Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp nhằm đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là công nhân lao động, người nghèo, người yếu thế... ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Họ chủ yếu là công nhân, người lao động, người nhập cư... phải thuê nhà trọ, là lực lượng lao động trực tiếp góp phần làm ra của cải cho xã hội, đóng góp công sức xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Làm sao để các đối tượng này có thể tiếp cận với quỹ nhà ở giá rẻ vẫn đang là bài toán khó đặt ra với các ngành chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Nội dung này sẽ được phản ánh qua loạt bài: “Thành phố Hồ Chí Minh giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp”, do phóng viên Phương Dung và Huệ Như thực hiện.
Bài 1: Người lao động khó tiếp cận nhà ở xã hội
Mặc dù đã có hàng trăm căn nhà ở xã hội ra đời và TPHCM đang tiếp tục triển khai nhiều dự án, nhưng người lao động thuộc diện thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận, dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Nguyên nhân là dù đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, tuy nhiên các doanh nghiệp đầu tư vẫn chưa coi nhà ở xã hội là thị trường hấp dẫn để tập trung đầu tư. Mỗi lần bà Ngô Thị Hoa – ngụ đường số 9 phường Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân, làm nghề chạy xe ôm nghe tin có dự án nhà ở xã hội là tìm tới đăng ký. Thế nhưng, đến nay bà vẫn chưa tìm được chỗ “an cư”. Mặc dù tiếp cận thông tin và đăng ký sớm nhưng vẫn không thể mua được căn nhà, bà Hoa Bình chua chát:“Tôi chạy xe ôm, ở phường ai đi thì tôi chở. Cũng khó khăn vất vả nhưng cũng phải cố gắng, chứ sớm khuya, chiều tối không có thời gian nghỉ ngơi. Hiện ở nhà thuê với mấy đứa con, tiền thuê là 5 triệu, có tới 3 cặp vợ chồng ở với thằng út nữa. Tôi được 3 đứa con và điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, người dân chúng tôi thì ai cũng muốn có nhà để ở”.
Cũng đủ điều kiện mua nhà, nhưng sau nhiều lần đăng ký, cô Phan Thị Mai Hà – Giảng viên Trường Đại học Bách Khoa TPHCM vẫn không lọt được vào danh sách những người mua nhà theo loại hình này. Bản thân cô là giảng viên nhưng vẫn là lao động thu nhập thấp. Cô Hà chia sẻ, hiện nay nếu đi thuê nhà mỗi tháng cho cả gia đình 4 người ít nhất cũng 7 đến 8 triệu/đồng. Cô mong muốn UBND Thành phố tạo điều kiện mua nhà ở và có những chính sách, quỹ hỗ trợ để cho bản thân yên tâm nghiên cứu giảng dạy: “Bản thân tôi tham gia giảng dạy đến nay cũng hơn 20 năm rồi. Bản thân tôi và chồng nói là có thể tiết kiệm tiền mua được nhà cho đến thời điểm này vẫn chưa làm được. Tôi nghĩ với bản thân tôi đã đi làm rất lâu rồi mà còn khó khăn như vậy thì huống hồ gì là những giảng viên trẻ thì kinh tế còn rất khó khăn, chỉ đủ sống thôi. Vậy thì việc mà để có tiền mua nhà là rất khó. Chỉ mong là có những cái quỹ để cho chúng tôi được thuê nhà chẳng hạn”.
Tương tự, chị Trần Gia Phối – Quản lý Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pro Kingtex Việt Nam, quận Bình Tân nêu mong muốn của chị là nếu không mua được nhà thì nhà nước cũng xây các khu lưu trú cho công nhân thuê: “Nhà nước, Chính phủ có thể xây ra rất nhiều nhà giá rẻ để cho người lao động người ta có thể mua được. Thuê thì hàng năm phải trả một khoản chi phí nhưng vẫn không có một tài sản nào hết. Mua thì ít ra cũng có một cái tài sản và có để lại cho con cháu về sau và họ sẽ gắn bó với TP hơn. Như đợt dịch vừa rồi, rất nhiều lao động đã đi đến các tỉnh thành khác và bây giờ mình cần phải thu hút lại thì mình phải có rất nhiều chính sách”.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Linh – Trưởng ban Tổ chức kiểm tra – Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, đối với nữ công nhân lao động thì nhu cầu nhà ở là nhu cầu bức thiết, các chị có nhiều ý kiến đề xuất mong muốn Thành phố quan tâm cho nữ công nhân có một chỗ ở ổn định, và có đề xuất là đối với công nhân không có điều kiện mua nhà thì có thể được ở trong các khu lưu trú gần với nơi làm việc. Còn đối với các nữ công chức, viên chức thì cũng mong muốn được mua nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Do đó, Thành phố cũng cần có giải pháp để chỉ đạo các sở, ngành quan tâm thực hiện nhằm đảm bảo theo lộ trình phát triển nhà ở: “Hội Phụ nữ cũng đề xuất là có những giải pháp xây xựng những khu nhà lưu trú, rà soát quỹ đất công để tạo cơ hội cho DN có thể xây dựng nhà ở xã hội cho những người có thu nhập thấp, có những cơ chế thuận lợi cho họ. Đồng thời quan tâm đến hoạt động chăm lo đời sống vật chất cho công nhân trong giai đoạn mà mình đang thực hiện chương trình nhà ở xã hội thì mình động viên, nâng cao tay nghề chuyên môn, nghiệp vụ để các nữ công nhân lao động có điều kiện tăng thêm thu nhập, để tích lũy và có khả năng mua được nhà ở xã hội”.
Theo khảo sát của Ban Đô thị - Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp cùng Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố vào giữa tháng 4 vừa qua, hiện chỉ có 17% nữ công nhân, viên chức, lao động có nhà ở tại Thành phố, 41% đang ở nhà thuê, 36% ở chung với gia đình. Về khả năng trả nợ, có 76% có thể trả trước dưới 500 triệu đồng khi thực hiện vay vốn để mua nhà; 53% cần vay từ 10 đến dưới 15 năm. Còn giá trị nhà có 36% lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ; tiếp đến là 34% lựa chọn mua nhà từ 1 tỷ đến dưới 1,5 tỷ đồng.
Bà Vũ Thế Vân – Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM cho rằng, nhà ở là vấn đề quan tâm của đại đa số người lao động, đặc biệt là công nhân tại các Khu chế xuất, khu công nghiệp, nhất là sau hai năm qua dịch bệnh bùng phát thì người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nhà ở. Để quan tâm đến đối tượng này, mong nhà nước, các cơ quan chức năng có liên quan sẽ có những chế độ chính sách, nhà ở xã hội vì không phải công nhân nào cũng có điều kiện để mua nhà ở xã hội. Qua khảo sát đối với công nhân của Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM, thì hầu hết họ mong muốn được hỗ trợ cho thuê nhà với mức hợp lý để tạo điều kiện cho người lao động yên tâm trong cuộc sống, cũng như giúp họ an tâm gắn bó cùng với doanh nghiệp, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bà Vũ Thế Vân – Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM đề xuất: “Đối với công nhân KCX – KCN thì hầu như họ có KT3. Vì vậy, ngoài yếu tố tài chính để mua nhà thì có thể xem xét đối với công nhân có quá trình cống hiến đối với công ty và thâm niên làm việc thì cũng có thể xem xét để tạo điều kiện cho họ có những thủ tục nhất định để họ mua nhà sinh sống và làm việc tại TPHCM như vậy họ an cư lạc nghiệp thì sẽ góp phần cùng DN”.
Thực tế vấn đề nhà ở còn nhiều bất cập nên chất lượng cuộc sống của công nhân, viên chức lao động trên địa bàn TPHCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ luôn phải lo lắng về chỗ ở, điều này phần nào ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lao động. Vì vậy, TPHCM cần tiếp tục có chính sách khuyến khích nhằm huy động các doanh nghiệp bất động sản tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ. Đối với những nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nên miễn, giảm thuế doanh nghiệp; giao đất không thu tiền sử dụng đất; tinh giản thủ tục hành chính theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Huệ Như – Phương Dung