Cải cách hành chính trong đăng ký đất đai (Bài 1) – Thời sự 11g 03/10/2018

(VOH) – Hiện nay, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, người dân chỉ phải làm 3 quy trình, với thời gian từ 10 đến 15 ngày.

Để thực hiện nghĩa vụ đóng thuế hoàn tất thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, người dân chỉ phải làm 3 quy trình, với thời gian từ 10 đến 15 ngày, thay vì phải qua 9 bước với hơn 30 ngày như trước. Đây là kết quả của quá trình cải cách hành chính, liên thông điện tử giữa ngành thuế với ngành tài nguyên và môi trường thành phố trong 3 năm qua.

Để tiếp tục hỗ trợ tốt hơn cho người dân, hai đơn vị sẽ có những điều chỉnh, cải thiện trong quá trình phối hợp để vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không còn là vấn đề bức xúc trong nhân dân.

Từ năm 2015, trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện và hướng đến việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông, giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận trên địa bàn thành phố; Cục thuế Thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường đã thông qua quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa đơn vị.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã có gần 20.000 hồ sơ thực hiện liên thông thuế điện tử tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn thành phố. Nếu theo quy trình không liên thông thuế điện tử, người dân phải đi lại rất nhiều lần, liên hệ nhiều cơ quan, nhân sự thực hiện cần 12 cán bộ cùng ba lãnh đạo. Trong khi đó, áp dụng liên thông thuế điện tử thì người dân chỉ liên hệ ba nơi là UBND phường, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Nhờ vậy, nhân sự thực hiện công việc cũng giảm theo, chỉ còn một lãnh đạo ký duyệt hồ sơ và hai cán bộ thực hiện chuyển phiếu chuyển.

Văn phòng Đăng ký đất đất đai Quận 12 là đơn vị đi đầu trong thực hiện việc liên thông này. Hai năm nay, Chi cục Thuế quận 12 đã áp dụng quy trình trên cho toàn bộ số hồ sơ thuộc diện liên thông thuế điện tử sáu loại hồ sơ nhà đất. Còn chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa theo liên thông giấy do Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện với hơn 21.200 hồ sơ năm 2017 và hơn 16.000 hồ sơ bảy tháng năm nay. Tỉ lệ giải quyết đạt 100%.

Ông Mai Văn Quang, Chi Cục trưởng Chi cục thuế Quận 12 cho biết trong giai đoạn đầu phải cử cán bộ thuế xuống hướng dẫn bộ phận tiếp nhận hồ sơ để tránh nhận xong lại điều chỉnh bổ sung. Khi áp dụng liên thông đã giúp chi cục thuế giảm được áp lực rất nhiều, không còn cảnh dân chen chúc nộp hồ sơ, đóng tiền: ”Trọng tâm, trọng yếu, quyết định sự thành bại của việc triển khai điện tử là: thứ nhất phải có quy chế liên thông, phải có hạ tầng công nghệ thông tin, thứ ba là con người. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất, quyết định đến kết quả triển khai của việc liên thông, đ1o là sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp lãnh đạo, từ Cục trưởng, giám đốc Sở, Chi cục trưởng, Giám đốc của Phòng đăng ký, đội trưởng… thì người đứng đầu không quyết tâm, quyết liệt thì sẽ không bao giờ triển khai được. Vì sao, khi triển khai việc cải cách hành chánh, sẽ đụng rất nhiều bộ phận khác, do lãnh đạo bộ phận khác phụ trách, mà cấp phó này rất ngại đụng chạm với cấp phó kia”

Hiện nay, Quận Bình Tân cũng đã triển khai liên thông thuế điện tử cho hai loại hồ sơ là: cấp giấy chứng nhận lần đầu và hồ sơ chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. Bắt đầu từ đầu tháng 9 này áp dụng cho trường hợp chuyển nhượng cập nhật đăng bộ. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện vẫn còn gặp khó khăn như: phát sinh thủ tục hành chính do phải yêu cầu người dân một số giấy tờ liên quan đến việc xác định thuế. Ngoài ra, thiết bị, máy móc chưa đáp ứng yêu cầu, việc nâng cấp, sửa chữa đường truyền dữ liệu mất nhiều thời gian trong khi hồ sơ không thể dừng lại chờ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh quận Bình Tân, cho biết: “Mình trang bị các trang thiết bị thực sự là không đủ để thực hiện liên thông thuế điện tử, thứ nhất là đường truyền của các chi nhánh nằm trong UBND quận thì rất yếu, mỗi khi đề nghị nâng cấp hay sửa chữa đường truyền thì rất vất vả, quá trình có sự cố thì cũng chờ rất lâu; nhưng hồ sơ của các chi nhánh không thể chờ được, hồ sơ mà trễ thì người dân sẽ phàn nàn. Trang bị về hạ tầng công nghệ thông tin cũng rất kém. Riêng quận Bình Tân cũng tranh thủ được UBND Quận hỗ trợ thuê máy scan trong năm đầu tiên thực hiện liên thông thuế điện tử”

Chính vì thực hiện liên thông điện tử như vậy nên làm cho công việc của các cán bộ thực hiện nhiệm vụ tăng thêm, phát sinh một số thủ tục mới, đôi khi còn gây chậm trễ trong giải quyết thủ tục.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chi cục trưởng Chi Cục thuế Quận Bình Tân, cho biết: “Trong việc thực hiện liên thông điện tử thì hiệu quả vẫn chưa cao, do Chi cục thuế vẫn phải thực hiện 2 công việc cùng một lúc. Thứ nhất là mình phải làm hồ sơ giấy, thứ hai là làm hồ sơ liên thông điện tử, là ký điệnt ử trên hệ thống. Việc này dẫn đến cán bộ của bộ phận trước bạ cùng thực hiện một công việc nhưng phải làm 2 lần”

 Bà Võ Thanh Thủy, Trưởng Phòng Quản lý các khoản thu từ đất, Cục thuế TPHCM cho biết, cải cách hành chính về thuế là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành, đã có nhiều khoản thu Cục thuế Thành phố đã triển khai bằng hình thức thu điện tử đạt hiệu quả cao. Riêng nghĩa vụ tài chính về đất đai là một mảng trọng tâm của việc cải cách hành chính được đặt ra trong giai đoạn hiện tại và thời gian tới. Về cơ sở hạ tầng, Cục thuế Thành phố đã triển khai đồng bộ cho 24 Chi cục thuế quận huyện thực hiện liên thông này.

Tuy nhiên, do nhiều Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai chưa đáp ứng được cơ sở hạ tầng, nên đã có 16 chi nhánh văn phòng đăng ký thực hiện liên thông sau đó ngưng lại do nhiều khó khăn. Phân tích những khó khăn, Bà Võ Thanh Thủy, cho hay: “Việc tính nghĩa vụ tài chính trên phiếu chuyển thông tin của bên Văn phòng đăng ký đất đai chuyển qua theo yêu cầu là phải scan đầy đủ hồ sơ chuyển qua, theo yêu cầu của Thông tư 88 Tổng Cục thuế. Nhưng cơ sở hạ tầng yếu mà dữ liệu này rất nặng nên cơ quan thuế không nhận đầy đủ hồ hơ từ đường truyền chuyển qua. Tháo gỡ vướng mắc này, Cục thuế TP đã có văn bản kiến nghị với Tổng Cục thuế thống nhất lại với Tổng Cục đất đai. Thứ hai nữa là: dữ liệu trên đường truyền này chỉ tồn tại một thời gian thôi, nhưng hồ sơ quản lý đất đai lại cần một quá trình lưu trữ dài, nên 2 đơn vị cũng cần xem lại vấn đề này để tạo thêm được niềm tin để thực hiện liên thông điện tử”

Vì vậy, để thực hiện tốt hơn việc liên thông điện tử trong nghĩa vụ thuế nhà đất, cả cơ quan Thuế và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ phải có những giải pháp tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc cũng như nâng cấp hệ thống hạ tầng, cơ sở dữ liệu.

VOH

Bình luận

Đọc Báo