Với chủ trương phát triển nhà ở xã hội, sau 15 năm, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội, với hơn 1,5 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Thành phố đang triển khai 2 hình thức để phát triển nhà ở xã hội là: chủ đầu tư xây dựng hẳn một dự án về nhà ở xã hội, để bán cho người lao động có thu nhập thấp, và thứ hai là nhà ở xã hội hình thành trên cơ sở sử dụng 20% diện tích sàn xây dựng của các dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, số lượng nhà ở xã hội ra đời vẫn chưa đáp ứng kịp thời với nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp.
Tiếp tục loạt bài “Thành phố Hồ Chí Minh giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp”, nhóm phóng viên VOH có bài tiếp theo:
Bài 2: “Cùng tìm giải pháp “an cư” cho người thu nhập thấp”
Theo Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã có hơn 10 doanh nghiệp và tập đoàn bất động sản tham gia chương trình nhà ở xã hội từ nhiều năm. Trong đó, có cả những doanh nghiệp hỗ trợ cho người mua, chẳng hạn như hỗ trợ 2% lãi suất mua nhà trong 2 năm đầu tiên. Dù vậy, vẫn còn một số vướng mắc làm cho doanh nghiệp không mặn mà khi đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lê Thành bày tỏ: "Khi làm nhà ở xã hội, vấn đề đầu tiên chúng tôi quan tâm là pháp lý, làm sao cho vấn đề pháp lý được nhanh nhất, thuận lợi nhất, để có thể đẩy nhanh được các dự án đưa ra thị trường. Kế đó, chúng tôi quan tâm đến những vấn đề ưu đãi của nhà nước để làm sao giảm giá thành. Cuối cùng, chúng tôi nhìn vào người dân, khi họ tham gia mua các dự án nhà ở xã hội, thì thủ tục có bị khó khăn không. Và hiện nay, đối với thủ tục xin dự án nhà ở xã hội, thực sự chúng tôi bị vướng những Luật, còn vênh nhau, mặc dù địa phương như thành phố Hồ Chí Minh rất cố gắng để đẩy nhanh nhất tiến độ, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục được giải quyết chậm".
Bên cạnh đó, các chế độ ưu đãi, chính sách phúc lợi trong quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư. Điển hình như việc việc khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thấp, chỉ được từ 20% đến 25% chi phí thực đã bỏ ra; lợi nhuận định mức 10% đối với các dự án nhà ở xã hội là không đủ để bù đắp cho chính dự án; quy định duyệt giá bán, cấp sổ hồng cho người mua cũng chậm…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Dự án nhà ở xã hội thì được miễn tiền sử dụng đất, nhưng muốn miễn tiền này, cơ quan chức năng vẫn phải làm động tác định giá đất, xác định giá đất dự án rồi sau đó mới ra quyết định miễn. Nó có trớ trêu đó do một nguyên nhân là từ Luật Nhà ở quy định. Luật quy định, người mua nhà ở xã hội 5 năm sau sẽ được bán lại nhà ở xã hội đó, nhưng khi bán phải nộp lại tiền sử dụng đất. Nhưng nộp lại tiền sử dụng đất căn cứ vào đâu? Cho nên, lại phải có động tác định tiền sử dụng đất. Nhưng động tác này chúng tôi cho rằng nó không cần thiết".
Bài 1: Người lao động khó tiếp cận nhà ở xã hội
Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nếu như trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội không quá 16 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá căn hộ ở mức từ 20 - 25 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi căn hộ nhà ở xã hội có giá trên 1 - 1,6 tỷ đồng. Với mức thu nhập của người công nhân hiện nay, việc mua nhà, kể cả nhà ở xã hội đối với họ là quá tầm với. Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận thực tế: "Trong thời gian qua, có thể nói, việc quan tâm dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã được quy định nhưng khi triển khai thực tế cũng chưa đạt được như mong đợi. Thứ hai, là về các trình tự thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư cũng còn phiền hà, nhiều trình tự thủ tục, khó khăn, dẫn đến các nhà đầu tư cũng gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án; Nguồn vốn ưu đãi cho các nhà đầu tư, dù cũng được quy định nhưng cũng chưa được thuận lợi".
“An cư, lạc nghiệp” chỉ khi nào mỗi người có được nơi sinh sống ổn định thì mới toàn tâm để lao động sản xuất. Trước khi chờ những điều chỉnh từ Luật, từ các Bộ, ngành, thành phố cần có những giải pháp chăm lo nơi ở phù hợp với nhu cầu cho người lao động. Bà Đoàn Thị Phương Diệp, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Luật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Kể cả hai đầu mối như vậy thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho người lao động ở thành phố. Nguyên nhân là, nếu như đầu tư riêng một dự án nhà ở xã hội như vậy, nhà đầu tư sẽ bị khống chế bởi tỷ lệ, lợi nhuận, tức là họ không thu được lợi nhuận như là dự án nhà ở thương mại, cho nên họ không mặn mà vào việc đầu tư này. Phần thứ hai là việc sử dụng 20% diện tích sàn dành cho nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. phần này cũng không đáp ứng được với số đông công nhân, người lao động có thu nhập thấp ở thành phố. Từ những quan sát như vậy chúng tôi cho rằng chúng ta nên tập trung vào phân khúc, cho thuê nhà ở giá thấp, cần có chính sách cho thuê với giá hợp lý thì sẽ phù hợp hơn".
Bên cạnh các giải pháp xây nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, cho thuê nhà ở giá rẻ cho công nhân thì vẫn còn thêm giải pháp khác. Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô CEP đề xuất: "Với thu nhập và tích lũy hiện nay thì khả năng mua nhà của công nhân là rất thấp. Cho nên, giải pháp đầu tiên vẫn là thuê nhà. Và ưu tiên thứ hai là, đối với những công nhân ở thành phố, có đất của ông bà, cha mẹ để lại thì chúng tôi có thể hỗ trợ vốn để xây nhà. Vấn đề xây nhà, sửa nhà đối với nhu cầu công nhân thì khoảng 100 triệu là có thể xây được nhà. Ngoài việc hỗ trợ vốn, thì công nhân còn có thêm một phần tích lũy của mình, gom vào thì họ đã đủ khả năng xây nhà cấp 4 rồi. Và hiện nay, chúng tôi còn hỗ trợ chương trình mang tên “Mái nhà CEP”, dành kinh phí hằng năm từ nguồn lợi nhuận để hỗ trợ cùng chương trình nhà ở xã hội để xây, sửa khoảng 100 căn nhà mỗi năm".
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề người lao động trăn trở nhiều hiện nay là tìm giải pháp để khắc phục khó khăn hậu Covid 19. Đa phần người lao động mong muốn được vay vốn để trang trải cho cuộc sống trước mắt, ổn định cuộc sống, khởi nghiệp trở lại để có cơ sở bám trụ và gắn bó với thành phố. Do đó, việc cấp thiết trước mắt là giúp người lao động ở các khu nhà trọ có nơi ở chất lượng, đảm bảo an toàn, an tâm lao động: "Những người lao động nghèo hiện đang sử dụng dịch vụ nhà trọ rất nhiều, khoảng dưới 1,5 triệu nhưng chất lượng nhà trọ không cao và các điều kiện cơ sở cũng rất thấp. Do đó, Liên đoàn lao động đề xuất, thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho chủ nhà trọ sửa chữa nhà trọ đàng hoàng hơn, giúp người lao động có thể tiếp cận các khu vực trọ có tiêu chuẩn cao; Thứ hai là các chính sách hỗ trợ bên trong khu vực có đông nhà trọ xây dựng trường học, nhóm trọ gia đình đảm bảo điều kiện".
Thiết nghĩ, câu chuyện nhà ở xã hội không phải là câu chuyện của riêng nhà nước, mà cần có sự chung tay của cả các doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Nhà nước đang dành cho nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ưu đãi sử dụng đất mà không phải trả tiền. Doanh nghiệp khi xây dựng nhà ở cho người lao động thuê không chỉ có lợi nhuận mà còn giúp giữ chân người lao động gắn bó với mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn là chủ sở hữu của các công trình xây dựng này. Khi có sự đồng lòng giữa doanh nghiệp và nhà nước thì bài toán nhà ở dành cho công nhân sẽ được giải quyết.