cam nhưng hồ sơ thủ tục vẫn chưa được huyện Bình Chánh xét duyệt, ông Tiến bày tỏ nguyện vọng: Trong nghị định 90 thì tôi cũng nhờ ủy ban sắp xếp tui có thể được hỗ trợ hay hưởng gì về chất độc hóa học không, người ta giải thích rằng du kích không thoát ly nên không được hưởng”.

Giải thích về những trường hợp này, bà Trần Thị Anh Đào, Trưởng phòng chính sách có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: thành phố luôn có chính sách ưu đãi đặc biệt hơn cho để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng là người có công với cách mạng và người bị địch bắt tù đày. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp Sở rất khó giải quyết bởi hồ sơ bị thất lạc, bản thân người có công lại không chứng minh được quá trình đó mình đã làm gì với ai, ở đâu. Mỗi năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố vẫn tiến hành rà soát lại, tháo gỡ được trường hợp nào thì mừng cho trường hợp đó: Bây giờ là phải xem coi các trường hợp cụ thể như thế nào thì sẽ hướng dẫn cho cô chú làm, giải quyết các hồ sơ bị trục trặc khó khăn không có hồ sơ gốc, mình liên hệ tất cả các cơ quan ban ngành để tìm, đã giải quyết một loạt luon rồi, thiếu hồ sơ mà hồ sơ đó có thể tìm được là làm liền, ở huyện cũng đã biết đến chủ trương này.”

Còn theo Trung tá Nguyễn Dân Quyền –nguyên trợ lý chính sách Phòng chính sách thuộc Quân khu 7 thì quá trình thẩm định, xác nhận hồ sơ thương binh liệt sĩ không còn giấy tờ là quá trình gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải tiến hành chặt chẽ, thận trọng, chính xác, không để xảy ra sai sót. Chiến tranh đã lùi xa; việc giải quyết chính sách tồn đọng sau các cuộc chiến tranh đã qua nhiều giai đoạn lịch sử, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện không đồng bộ, thống nhất; đòi hỏi phải có sự vận dụng linh hoạt, không máy móc. Ngoài ra, do điều kiện chiến tranh nên công tác quản lý thương binh liệt sĩ chưa được chặt chẽ, đầy đủ; công tác lưu trữ hồ sơ của các cơ quan, đơn vị trong chiến tranh và sau chiến tranh chưa chặt chẽ, khoa học; nhiều đơn vị quân đội giải thể, sáp nhập, nhưng công tác bàn giao, lưu trữ thiếu chặt chẽ, đầy đủ, nên rất khó cho việc xác minh, kết luận. Mặt khác, nhiều đối tượng hy sinh, bị thương đã ba mươi, bốn mươi năm, nay mới lập hồ sơ mà giấy tờ của đối tượng lại không đầy đủ để chứng minh bị thương, hy sinh; đối tượng già yếu, trí nhớ giảm. Do đó, công tác xác minh, giám định rất phức tạp, dẫn đến kéo dài thời gian trong xem xét, giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng. Trước mắt phải xác định được tên tuổi của những liệt sĩ vô danh: Tra lại thông tin, vị trí này có thông tin không, hy sinh ở vùng nào thì là hướng để tìm liệt sĩ, ở khu vực liệt sĩ đó có thể có cái tên gần giống như vậy cơ sở để mà lấy mẫu sinh phẩm liệt sĩ không có tên  xin giám định ADN”

Làm rõ thêm về nội dung này, Đại tá Trần Đại Ngoạn, nguyên Phó giám đốc Trung tâm phát thanh và truyền hình Quân đội chia sẻ: Một số gia đình còn vướng về hồ sơ, tiêu chuẩn, thủ tục pháp lý, hội sẽ tiến hành tư vấn pháp lý để hoàn thiện thủ tục pháp lý để được công nhận là gia đình liệt sĩ, họ hy sinh cho tổ quốc là phải được ghi nhận, làm rõ những trường hợp hy sinh chưa có tên thì phải tiến hành thủ tục pháp lý xác nhận AND”.

Từ năm 1986 đến nay Nhà nước đã có nhiều văn bản luật ưu đãi xã hội đối với người có công. Trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng …Với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ trên công tác đền ơn đáp nghĩa trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cả nước hiện có 8,8 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công được hưởng các chế độ trợ cấp thường xuyên. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một hạn chế, bất cập khiến nhiều người có công vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước trong khi đó, có không ít đối tượng lợi dụng những kẽ hở của chính sách để trục lợi. 

Từ những khó khăn, bất cập trên cho thấy, việc hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.Vấn đề còn lại là chính sách ưu đãi người có công vốn là chính sách mang tính nhạy cảm chính trị - xã hội đòi hỏi phải ban hành đầy đủ các quy định của luật pháp liên quan đến người có công, nói cách khác là phải có sự đồng bộ các loại văn bản pháp luật về vấn đề này. Đồng thời, trong tổ chức triển khai thực hiện cũng phải cụ thể, bảo đảm đúng, đầy đủ đối tượng thuộc diện thụ hưởng, tránh hiện tượng bỏ sót đối tượng, chỉ khi đó mới thực hiện đầy đủ được sự công bằng xã hội. Vậy tại TPHCM đang thực hiện công tác này ra sao, chúng tôi mời quý vị theo dõi phần tiếp theo của loạt bài này trong chương trình thời sự trưa ngày mai.

VOH

Bình luận

Đọc Báo