Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa, nguy cơ tiến tới “lằn ranh đỏ” – Thời sự 5h30 4/11/2022

(VOH) – Quân đội Hàn Quốc cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên sáng 3/11 đã không thành công.

Sự kiện: Thời sự AM 610 Khz

Cùng với vụ phóng, Triều Tiên đưa ra lời cảnh báo Mỹ - Hàn sẽ phải trả cái giá khủng khiếp nhất lịch sử, khi đề cập đến cuộc tập trận không quân Mỹ - Hàn quy mô lớn đang diễn ra. Thế giới quan ngại trước căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang liên tục. 

Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Triều Tiên dường như đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ khu vực Suan ở thủ đô Bình Nhưỡng vào khoảng 7h40 sáng 3/11 (giờ địa phương). Quả tên lửa này bay xa khoảng 760km, ở độ cao khoảng 1.920km với tốc độ tối đa. Tuy nhiên, sau khi phân tách giai đoạn hai, dường như tên lửa không thể tiếp tục bay bình thường. Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần thứ 7 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay, trong đó lần gần nhất trước đây được tiến hành hồi tháng 5 vừa qua.

Ngoài tên lửa nói trên, trong sáng 3/11 Bình Nhưỡng cũng phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ Kaechon (thuộc tỉnh Nam Pyongan) ra vùng biển phía Đông của nước này. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Triều Tiên thực hiện các vụ phóng tên lửa. Trước đó, trong ngày 2/11, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 23 tên lửa ra các vùng biển phía Đông và phía Tây nước này. Đây là đợt phóng có quy mô lớn nhất trong một ngày kể từ trước tới nay của Bình Nhưỡng. Trong số các tên lửa được phóng đi có 1 tên lửa rơi gần lãnh hải Hàn Quốc.

Những vụ phóng mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành cuộc  tập trận không quân chung mang tên “Vigilant Storm” kéo dài trong 5 ngày (từ 31/10 đến ngày 4/11), huy động 240 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A và F-35B. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến cảng Busan (Hàn Quốc). Hàn Quốc cũng thông báo thử nghiệm 3 tên lửa không đối đất sau các vụ phóng tên lửa cùng ngày của Triều Tiên. 

Như vậy bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng sau một loạt động thái từ cả hai phía. Đặc biệt là sau khi Mỹ thông báo, không và sẽ không công nhận Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và Mỹ đang tìm cách phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price khẳng định đó không phải là chính sách của Mỹ và sẽ không có sự thay đổi nào. Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy, phía Mỹ vẫn ngỏ ý vẫn sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên  mà không có bất kỳ "điều kiện tiên quyết nào" và muốn nước này tham gia vào một cuộc đối thoại nghiêm túc và thực chất. 

Báo cáo mới nhất của Liên Hợp quốc cho thấy, Triều Tiên đang ở trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho vụ thử vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh những tuần gần đây Triều Tiên phóng tên lửa với tần suất dày đặc, các bên lo ngại nếu Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân có thể là “giọt nước tràn ly” khiến cục diện bán đảo và tình hình an ninh khu vực đối mặt với “báo động đỏ”. 

Ở một góc nhìn khác, các động thái mà Triều Tiên muốn Liên Hợp quốc và các bên thấy, không chỉ nhằm mục đích “răn đe” Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc mà còn gây “sức ép” để Liên Hợp quốc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế nước này. Mới đây, Trung Quốc, đối tác quan trọng của Triều Tiên cũng cho rằng, để giải quyết được tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, cần phải xử lý cân bằng mối quan tâm của tất cả các bên. 

Đánh giá về các diễn biến hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên đã trở nên xa vời và các bên cần thay đổi cách tiếp cận về vấn đề này. Ông Sangsoo Lee, người đứng đầu Trung tâm Hàn Quốc - Stockholm cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc nên chuyển trọng tâm ra khỏi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và thay vào đó theo đuổi chiến lược “quản lý khủng hoảng quân sự” và cắt giảm vũ khí. Tương tự, ông Mark Barry, một chuyên gia về Triều Tiên và là phó tổng biên tập của Tạp chí Quốc tế vì Hòa bình Thế giới nhận định, các chuyên gia về vấn đề Triều Tiên nên bắt đầu “thừa nhận một cách công khai rằng mục tiêu phi hạt nhân hóa giờ đã lỗi thời”. Trong khi đó, người dân Hàn Quốc cũng tin rằng, việc phi hạt nhân hóa đã trở nên bất khả thi. Một cuộc khảo sát hồi tháng 9 cho thấy 92,5% số người được hỏi ở nước này cho rằng việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là không thể - tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc khảo sát lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2007.

Với hàng loạt động thái gần đây của Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên, cộng đồng thế giới không khỏi quan ngại về mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí còn cho rằng, đây là một “viễn cảnh xa vời”. Mỹ-Nhật-Hàn vẫn giữ nguyên quan điểm về việc phi hạt nhân hóa toàn diện trên Triều Tiên, tiếp tục xúc tiến phi hạt nhân hóa thông qua đối thoại và ngoại giao. Quân đội Hàn Quốc cảnh báo sẽ tăng cường năng lực thực thi răn đe mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa năng lực răn đe như mở rộng hệ thống phòng thủ ba trụ cột, lập Bộ Tư lệnh chiến lược, khiến Triều Tiên không thể sử dụng hạt nhân. Đặc biệt còn cảnh cáo rằng liên quân Hàn-Mỹ sẽ đối phó một cách áp đảo nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, khiến nước này đi vào con đường “tự diệt vong”.

Giới phân tích nhận định: chiến lược gây “áp lực tối đa” của Mỹ đối với Triều Tiên là không khả thi, thay vào đó Mỹ nên tăng cường hợp tác với Nga và Trung Quốc trong vấn đề này, ngoài ra cũng cần sử dụng cách tiếp cận từng bước cũng như nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng, các bên có liên quan cần theo đuổi giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo Triều Tiên, thông qua đối thoại và tham vấn giải quyết một cách cân bằng các mối quan tâm của nhau. 

Mặc dù Triều Tiên đã tính toán rất kỹ cho các vụ phóng tên lửa của mình, với “quỹ đạo lệch” tên lửa của Triều Tiên bay cao vào không gian và không ảnh hưởng trực tiếp đến các nước láng giềng, tuy nhiên chỉ cần một chút sơ sảy về mặt kỹ thuật, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Do đó, nhiệm vụ lớn nhất hiện nay nhằm ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên là các bên có liên quan cần phải ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời chấm dứt các hành động khiêu khích, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều nguồn tin cho rằng, Triều Tiên có thể tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ 7 vào những ngày tới.

Nguyệt Minh (H.Điệp t/h)

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo