Bước ngoặt lịch sử và bài học thời đại của cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân - Thời sự 5h30 30/1

Tọa đàm “Bước ngoặt lịch sử và bài học thời đại của cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân”.

VOH: Thưa quý vị! Có thể nói Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường, sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đánh dấu bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam về tổ chức và phát động một cuộc tiến công đồng loạt trên khắp chiến trường rộng lớn vào các sào huyệt của địch mà vẫn giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 còn thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam; để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Và bài học đó là gì, xin mời PGS-TS Hà Minh Hồng phân tích?

 PGS-TS Hà Minh Hồng:  Chúng ta cũng thấy được là một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cả mùa xuân ấy, trong đó quan trọng nhất là sự khởi đầu là đợt 1 từ đêm 31/1/1968, trong vòng nữa tháng của đợt đầu đó đã làm nên trận đánh bất ngờ như vậy và tạo ra quá trình từ đó trở về cả năm 68 tổng tiến công và nổi dậy, làm liên tiếp 3 đợt tấn công đó. Cho nên bài học ở đây là chúng ta thấy là tại sao trong quá trình cuộc kháng chiến 14 năm trước đó chưa làm được như vậy, đến đây chúng ta đã làm được một cách nhanh chóng, bất ngờ. Cái quan trọng trước hết vẫn là bài học về ý đảng, lòng dân, có ý đảng, có sự nhất trí từ trên xuống dưới, có sự nhất quán về tinh thần, xác minh được mục tiêu trong thực hiện đó, từ người cao nhất đến lãnh đạo các cấp, quân dân, tận người chiến sĩ, thống nhất được ý chí của toàn đảng, toàn dân, bài học đó cho phép chúng ta để quân dân trong thực tế có khả năng sáng tạo. Tôi cho rằng trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào rất cần ý chí quyết tâm, rất cần ý đảng lòng dân được thống nhất, rất cần sự thống nhất từ trên xuống dưới để tạo ra sức mạnh. Bài học thứ hai cũng quan trọng là sự táo bạo, đây là bài học tâm đắc sau này khi nhìn lại tổng kết lại cuộc kháng chiến, bài học của Mậu Thân trong vấn đề là táo bạo bất ngờ là nhân tố, như là bí mật quan trọng nhất. Trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đã tính toán, cơ sở đầy đủ, khơi dậy sức mạnh của nhân dân rồi thì phải có những người dám nghĩ dám làm. Vấn đề thứ ba là xác định được vai trò của đô thị, nhằm vào đô thị và đưa chiến tranh vào đô thị từ năm 1954, đến năm 1968, sau 14 năm đã đưa chiến tranh vào đô thị, đã khơi dậy tất cả sức mạnh của đô thị, thì đến năm 1968 chúng ta đã thấy rõ không thể thiếu vai trò không thể thiếu của đô thị, và cho đến giai đoạn hiện nay, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, từ giai đoạn chiến tranh, sau chiến tranh, tạo điều kiện cho chúng ta nhìn thấy một năng lực rất lớn của các vùng miền trên đất nước, thì trong đó có đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn-TPHCM cửa ngõ của phía Nam vẫn là trọng điểm. Vì thế bài học được khơi dậy được sức mạnh vai trò của đô thị cũng là một trong những bài học theo tôi cho đến giai đoạn hiện nay vẫn thấy thấm thía về vấn đề này.

VOH:  Chúng ta vừa nghe PGS-TS Hà Minh Hồng phân tích về bài học về lịch sử cũng như giá trị thời đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968,  còn theo PGS-TS Vũ Quang Đạo thì bài học thời đại qua Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 cần được phát huy và vận dụng như thế nào?

 PGS-TS Vũ Quang Đạo trả lời: Về vấn đề Mậu Thân đặt ra không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc ta, nhân dân ta và đất nước ta trước kia cũng như hiện nay như thầy Hồng vừa trình bày. Nhưng còn dưới góc độ quốc tế, vấn đề thời đại thì Mậu Thân 68 cũng đã mở ra nhiều vấn đề chúng ta cần suy ngẫm, rút ra những vấn đề  hiện tại và tương lai cho đất nước. Mậu Thân 68 trước hết phải thấy rằng việc quyết định tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân đúng thời điểm, rõ ràng chúng ta đã chớp được thời cơ có tính lịch sử không chỉ trong nước và đặc biệt của quốc tế và chính nước Mỹ. Có những vấn đề đặt ra mà chúng ta chớp được thời cơ đó, vì vậy chúng ta mới giành được bất ngờ và thắng lợi, thậm chí có những cái vượt quá dự kiến ban đầu của chúng ta, vì chúng ta muốn Mỹ xuống thang chiến tranh mà không nghĩ Mỹ xuống thang đến mức như vậy. Vậy thì điều đầu tiên chúng ta muốn làm gì thì phải suy nghĩ đến vấn đề mang tính điều kiện và thời cơ có tầm quốc tế. Nếu một đất nước, một dân tộc trong chiến tranh đã là như vậy, thì trong hòa bình, xây dựng hiện nay chúng ta có những điều kiện của quốc tế và trong nước, nhưng nội lực muốn phát huy được không thì phải căn cứ vào điều kiện quốc tế có thời cơ và thách thức, nếu chỉ ra được những vấn đề đó thì chúng ta đã tạo ra cách nhìn về thời cơ và thách thức, về thuận lợi và khó khăn, để chúng ta có định hướng phát triển của đất nước và đề ra mục tiêu cụ thể cho phù hợp. Đó là tôi nghĩ đó là vấn đề thời đại đặt ra đầu tiên đối với đất nước ta trong Mậu Thân và hiện nay. Thứ hai chính chúng ta tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam đồng loạt, đặc biệt đánh thẳng vào Sài Gòn, đặc biệt là đánh thẳng vào Đại sứ quán của Mỹ, đã làm cho chính giới Mỹ mất ăn mất ngủ đã đành, còn làm cho người dân nước Mỹ bình thường cũng suốt ngày theo dõi trên màn hình theo dõi xem Đại sứ quán thế nào, xem tình hình cuộc chiến ở miền Nam thế nào rồi. Rõ ràng những vấn đề đó không còn nằm trong phạm vi của miền Nam Việt Nam nữa mà cả thế giới lúc đó cũng liên quan đến chuyện này. Những cuộc phản đối chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam nỗ ra gần khắp thế giới, đặc biệt là Châu Âu và Châu Mỹ. Rõ ràng cuộc chiến ở Việt Nam nói chung và Mậu Thân nói riêng có giá trị thời đại hết sức sâu sắc. Tôi cho rằng một trong những điều Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau này đến thăm Việt Nam có trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông có nói một câu: bản thân tôi và nhiều người Mỹ không hiểu về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, nếu chúng tôi hiểu điều đó thì không có những chuyện như vậy. Có một chuyện đặt ra là trong chiến tranh hay hòa bình vấn đề làm cho thế giới, cho đối tác, đối phương hiểu về chúng ta hết sức quan trọng, trong điều kiện hiện nay chúng ta phải làm sao cho mọi người thấy rằng Việt Nam có vị thế, có tầm cỡ và có địa vị của mình trong trường quốc tế và chúng ta có thực lực đến đâu có khả năng đến đâu thì phát huy hết cái đó, phát huy tất cả nội lực về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, đặc biệt là văn hóa Việt Nam. Một vấn đề nữa Mậu Thân đặt ra là chính Mậu Thân đã tạo ra tiền đề trực tiếp dẫn đến đám phán Pari, chấp nhận ngồi bàn đàm phán ở hội nghị Pari, coi như các bên ngang bằng nhau trong cuộc đàm phán đó. Trong cuộc đàm phán đó họ tiếp tục bị chúng ta đánh bại bởi không chỉ ngoại giao đơn thuần mà bằng chính sức mạnh chính trị, sức mạnh quân sự từ trong nước. Ở đây chính Bác Hồ đã nói : thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chính cái chiêng chúng ta mạnh nên tiếng to. Ở đây Mậu Thân đã làm mở đầu cho đàm phán Pari, vậy thì hiện nay trong điều kiện ngoại giao, điều kiện thực lực hiện nay thì giữa kinh tế, chính trị, với văn hóa, ngoại giao phải kết hợp chặt chẽ với nhau, tất cả đều dựa vào tầm cỡ, vị thế, thực lực của Việt Nam, nếu chúng ta không có vị thế thực lực đó thì làm sao có tiếng nói trên trường quốc tế hiện nay. Đó là những vấn đề mang tính thời đại và có giá trị hết sức ý nghĩa trong thời đại hiện nay.

VOH: Xin cám ơn hai vị khách mời. Qua phần phân tích về ý nghĩa lịch sử và bài học thời đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 từ 2 vị khách mời, có thể nhận thấy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã, đang và sẽ tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thử thách, tranh thủ cơ hội mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Minh Hiệp

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo