Tổng thống Pháp thăm Trung Quốc - Những tính toán chiến lược của hai bên - Thời sự 12/01/2018

(VOH) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày (8-10/1). Về lý thuyết, mục đích chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ song phương Pháp-Trung.

Tuy nhiên, trên thực tế, cả Pháp và Trung Quốc đều có những tính toán riêng. Nếu Trung Quốc muốn thuyết phục Pháp ủng hộ chiến lược “Vành đai và con đường” thì ngược lại Pháp muốn tranh thủ “túi tiền” của Bắc Kinh xốc lại nền kinh tế của mình.

Trước hết phải nói rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần này có khá nhiều điểm khá đặc biệt. Thứ nhất, Tổng thống Emmanuel Macron đã trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái. Thứ hai, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2018 của ông Emmanuel Macron và cũng là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Pháp thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng thống.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Macron - Ảnh: Reuters.

Lịch trình chuyến công du và những chi tiết thú vị khác được tiết lộ, cũng đã khiến dư luận phải quan tâm nhiều hơn đến chuyến thăm này. Việc Tổng thống Emmanuel Macron chọn thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây là điểm dừng chân đầu tiên được cho là thông điệp quan trọng gửi đến chính quyền Bắc Kinh. Bởi đây chính là điểm xuất phát của “Con đường tơ lụa” cổ xưa nối liền phương Đông và phương Tây, nay được Trung Quốc ấp ủ hồi sinh lại với dáng vóc hiện đại. Vì thế, có thể hiểu rằng Pháp muốn chuyển tới Trung Quốc một thông điệp “dự án này là cơ hội thực sự để xây dựng cầu nối giữa các quốc gia tương tự như con đường tơ lụa cổ xưa”.

Đáng chú ý, ông Emmanuel Macron đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu và Trung Quốc củng cố hợp tác trong sáng kiến “Vành đai và con đường”. Tuy nhiên, ông Emmanuel Macron tỏ ra thận trọng với việc cảnh báo rằng, việc thực hiện dự án “Vành đai” này cần nằm trong khuôn khổ của “mối quan hệ đối tác bình đẳng” và rộng hơn là khuôn khổ hợp tác châu Âu. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc đã tiếp Tổng thống Emmanuel Macron một cách trọng thị với nghi lễ nguyên thủ và dùng những lời có cánh ca ngợi quan hệ Trung- Pháp.

Dưới góc nhìn phân tích, giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc muốn “tranh thủ” Pháp là điều dễ hiểu. Bối cảnh một châu Âu đang “thiếu đầu tàu”, khi Đức loay hoay với việc thành lập Chính phủ mới khiến vai trò của Pháp nổi lên không ai có thể thay thế. Với 1.000 tỷ đô la Mỹ đầu tư, đại dự án “Vành đai và con đường” được cho là sự tái sinh của Con đường Tơ lụa cổ xưa, sẽ tập trung vào việc xây dựng những hệ thống đường bộ và đường sắt mới xuyên Trung Á và vươn xa hơn, cũng như một tuyến hàng hải kết nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương và biển Hồng Hải. Trong đó, nhiều quốc gia châu Âu quanh biển Hồng Hải sẽ dóng vai trò mấu chốt phát triển dự án này.

Mặc dù Trung và Đông Âu hoan hỉ sẵn sàng đón nhận các gói đầu tư khổng lồ của Trung Quốc, nhưng Tây Âu lại tỏ ra lo ngại trước vai trò ảnh hưởng và chi phối ngày càng tăng của Bắc Kinh. Chính vì thế, Trung Quốc muốn chờ đợi một lập trường rõ ràng" từ ông Emmanuel Macron trong bối cảnh Bắc Kinh nhìn nhận nhà lãnh đạo Pháp là người sẽ dẫn dắt tăng trưởng của châu Âu. Nhà phân tích Barthelemy Courmont, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc tổ chức nghiên cứu Iris của Pháp nhận định “Nếu ông Emmanuel Macron đưa ra quyết định về cách ứng xử với sáng kiến của Trung Quốc, cả châu Âu sẽ nghe theo".

Đây cũng là lý do khiến Tổng thống Pháp phải thận trong trong từng bước đi của mình. Mặc dù ủng hộ về lý thuyết sự phát triển của Trung Quốc, nhưng khả năng ông Emmanuel Macron lên tiếng ủng hộ công khai đại dự án này sẽ không phải là nhiều. Vì thế, Pháp chọn một cách tiếp cận thông minh hơn khi ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của Bắc Kinh, còn đại dự án “Vành đại và con đường” thì còn chờ về bàn với các nước trong khối EU. Tuy nhiên, Pháp không dại gì bỏ lỡ việc đem về những khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, các doanh nghiệp Pháp và Trung Quốc đã ký kết một loạt các hợp đồng trị giá 10 tỷ euro và Pháp đã “tranh thủ” bán luôn 500 động cơ máy bay cho Trung Quốc đồng thời đề nghị Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm vận thịt bò Pháp sang thị trường này. Vì thế có thể nói, chuyến thăm cùng nhiều hợp đồng quan trọng là bước đi cần thiết để bù đắp cho mối quan hệ kinh tế đang đi xuống giữa Pháp và đồng minh Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục áp dụng chính sách “nước Mỹ trên hết” và bảo hộ mậu dịch.

Tờ FrancInfor bình luận tất nhiên Tổng thống Pháp Ma-crông hiểu rõ ý đồ của Trung Quốc, nhưng trên phương diện làm ăn, thì cứ phải “chắc cú”. Với vai trò cầm trịch ở EU, Pháp chả dại gì mà đánh đổi điều đó lấy tình bạn bị chỉ trích với Bắc Kinh. Tuy nhiên, tờ FrancInfor bình luận “Chuyện nào ra chuyện ấy. Chuyện chính trị sẽ tính sau, còn chuyện làm ăn đã ở trước mắt rồi. Không làm là bỏ mất cơ hội”.

Xét về lợi ích chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả 2 bên, nhưng nó có thực sự tạo nên một kỷ nguyên mới cho quan hệ hai nước hay không, lại là chuyện khác. Bởi, Trung Quốc và Pháp vẫn còn đó những khúc mắc và rào cản về thâm hụt thương mại hai bên và khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Pháp.

Trong khi đó, dù chính sách đối ngoại được cho là cởi mởi, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang chịu nhiều sức ép từ trong nước cũng như Liên minh châu Âu chỉ dừng lại ở một mối quan hệ “cân bằng vừa phải” đối với Trung Quốc. Chính vì thế, những thành quả trong chuyến công du lần này có lẽ mới chỉ là sự khởi đầu cho lộ trình làm nóng quan hệ với Trung Quốc nói riêng và với châu Á nói chung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mà thôi./.             

Hồ Điệp

Bình luận

Đọc Báo