Cần siết chặt cơ chế chia sẻ rủi ro - Thời sự 11g00 19/11/2019

(VOH) - Cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu trong dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là nội dung được các đại biểu quan tâm đặc biệt trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 19/11.

Các đại biểu cho rằng, cần siết thật chặt cơ chế chia sẻ rủi ro, để nhà đầu tư và Nhà nước đều phải cân nhắc kỹ khi đầu tư và tiến hành ký kết hợp đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ghi nhận của Thông tín viên Ngọc Ánh:

Các đại biểu cho rằng, chủ trương việc khoanh các dự án PPP trong 7 lĩnh vực mà dự thảo đã đưa ra, đây là những lĩnh vực có triển vọng khả thi, phương án thu hồi vốn và quản lý cũng không quá phức tạp đã được khẳng định trong thực tiễn.

Tại dự thảo Luật PPP, Nhà nước cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Nhà nước không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Một số đại biểu băn khoăn, dự luật chưa làm rõ được nếu Nhà nước phải bù đắp thì nguồn tiền từ lấy đâu? Liệu có được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không, hay trích từ quỹ tích lũy trả nợ đã được quy định tại Luật Quản lý nợ công không? Ngoài ra, Nếu áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu thì liệu việc kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP có tuân thủ nguyên tắc thị trường hay không, đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc nêu ý kiến:"Khi doanh nghiệp dự án hụt thu thì Chính phủ sẽ chia sẻ không quá 50% hụt thu. Tại điểm b khoản 2 quy định khi tăng thu thì doanh nghiệp dự án chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu quy định như vậy theo tôi không công bằng khó chấp nhận và không có mức cụ thể sẽ dẫn đến mặc cả xin cho gây tiêu cực và lợi ích nhóm. Đề nghị về nguyên tắc chia sẻ phải công bằng dễ chấp nhận nghĩa là hụt thu chia sẻ bao nhiêu phần trăm thì tăng thu cũng chia sẻ bấy nhiêu phần trăm".

Cũng quan tâm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến Đoàn Tiền Giang đề nghị quy định giao cho Hội đồng thẩm định dự án PPP xem xét,điều chỉnh tăng mức giá phí sản phẩm,dịch vụ công hoặc gia hạn,thời gian hợp đồng: "Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thêm phương án là không xác định tỷ lệ 50 % này mà chọn tỷ lệ chia sẻ rủi ro theo tỷ lệ cơ cấu góp vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn Nhà nước vào dự án,đồng thời chịu rủi ro là 50-50  đối với phần huy động hợp pháp khác".

Việc lựa chọn nhà đầu tư, đại biểu Mai Hồng Hải, đoàn Hải Phòng cho rằng cần thực hiện đấu thầu rộng rãi về trình tự,thủ tục đấu thầu cần kế thừa triệt để Luật đấu thầu hiện hành: "Vì đây chỉ là cách thức chọn ra nhà đầu tư xứng đáng nhất còn việc ưu đãi hấp dẫn hay không phải thể hiện trong điều kiện hồ sơ mời thầu không nên quy định ưu ái về trình tự,thủ tục đấu thầu. Ví dụ trong quy trình tổng quát lựa chọn nhà đầu tư tại Điều 31 quy định tại điểm a khoản 1 chuẩn bị lượng chọn nhà đầu tư bao gồm lựa chọn danh sách ngắn là không phù hợp đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT mà nguồn thanh toán là tài sản công ở điểm a khoản 3 Điều 40 chỉ nên quy định đấu thầu cùng lúc cả thực hiện dự án và đấu giá tài sản công để trả cho dự án đơn vị trúng thầu là đơn vị có hiệu số giữa giá đấu giá tài sản,trừ đi giá bỏ thầu thực hiện dự án cao nhất là đơn vị trúng thầu".

Hiện nay các dự án PPP chủ yếu được triển khai qua hình thức BOT và BT tập trung vào lĩnh vực giao thông và một số công trình phúc lợi, đối với lĩnh vực môi trường xử lý nước thải,rác thải mặc dù đang rất nóng bỏng nhưng vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư. Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang cho rằng, nguyên nhân là do việc quy định cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng mức giá thuê các doanh nghiệp xử lý nước thải ,rác thải, khung giá đưa ra các tỉnh đưa ra thường không hấp dẫn: "Thường là các địa phương đòi hỏi phải công nghệ cao công nghệ cao gắn với các doanh nghiệp độc quyền công nghệ.Việc xác định mức giá xử lý chưa có thực tế để đối chiếu các địa phương sẽ quan ngại sợ rằng khi mình đưa ra mức giá mà sau này với tiến bộ công nghệ hoặc với một địa phương khác,người ta đàm phán lại với mức giá thấp hơn thì mình lại bị đánh giá rằng có vấn đề này nọ thì chắc là rất quan ngại. Tôi đề nghị dự thảo cũng nên quy định cái việc Chính phủ cần có trách nhiệm trong việc đưa ra một khung giá thống nhất trong phạm vi cả nước đối với các doanh nghiệp đối với các dịch vụ mà các doanh nghiệp".

VOH

Bình luận

Đọc Báo