Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các đại biểu - Thời sự 11g00 06/11/2019

(VOH) - Sáng nay, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn, các thành viên Chính phủ sẽ lần lượt đăng đàn...

Sáng nay, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn, các thành viên Chính phủ sẽ lần lượt đăng đàn là: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là người đầu tiên đăng đàn trong phiên chất vấn sáng nay.

Thời sự 11g00, nghe thời sự VOH

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của các đại biểu. (Ảnh: dantri)

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong 3 ngày (từ hôm nay đến ngày 8/11). Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: “Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục áp dụng cách chất vấn như các kỳ họp trước. Mỗi bộ trưởng có 5 phút để phát biểu trước phiên chất vấn. Mỗi lượt chất vấn có từ 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi. Mỗi đại biểu đặt câu hỏi trong 1 phút và mỗi bộ trưởng có 3 phút trả lời câu hỏi của các đại biểu. Các thành viên Chính phủ cần trả lời thẳng thắn, trách nhiệm và có lộ trình, giải pháp cụ thể”

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là người đầu tiên đăng đàn trong phiên chất vấn sáng nay Nội dung chất vấn xoay quanh: Chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; phát triển thị trường nông sản, thủy sản; phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Là người đầu tiên chất vấn, bà Phạm Thị Thu Trang - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự đóng góp của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. “Trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong tổ chức, sản xuất và đầu tư, giá trị nông sản và phát triển thị trường. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình và giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn”

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 đơn vị; hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đều góp mặt và trải dài khắp vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển nông nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Bởi vì chúng ta coi doanh nghiệp, hợp tác xã là hạt nhân trong sự liên kết, phát triển chặt chẽ của chúng ta. Và những doanh nghiệp này được rải khắp các vùng miền, trên tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất trực tiếp, từ tổ chức và từ phát triển thương mại”

Cũng liên quan vấn đề này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đại biểu Châu Chắc – Đoàn An Giang nêu câu hỏi về việc phát triển thương hiệu gạo Việt Nam: “Nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam khi xuất khẩu. Xin Bộ trưởng cho biết giải phát để phát triển thương hiệu gạo đã đạt được kết quả như thế nào? Và các giải pháp sắp tới ra sao?”

Trả lời chất vấn này, ông Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn đánh giá: Lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh. “Trên thế giới có 7 tỷ người thì chỉ 3,5 tỷ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỷ đôla Mỹ. Điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo”

Hiện nay Việt Nam có 7,8 triệu ha đất canh tác và 4,1 triệu ha diện tích đất lúa, theo ông Cường, Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng 0,5 triệu ha đất, tương đương giảm 5 - 6 triệu tấn thóc, 3 - 4 triệu tấn lúa. Chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn đảm bảo được nhưng thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn.

Riêng đại biểu Phạm Văn Tuân – Đoàn Thái Bình nêu thắc mắc về vấn đề môi trường và công ăn việc làm cho nông dân: “Thời gian qua, với việc xây dựng hạ tầng, thiết chế xã hội, chưa thực sự làm chuyển biến. Còn hạn chế về vấn đề môi trường và giải quyết việc làm. Xin Bộ trưởng cho biết có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này”

Đánh giá cao câu hỏi này của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Đây là câu hỏi mà đặt ra để chúng ta sẽ có giải pháp tháo gỡ những nút thắt tích tụ rồi giải quyết vấn đề này như thế nào trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ cũng như các ban ngành khác phải làm sao để tới đây giải quyết tốt vấn đề này trong 2021 – 2015”

Phú Sơn

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo