Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa: Dấu ấn trên những cung đường - Thời sự 23/6/2021

(VOH) - Một trong số đó là sự kiện văn hóa thể thao nổi bật vốn trở thành truyền thống gần 30 năm qua - Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa tranh cúp phát thanh VOH.

45 năm chính thức mang tên Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - VOH, cùng với sự lan tỏa và lớn mạnh của làn sóng, nhiều chương trình, sự kiện do VOH tổ chức, thực hiện cũng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng thính giả.

Buổi lễ khai mạc Cuộc đua xe đạp NKKN lần thứ IX - năm 2006

Một trong số đó là sự kiện văn hóa thể thao nổi bật vốn trở thành truyền thống gần 30 năm qua - Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa tranh cúp phát thanh VOH. Ra đời năm 1993, cuộc đua xe đạp truyền thống Nam Kỳ khởi nghĩa đã qua 23 lần tổ chức, là một trong số những giải đấu lâu năm nhất của xe đạp thể thao Việt Nam. Nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia, giải không chỉ là sân chơi thể thao góp phần thúc đẩy phong trào xe đạp thể thao nước nhà, cuộc đua còn mang đến món ăn tinh thần nhiều cảm xúc cho người hâm mộ trên khắp những cung đường trong nước và quốc tế mà đoàn đua đi qua trong suốt hơn 23 lần tổ chức, với rất nhiều những dấu ấn đáng nhớ.

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa được hình thành từ ý tưởng đề xuất của nhà báo Huy Quân và ông Hà Phước Chinh, Trưởng phòng Thể dục thể thao quận 5, với mong muốn tổ chức một hoạt động thể dục thể thao mang tính truyền thống. Ý tưởng này đã được Ban Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và UBND Quận 5 chấp thuận. Cuộc đua lần đầu tiên được tổ chức thành công với lộ trình 3 ngày về miền Tây, nhân kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến 23/9. Kinh phí tổ chức toàn bộ đều từ nguồn tài trợ, xã hội hóa. Cuộc đua lần thứ hai năm 1994 đã có thêm sự phối hợp của UBND huyện Hóc Môn, quyết định tổ chức thành giải truyền thống hàng năm với tên gọi “Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa”. Nhà báo Huy Quân, nguyên Phó Ban tổ chức nhớ lại: “Vì tình yêu với xe đạp, tôi mới nuôi ý tưởng, nhưng mà phải tìm được đối tác ưng ý. Đến năm 1993 mới có, đó là trung tâm TDTT quận 5. Báo cáo lãnh đạo 2 bên để xúc tiến, nhưng chúng tôi cũng phải lo tìm kinh phí, và các phường ở quận 5 đã vận động được kinh phí chuyển lên, chúng tôi tổ chức thành công mà không tốn ngân sách của 2 phía

Áo vàng chung cuộc năm 2006 Cuộc đua xe đạp NKKN LẦN THỨ IX thuộc về tuyển thủ Mai Công Hiếu

Những thành công ban đầu đó đã tiếp thêm động lực cho Ban Tổ chức duy trì và phát triển cuộc đua. Song, những bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn. Nỗi lo lớn nhất của Ban tổ chức là kinh phí xã hội hóa. Giải đấu từng có đến 5 năm gián đoạn, do khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí. Đó là vào những năm 1999, 2000, và từ 2003 đến 2005. Với tâm huyết góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa thể thao, cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa hồi sinh trở lại từ năm 2006, cột mốc đánh dấu giai đoạn phát triển bền vững. Đến lần tổ chức thứ 12- 2009, cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa ghi thêm dấu son khi Liên đoàn xe đạp và mô tô thể thao Việt Nam quyết định đưa cuộc đua do VOH tổ chức vào hệ thống thi đấu quốc gia hàng năm. Nói về cột mốc này, ông Ngô Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn xe đạp mô-tô thể thao Việt Nam khẳng định: “Thời điểm lúc đó, giải mang tính chất cấp thành phố, mời các đơn vị thi đấu, và cũng không được liên tục. Đến năm 2009, khi được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia, giải phát triển tốt hơn. Đó cũng là sự cố gắng của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp cho bộ môn xe đạp, cho phong trào xe đạp thể thao nước nhà”.

Thi thố tốc độ tại đỉnh đèo Ngoạn Mục

Xuyên suốt lịch sử cuộc đua, giải luôn được giới truyền thông trên cả nước hỗ trợ nhiệt tình và đánh giá cao chất lượng chuyên môn. Nhà báo Dư Hải, báo Thể thao TPHCM, người đã gắn bó với cuộc đua Nam Kỳ khởi nghĩa Cúp phát thanh VOH ngay từ những ngày đầu tiên đã chia sẻ: “Gắn bó rất nhiều với giải Nam kỳ khởi nghĩa. Từ cuộc đua này, nhiều tay đua trẻ đã thành danh. Tôi cho rằng đây là niềm vui, cũng là thành công của giải. Khi tôi đi, tôi gặp nhiều gương mặt huấn luyện viên từng là các vận động viên trên đường đua, nay họ tiếp tục huấn luyện, dẫn dắt các tay đua trẻ

Qua 23 lần tổ chức với nhiều mốc son đáng nhớ, trong mỗi chiến thắng, trên từng km đường đua đều mang đậm ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, nhắc nhớ lịch sử, nhắc nhớ tinh thần khởi nghĩa Nam Kỳ kiên cường, bất khuất của đồng bào Nam bộ những năm 40 của thế kỷ trước. Mỗi danh hiệu mà các tay đua giành được đều là những chiến tích đáng tự hào. Ông Mai Công Hiếu, HLV tuyển trẻ xe đạp Việt Nam nhớ như in về kỷ niệm thời còn thi đấu, khi đoạt áo vàng chung cuộc giải năm 2006. “Cuộc đua Nam kỳ khởi nghĩa cho Hiếu những kỷ niệm rất vui. Thời vận động viên, Hiếu từng đoạt áo vàng năm 2006. Sau này chuyển sang công tác huấn luyện, dẫn dắt các đàn em thi đấu tại giải, cuộc đua tạo điều kiện cho các vận động viên phát triển, trưởng thành hơn

Đến nay, giải xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa - Cúp phát thanh VOH là một trong số ít những cuộc đua có bề dày truyền thống và chất lượng chuyên môn cao, được làng xe đạp thể thao nước nhà háo hức đón chờ. Sau những cuộc đua quy mô, lộ trình dài ngày hơn, năm 2018 và 2019, giải Nam Kỳ khởi nghĩa ghi dấu ấn lịch sử khi 2 lần liên tiếp tổ chức thành công cuộc đua qua 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là lần đầu tiên xe đạp chuyên nghiệp Việt Nam tổ chức cuộc đua xuyên biên giới 3 nước, tạo dấu ấn đặc biệt đáng nhớ với giới xe đạp thể thao và người hâm mộ.

Trao giải chung cuộc Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa lần thứ 22.Trao giải chung cuộc Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa lần thứ 22.

Những vòng bánh xe quay đều mạnh mẽ, vượt đường xa dốc cao, vượt nắng gió bụi đường mang tinh thần đoàn kết, phấn đấu, mang thông điệp kết nối và hữu nghị theo suốt hành trình thể thao không biên giới, góp phần thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia - Lào. Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban điều hành - đánh giá: Ban tổ chức nhận thấy thành công ở nhiều mặt, từ vấn đề an toàn cuộc đua, từ vấn đề thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, đều đã đạt mục tiêu mà Ban tổ chức đặt ra. Chúng tôi cảm thấy rằng cuộc đua cũng làm mình lớn hơn. Chúng ta biết rằng đua đến các thủ đô như Phnom Penh, Viêng chăn là rất khó, từ giao thông cho đến các vấn đề khác. Nhưng cuộc đua của chúng ta đã rất trơn tru về mặt lộ trình, kết quả thành công mỹ mãn

Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa lần thứ 22 trên nước bạn Campuchia và Lào.

Ngoài việc tạo sân chơi cho các tay đua tranh tài, góp phần phát triển phong trào xe đạp thể thao, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đánh giá cao những nỗ lực của VOH, khắc phục rất nhiều những khó khăn để không chỉ tạo nên dấu ấn chuyên môn đáng ghi nhận, mà còn tại dấu ấn đối ngoại hết sức ý nghĩa. “Cuộc đua này về ý nghĩa chính trị đã góp phần nâng cao quan hệ hữu nghị giữa 3 nước với nhau, đó là ý nghĩa lớn. Gặp nhiều khó khăn nhưng Ban tổ chức đã điều hành tốt và đưa đoàn đua về đích an toàn, tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Ban tổ chức. Sự phối hợp giữa các ban ngành, giữa VOH với Liên đoàn xe đạp mô tô thể thao Việt Nam, mô tô Thành phố, và mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng ta với nước bạn, đã làm nên thành công cho cuộc đua”.

Các tay đua đi qua Khải Hoàn Môn (Lảo)

Trên hành trình phát triển, không ngừng nâng chất, nâng tầm gần 30 năm qua của cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa, có sự đóng góp, nỗ lực của Ban tổ chức, là tinh thần phấn đấu tranh tài hết mình của các thế hệ vận động viên, là đóng góp đầy trách nhiệm của các lực lượng tham gia như mô tô bảo vệ lộ trình, trọng tài, hậu cần, tiền phương… Tất cả đã tạo nên những dấu ấn, những nét son của cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa Cúp phát thanh VOH , góp phần thúc đẩy phong trào xe đạp thể thao nước nhà, đồng thời mang đến niềm vui cho hàng triệu người hâm mộ trên những cung đường ngang dọc mà đoàn đua đi qua trong 23 lần tổ chức.

Hoàng Khuê

Bình luận

Đọc Báo