Cần bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự - Thời sự 17g00 21/5/2020

(VOH) - Trong phiên họp chiều nay, các Đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Ghi nhận của Phóng viên Ngọc Phong.

Trong phần thảo luận trực tuyến, đa số ý kiến đại biểu tán thành về phạm vi sửa đổi một số điều của Luật Giám định tư pháp. Theo đó, Luật sẽ sửa đổi, bổ sung những quy định để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc, nhằm phục vụ hiệu quả việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng. Cũng có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi để phân định thẩm quyền giám định pháp y tử thi giữa ngành Y tế và ngành Công an, mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực có nhu cầu lớn như: giám định ADN, giám định tài liệu, giám định số khung, số máy xe cơ giới. Việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định trong Điều 12 là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trần Hồng Hà, đoàn Vĩnh Phúc cho rằng việc bổ sung thêm là cần thiết nhưng phải lưu ý một số nội dung: "Đề nghị nghiên cứu để dự thảo luật được thống nhất, hiện dự thảo Luật chưa quy định thẩm quyền và quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên của tổ chức này".

Dự thảo Luật Giám định tư pháp sửa đổi lần này có bổ sung quy định về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Các đại biểu cho rằng quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Theo đó, từ ngày 01/01/2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng. Ông Phan Thái Bình, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự đồng tình: "Yêu cầu về giám định về âm thanh thực tế ngày càng cao, để đáp ứng nhu cầu này với các loại tội phạm tham nhũng. Do đó  việc bổ sung quy định này là rất cần thiết".

Việc bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là tổ chức giám định công lập về kỹ thuật hình sự đã được Chính phủ cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay. Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn Đắk Lắk đề nghị trong quá trình hoàn chỉnh luật cơ quan soạn thảo cần lưu ý thêm để tránh xung đột với Luật Kiểm sát nhân dân: "Chúng ta quy định về chức năng của phòng giám định thuộc Viện kiểm sát nhân dân có xung đột với Luật Kiểm sát nhân dân. Vừa thực hiện quyền công tố vừa giám định liệu có khách quan hay không".

Các đại biểu cũng cho rằng, Điều 15 dự thảo Luật quy định điều kiện về thời gian 03 năm làm giám định viên để thành lập Văn phòng Giám định tư pháp là chưa phù hợp, cần giữ quy định 05 năm như hiện hành; ngoài điều kiện về thời gian làm giám định viên, cần bổ sung điều kiện về hoạt động Giám định tư pháp thường xuyên.

VOH

Bình luận

Đọc Báo