Cần sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng đồng bộ, chặt chẽ - Thời sự 17g 10/5/2022

(VOH) - Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến thảo luận, đóng góp từ các đại biểu, các chuyên gia để báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 3 sắp tới.

Tại Hội thảo góp ý dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức, phần lớn các ý kiến cho rằng cần thiết sửa đổi theo hướng đồng bộ, chặt chẽ, bám sát thực tiễn không để bỏ sót những hành vi bạo lực gia đình. 

Nhiều ý kiến đề xuất đối với các hành vi dung túng, bao che bạo lực gia đình cần có biện pháp răn đe gắn với các biện pháp chế tài nặng hoặc xử lý hình sự nhằm hạn chế tối đa các biểu hiện thờ ơ trước các hành vi bạo lực.

Một số ý kiến cũng kiến nghị, phải tăng mức phạt với tội hành hạ trẻ em. Đồng thời rà soát quy định ở các Luật khác đảm bảo tính tương thích để khi Luật có hiệu lực có thể triển một cách khai hiệu quả, đồng bộ.

Theo Luật sư Trần Thị Hồng Việt, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các thành viên trong gia đình về phòng chống bạo lực trong gia đình ở Điều 10 của luật: “Chưa có cơ sở hỗ trợ cho nạn nhân, thì thành viên đưa họ đi đâu. Tôi đề nghị cần có biện pháp chế tài khi có hành vi xảy ra thì phải có chế tài buộc người gây ra bạo lực gia đình phải rời nơi ở trong 1 thời gian nhất định”.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng cần quy định chi tiết việc bảo vệ nạn nhân, người tố giác hành vi bạo lực gia đình. Cùng với các đoàn thể, tổ chức khác, cần nêu rõ trách nhiệm của đoàn thanh niên, tổ chức thanh niên trong tuyên truyền, giáo dục về Luật phòng chống bạo lực gia đình trong giới trẻ.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Khánh Tâm - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nữ trí thức TPHCM, cần tăng chế tài xử phạt: “Khi thảo luận Nghị định của Chính phủ về xử phạt được ban hành thì cần nghiên cứu thật kỹ. Vì hiện nay hình thức xử phạt rất nhẹ, cần điều chỉnh để đủ sức răn đe”.

Tham gia thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch hội đồng Nhân dân Thành phố cho rằng, việc sửa đổi Luật phòng chống bạo lực gia đình là cần thiết, thể hiện tính nhân văn, với mục đích phòng là chính. Muốn phòng các hành vi bạo lực gia đình xảy ra thì giáo dục là quan trọng. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền giáo dục, giáo dục ngay trong nhà trường.

Bên cạnh đó, khâu hòa giải, tư vấn hiệu quả cũng rất quan trọng để hạn chế các vụ việc bạo lực gia đình, đồng thời cần quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân: “Tôi đề nghị có tính thực tiễn, việc xác minh, xử lý tin báo cần đảm bảo kịp thời để xử lý hiệu quả hành vi bạo lực gia đình. Hiện đã có đường dây nóng quốc gia, cần luật hóa và quy định cụ thể về việc điều phối đường dây nóng. Sau ban hành Luật, ở cấp địa phương cũng phải thiết kế đường dây nóng để tiếp nhận thông tin kịp thời”.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến thảo luận, đóng góp từ các đại biểu, các chuyên gia để báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Ngọc Phong

VOH

Bình luận

Đọc Báo