Bài học từ chiến thắng chấn động Điện Biên Phủ  - Thời sự 5g30 07/05/2019

(VOH) - Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đóng góp vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

65 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã thực hiện Chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đóng góp vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Thắng lợi này còn để lại nhiều bài học quý giá về tư tưởng chiến lược tiến công, tư tưởng nhỏ thắng lớn, thô sơ thắng hiện đại, nghệ thuật tổ chức, chỉ huy và phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tổ chức chuẩn bị và điều hành chiến dịch...

Bằng cách đánh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mặc dù không có máy bay, xe tăng, pháo lớn, lại xa căn cứ hậu phương, nhưng chúng ta vẫn chiến thắng. Những bài học đó sẽ tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo trong huấn luyện và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đề cập đến vấn đề này, Phóng viên Quỳnh Anh đã phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Quang Đạo – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam:

VOH: Thưa ông, trước hết xin ông cho biết lý do của việc thay đổi từ phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Ý đồ của chúng ta lúc đầu khi đưa quân vào Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tham mưu và các lực lượng trinh sát của ta đã trinh sát rất kỹ, và đưa ra phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Lý do là vì lúc đó tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chưa được củng cố vững chắc như sau này. Nhưng chỉ trong vòng mấy tháng, Pháp đã tăng cường lực lượng khi thấy bộ đội Việt Nam có thể đưa quân lên quyết đấu ở đó. Chúng đã đưa lực lượng viện binh tăng cường, nâng tổng số quân Pháp có mặt tại Điện Biên lên 16.200 tên, cùng với pháo binh, không quân hỗ trợ.

Vì vậy sau khi trinh sát kỹ lưỡng, có thể nói, trong cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đã có sự dân chủ hết sức rõ ràng. Có những đống chí đã thẳng thắn phát biểu rằng, nếu như không thay đổi cách đánh, vẫn “đánh nhanh, thắng nhanh” thì có thể chúng ta sẽ thất bại, đó là đồng chí Phạm Kiệt. Chính vì thế sau khi đưa quân lên Điện Biên, đã kéo pháo vào, đồng chí Võ Nguyên Giáp quyết định kéo pháo ra, chuẩn bị lại để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

VOH: Việc thay đổi phương châm tác chiến ngay trước giờ nổ súng đã đặt ra cho chúng ta những vấn đề gì?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Khi “đánh chắc, tiến chắc” thì sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề. Thứ nhất, lực lượng pháo của ta đã đưa vào sát trận địa, bộ binh đã sẵn sàng, hậu cần của ta đã chuẩn bị theo hướng “đánh nhanh, thắng nhanh” nên không nhiều. Do đó không chỉ đơn giản là kéo pháo vào rồi kéo pháo ra như trước giờ chúng ta thường nói. Trên góc nhìn nghệ thuật quân sự cần nhìn nhận rộng hơn, đó là toàn bộ lực lượng bộ binh hành quân từ xuôi lên đã vào áp sát trận địa, phải quay về để củng cố quyết tâm, xây dựng phương án tác chiến mới. Thứ hai, lực lượng hậu cần trước kia phục vụ cho phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, bây giờ chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” thì sẽ giải quyết như thế nào? Nó liên quan đến toàn bộ công tác chuẩn bị không chỉ của tiền tuyến và phải có lực lượng vận chuyển để bảo đảm cho “đánh chắc, tiến chắc”. Thứ ba, nếu không chặn được đường tiếp tế của Pháp thì dù chúng ta có đánh dài đến mấy đi nữa, thì với ưu thế về đường hàng không, Pháp vẫn đủ sức để trụ lại, thậm chí có thể tổ chức thay quân nếu cần thiết.

VOH: Như vậy, xét về quân số, hỏa lực, sức cơ động, quân Pháp đều vượt hơn ta. Chúng ta đã làm thế nào để hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của đối phương?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Đây là một bài toán rất lớn. Thứ nhất là ta đặt pháo ở các sườn núi phía trên, bắn gần như trực tiếp vào trận địa của Pháp ở dưới. Đó là một điểm lợi thế của ta. Thứ hai, trận địa của ta thì bí mật nhưng trận địa của Pháp thì phơi bày ra. Vì vậy khi bắt đầu tiến công, pháo của ta cất tiếng, bắn thẳng vào căn cứ của địch thì Trung tá Piroth đã hoàn toàn bất ngờ đến mức khủng hoảng, suy sụp và tự sát. Đó là thành công của ta trong sử dụng lực lượng pháo binh và bố trí trận địa pháo. Ngoài ra ta còn giải quyết một vấn đề nữa liên quan trực tiếp đến pháo binh, công binh và bộ binh. Đối với chiến trường Điện Biên, làm thế nào để vừa tiêu diệt địch, giảm sức mạnh của địch nhưng vẫn bảo vệ được ta, đó là một bài toán. Ta đã đưa ra phương châm tác chiến là “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”.

Và thông qua các lục lượng mà đặc biệt là bộ binh, ta đã vừa bắn tỉa vừa tiến hành đào hào để thọc thẳng vào căn cứ địch. Đây là phương án hết sức sáng tạo nhưng đồng thời cũng thể hiện tinh thần dũng cảm hy sinh của quân và dân ta. Khi ta đào hầm, thực dân Pháp có cảm giác như có người đang đào huyệt chôn mình gần đây. Đây là điểm thể hiện rất rõ phương châm “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” theo nghĩa không chỉ là ta vây xung quanh, mà chúng ta còn lấn, còn dũi, dùng lực lượng bộ binh trực tiếp làm điều đó. Ta vừa đánh địch, vừa đào công sự thì không những đưa được quân ta vào sát bên địch mà địch không thể cản, mà còn làm xóa đi ranh giới giữa địch và ta, không còn phân biệt trận địa của địch và của ta. Vì thế đã triệt đi đường tiếp tế của địch. Khi sân bay Mường Thanh bị khống chế, Pháp chỉ còn cách thả dù, mà thả dù khi quân ta đang chĩa mũi nhọn ở các giao thông hào sát trận địa của địch, thì các kiện hàng tiếp tế có khi rơi vào quân ta. Như vậy đường hàng không của chúng gần như bị tê liệt.

VOH: Việc vận dụng nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tập trung vào những vấn đề trọng điểm nào?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Tư tưởng lớn nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ đứng về mặt quân sự nhìn nhận, có thể nói đó là nghệ thuật quân sự trên nền tảng chiến tranh nhân dân. Chính vì vậy, hiện nay chúng ta xây dựng quốc phòng phải dựa trên cơ sở nền quốc phòng toàn dân. Nếu không có toàn dân, không có Đảng lãnh đạo toàn dân, chỉ một mình lực lượng vũ trang đơn điệu thì chắc chắn ta không đủ lực lượng, không đủ sức mạnh để đối phó với các thế lực xâm lược. Mà các thế lực xâm lược thì bao giờ cũng chuẩn bị quân đội với vũ khí trang bị chắc chắn là hơn chúng ta. Nhưng ta thắng được địch là vì ta có chiến tranh nhân dân. Chiến tranh nhân dân gợi ra nhiều vấn đề, một là sức mạnh toàn dân đóng góp cho nền quốc phòng; hai là sức mạnh của nhân dân đóng góp trên vấn đề cụ thể là đưa con em mình tham gia vào lực lượng vũ trang; ba là nhân dân là một trong những đối tượng được bảo vệ, nhưng đồng thời cũng là một trong những lực lượng tham gia tác chiến khi cần thiết. Vấn đề thứ hai, phải nói là chiến tranh nhân dân nhưng lực lượng nòng cốt vẫn là quân đội.

Trong điều kiện đó, chúng ta đã có một đội quân hết sức trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, sẵn sàng hy sinh thân mình. Khi chúng ta thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, chắc chắn chiến tranh sẽ đòi hỏi sự tổn thất, thậm chí là hy sinh xương máu và tính mạng. Vậy những người lính Việt Nam hiện nay có dám hy sinh tính mạng của mình không? Chắc chắn bộ đội Việt Nam dám làm, nhưng không phải hy sinh một cách mù quáng mà phải trên cơ sở giác ngộ về lý tưởng cộng sản, lý tưởng cách mạng, về lòng yêu nước, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần vì nhân dân phục vụ. Phải thấu suốt điều đó thì những người lính mới thật sự đi vào cuộc chiến một cách nhẹ nhàng, hy sinh một cách hữu ích cho Tổ quốc và nhân dân. Một vấn đề nữa cần suy ngẫm từ Điện Biên Phủ là vai trò của nhân dân và hậu phương nói chung. Đây là việc mà ta đã nghiên cứu và tổ chức xây dựng các khu vực phòng thủ trên phạm vi cả nước. Tôi cho rằng đó là sự phát triển hết sức đúng đắn. Không ai mong chiến tranh xảy ra để thử nghiệm, nhưng khi cần thiết, ta phải chấp nhận và sáng tạo để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh.

VOH: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

VOH.

Bình luận

Đọc Báo